Quảng Ninh:

Hỗ trợ tới thôn, bản khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ ba, 07/09/2021 16:36
(ThanhtraVietNam) - Tỉnh Quảng Ninh đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tiếp cận thông tin, chú trọng các lĩnh vực kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng, nâng cấp nền tảng công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý Nhà nước về công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương.

Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua tỉnh này đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thiết bị CNTT, xây dựng hệ thống chỉ tiêu và thực hiện điều tra, thu thập thông tin về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh; thu thập, số hóa tài liệu thu thập. Xây dựng phần mềm quản lý hệ thống dữ liệu công tác dân tộc trên địa bàn, thiết kế tích hợp chia sẻ thông tin với hệ thống thông tin của Ủy Ban Dân tộc.

Đồng thời, xây dựng dự án ứng dụng CNTT trên thiết bị di động thông minh để hỗ trợ, phổ biến đường lối chính sách, pháp luật; các chính sách dân tộc, bình đẳng giới, giáo dục về giới tính, quyền phụ nữ, quyền trẻ em cho đồng bào DTTS, thông tin việc làm cho đồng bào DTTS.

Thực hiện khảo sát, xây dựng Bộ tài liệu về các DTTS tỉnh Quảng Ninh, tập trung vào các lĩnh vực: Lịch sử, văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán các DTTS; các sản phẩm truyền thống của đồng bào DTTS; thông tin địa lý vùng DTTS có tích hợp dữ liệu thông tin đa phương tiện.

Chú trọng nền tảng CNTT, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung nâng cấp và hoàn thiện Dự án hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đảm bảo khả năng tích hợp, đồng bộ, truy xuất, chia sẻ, trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống thông tin liên quan đến công tác dân tộc, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin phục vụ hiệu quả nhu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương. Đồng thời, hỗ trợ các điểm văn hóa sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, bản phục vụ cho việc khai thác và ứng dụng CNTT cho đồng bào DTTS.

Tỉnh Quảng Ninh xác định, công tác đào tạo, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về việc ứng dụng CNTT cho đồng bào DTTS có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của chương trình. Theo đó, tỉnh xây dựng và tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, phổ cập các kiến thức về CNTT nhằm nâng cao nhận thức cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo các xã, Trưởng thôn, bản và người có uy tín và cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các xã vùng DTTS và miền núi của tỉnh.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa - Internet

Xây dựng và triển khai việc đào tạo nhằm nâng cao nhận thức, chất lượng ứng dụng CNTT trong phát triển kinh tế  - xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong đồng bào DTTS. Tập huấn, hỗ trợ đồng bào DTTS tìm kiếm, sử dụng các ứng dụng CNTT và dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 do các cơ quan Nhà nước cung cấp.

Bên cạnh đó, nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng CNTT phục vụ đời sống và sản xuất và chính sách hỗ trợ đào tạo đồng bào DTTS ứng dụng CNTT. Thiết kế, nâng cấp hệ thống hạ tầng trang thiết bị CNTT phục vụ quản lý Nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đảm bảo kết nối đồng bộ, thông suốt và có khả năng chia sẻ, trao đổi thông tin đảm bảo an toàn, thuận tiện với cơ quan làm công tác dân tộc Trung ương; phục vụ hiệu quả nhu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của tỉnh.

Không những vậy, địa phương này còn triển khai hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc, xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu công tác dân tộc phục vụ việc quản lý, theo dõi, thống kê của các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác này trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc trên địa bàn, đồng thời hình thành cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, chia sẻ, khai thác thông tin cơ sở dữ liệu.

Xây dựng phần mềm quản lý hệ thống dữ liệu công tác dân tộc đáp ứng trích xuất, cung cấp các dữ liệu về kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; cung cấp các công cụ mạnh và linh hoat phục vụ tìm kiếm các thông tin, số liệu, báo cáo thống kê theo chỉ tiêu, theo bảng biểu, biểu mẫu; có khả năng tích hợp hệ thống thông tin địa lý (GIS) thực hiện các hình thức báo cáo trực quan và hướng tới tính toán, phân tích số liệu trên nền GIS; đảm bảo tính động, tính mở và khả năng nâng cấp của hệ thống sau này.

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị Ủy ban Dân tộc hỗ trợ và có hướng dẫn, định nghĩa các tham số đầu vào và đầu ra, tỉnh Quảng Ninh và Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh sẽ dựa theo tham số đó để viết API và chuyển lên Ủy Ban Dân tộc chạy đồng bộ vào hệ thống thông tin dữ liệu công tác dân tộc toàn quốc tại Ủy Ban Dân tộc./.

Trường An

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra