Nhiều hoạt động đậm nét bản sắc văn hoá vùng Tây Nguyên sẽ diễn ra
Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức có chủ đề “Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc vùng Tây Nguyên trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước”. Ngày hội dự kiến thu hút sự tham gia của khoảng 1.200 người là các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng các dân tộc hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại địa bàn 07 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Quảng Nam, Bình Phước (mở rộng).
Theo Kế hoạch tổ chức Ngày hội, phần lễ khai mạc và lễ bế mạc sẽ có kịch bản riêng, diễn ra tại Quảng trường 16/3, thành phố Kon Tum và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Kon Tum.
Đáng chú ý, các hoạt động văn hoá sẽ diễn ra sôi nổi, đa dạng với sự tham gia của các Đoàn nghệ thuật quần chúng các tỉnh. Bên cạnh đó, 7 tỉnh trưng bày các bảng trích biểu đồ, mô hình hiện vật, hình ảnh, nhạc cụ, trang phục của dân tộc tại địa phương, tranh, ảnh, sách, đồ thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, kiến trúc nhà ở. Qua đó, phản ánh văn hóa của các dân tộc trong sự thống nhất của nền văn hóa Việt Nam; những thành tựu trong sản xuất, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng; những sản phẩm du lịch, điểm đến tiêu biểu của địa phương. Cùng với đó còn trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc sản, trình diễn chế biến và giới thiệu văn hóa ẩm thực, các món ăn truyền thống tiêu biểu của địa phương; trình diễn nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc.
Phần trình diễn, giới thiệu văn hóa ẩm thực đặc trưng của các dân tộc (các thao tác, nguyên liệu, quy trình chế biến, bảo quản, thưởng thức văn hóa ẩm thực mang đậm bản sắc dân tộc ở mỗi địa phương) cũng là một hoạt động văn hoá tiêu biểu của Ngày hội.
Đặc biệt, sẽ có phần trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống dân tộc và diễn tấu cồng chiêng – bản sắc văn hoá vùng Tây Nguyên. Theo đó, mỗi tỉnh lựa chọn và dàn dựng trích đoạn giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa của dân tộc có giá trị đặc sắc tại địa phương mình với thời lượng không quá 30 phút. Yêu cầu đặt ra với lễ hội, nghi thức, sinh hoạt văn hóa phải mô phỏng một cách khái quát đặc trưng văn hóa tín ngưỡng dân gian của dân tộc địa phương, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy các yếu tố tích cực và loại bỏ yếu tố tiêu cực, lạc hậu, không còn phù hợp với đời sống văn hóa hiện nay.
Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I sẽ có nhiều hoạt động giao lưu, liên hoan văn hoá, thể thao và du lịch. (Ảnh: Báo Dân tộc)
Sẽ có Hội thi Chế biến các món ăn dân tộc Việt Nam
Đối với liên hoan văn nghệ quần chúng, mỗi tỉnh tham gia 01 chương trình trình diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc; độc tấu, hòa tấu nhạc cụ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương, các dân tộc vùng Tây Nguyên. Trong đó, có lồng ghép 01 tiết mục trình diễn giới thiệu trang phục ngày thường, lễ hội, lễ cưới của 03 dân tộc đặc trưng địa phương. Đẩy gậy, kéo co, bắn ná, leo cột mỡ và nhảy bao bố là 5 môn thi đấu thể thao và các trò chơi dân tộc truyền thống tại Ngày hội.
Bên cạnh đó, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I còn có nhiều hoạt động khác. Trong đó, triển lãm “Đặc trưng văn hóa các dân tộc vùng Tây Nguyên” tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum sẽ giới thiệu đặc trưng văn hóa các dân tộc Tây Nguyên thông qua hình ảnh, hiện vật, trang phục, nhạc cụ dân tộc, chữ và sách cổ, các sản phẩm văn hóa dân tộc tiêu biểu.
Mặt khác, còn có hoạt động giới thiệu và tổ chức du lịch dã ngoại tại Kon Tum. Cụ thể, sẽ tổ chức đoàn Famtrip (các doanh nghiệp lữ hành trong nước) khảo sát du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại tỉnh Kon Tum. Đồng thời, giới thiệu các các tour du lịch, đưa khách tham quan trải nghiệm các hoạt động, gồm: Homestay Kon K’Tu (TP Kon Tum); tham quan vườn Sâm Ngọc Linh (Tu Mơ Rông); Vườn Quốc gia Chư Mom Ray; vườn Lan, thác khỉ, khu cứu hộ động vật; khu di tích Chư Tan Kra; làng Ba Rgók xã Sa Sơn (Sa Thầy); khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Măng Đen (Kon 4 Plông); làng văn hóa du lịch Kon Du; khu du lịch EPic Spa (Kon Rẫy); cột mốc 3 biên; cửa khẩu Bờ Y; làng Văn hóa Đăk Răng (Ngọc Hồi).
Đáng chú ý, trong khuôn khổ Ngày hội còn diễn ra Hội thi Chế biến các món ăn dân tộc Việt Nam nhằm nâng cao tay nghề du lịch, tôn vinh những đầu bếp giỏi của ngành du lịch, phát huy giá trị bản sắc của món ăn Việt Nam./.
Để các hoạt động Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I diễn ra đúng thời gian, đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, Bộ VHTTDL giao Vụ Văn hoá dân tộc là đơn vị đầu mối tham mưu lãnh đạo Bộ; phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum chuẩn bị kế hoạch; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thẩm định các nội dung hoạt động văn hóa nghệ thuật của các địa phương tham dự Ngày hội…Bộ VHTTDL cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc theo chức năng, nhiệm vụ phụ trách các công việc cụ thể; đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh tham gia Ngày hội phối hợp, góp ý, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc… để Ngày hội diễn ra thành công.
Hoàng Minh