Hòa Bình:

Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thứ năm, 07/04/2022 16:52
(ThanhtraVietNam) - Vừa qua, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 56/KH-UBND về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và vận động đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2022-2025.

Theo đó, UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu triển khai sâu rộng, toàn diện, đồng bộ, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; trong đó, chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm thông tin về pháp luật được tiếp cận dễ dàng nhất mà không bị hạn chế về không gian và thời gian. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ, trong đó xác định rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp trong triển khai thực hiện giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Quá trình tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả, thiết thực, phù hợp với tính chất đặc thù của các nhóm đối tượng, tình hình thực tiễn tại các địa bàn, lĩnh vực. Xây dựng tiến độ, cách thức thực hiện khoa học, có trọng tâm; thực hiện tốt việc đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm và chế độ báo cáo thống kê trong quá trình thực hiện.

leftcenterrightdel
 Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Hoà Bình lần thứ III năm 2019 (Nguồn: Internet)

UBND tỉnh Hòa Bình đề ra một số chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025: 100% đồng bào các xã, thôn đặc biệt khó khăn được tiếp cận thông tin về công tác dân tộc, chính sách dân tộc qua phương tiện thông tin đại chúng. 100% già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được cung cấp tài liệu (tờ gấp, sách bỏ túi, cẩm nang pháp luật, sổ tay truyền thông và các ấn phẩm, tài liệu khác) nội dung về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; 80% già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín, chức sắc tôn giáo thôn đặc biệt khó khăn trong đồng bào dân tộc thiểu số được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; 100% Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thôn bản đặc biệt khó khăn; Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Các đoàn thể xã, thôn đặc biệt khó khăn; trường Tiểu học, Trung học cơ sở; Trường Dân tộc nội trú, Dân tộc bán trú cụm xã, các xã vùng dân tộc thiếu số và miền núi được hưởng chính sách cấp không thu tiền một số ấn phẩm báo, tạp chí; 100% già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín, chức sắc tôn giáo thôn đặc biệt khó khăn; Bí thư chi bộ, Chi hội trưởng phụ nữ, Bí thư chi đoàn thanh niên, Chi hội trưởng cựu chiến binh, Chi hội trưởng nông dân, Trưởng ban công tác Mặt trận Tổ quốc ở các thôn đặc biệt khó khăn được cung cấp thông tin, cập nhật tình hình kinh tế, xã hội của địa phương.

Cùng với đó, UBND tỉnh Hòa Bình đã đề ra các giải pháp thực hiện tập trung vào nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, phát huy tính gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc và đồng bào các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh tuân thủ, chấp hành pháp luật và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; tăng cường sự phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức xây dựng và thực hiện Kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn có nguy cơ xảy ra nhiều vi phạm pháp luật; phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, phong tục tập quán của từng dân tộc, từng vùng; hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch. 

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, người đứng đầu, đảm bảo các điều kiện về nguồn lực trong tổ chức thực hiện Kế hoạch; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân tộc đảm bảo có kỹ năng nghiệp vụ tốt, am hiểu pháp luật, biết tiếng dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. 

Thường xuyên khảo sát, đánh giá nhu cầu thông tin về phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân tộc, nắm bắt tình hình tư tưởng, nhận thức về công tác dân tộc, chính sách dân tộc của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi để lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, xây dựng và nhân rộng mô hình điểm. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia thực hiện chính sách dân tộc. Các hoạt động thường xuyên được triển khai trong việc thực hiện nội dung của kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố; đồng thời, kết hợp, lồng ghép với các chương trình, dự án, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền đang được triển khai ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. 

Mặt khác, khảo sát, đánh giá thực trạng và kết quả thực hiện kế hoạch hằng năm và cả giai đoạn. Tập trung khảo sát, đánh giá nhu cầu thông tin về phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân tộc của cán bộ, công chức, viên chức cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cấp xã và đội ngũ cán bộ trực tiếp được giao nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật; đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh. Xây dựng, triển khai nhân rộng mô hình điểm về phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, các trường học… Khảo sát, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền, gắn với việc thực hiện chính sách dân tộc ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, các trường học trên địa bàn toàn tỉnh. Quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm thực hiện kế hoạch hàng năm và cả giai đoạn.

Mục đích của Kế hoạch trên nhằm tạo chuyển biến về nhận thức và ý thức tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước; vận động đồng bào các dân tộc xây dựng xã hội lành mạnh, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, tạo sự đồng thuận xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình./.

Đoàn Cần
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra