Tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc miền Tây Bắc, Đông Bắc
Theo Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tiếp tục các công tác về việc phòng, chống dịch COVID - 19 quy mô các hoạt động tháng 4/2021 được xác định theo 02 phương án.
Phương án 1, nếu trong tháng 4 tiếp tục dịch COVID - 19 còn diễn biến phức tạp, các hoạt động thực hiện theo qui mô cuối tuần, hàng ngày và giảm quy mô của các hoạt động điểm nhấn. Khi chấm dứt dịch COVID - 19 thời điểm nào thì tổ chức đầy đủ các nội dung hoạt động điểm nhấn theo Kế hoạch.
Phương án 2, nếu đến thời điểm tháng 4 có thông báo chấm dứt dịch COVID - 19 thực hiện đầy đủ các nội dung hoạt động theo Kế hoạch đặc biệt tăng cường các hoạt động điểm nhấn để thu hút khách du lịch trong các ngày nghỉ lễ.
Dự kiến, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ phối hợp tích cực với Ban tổ chức sự kiện “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2021. Đặc biệt, hoạt động sự kiện dịp nghỉ lễ 29/4-03/5 với chủ đề “Bài ca thống nhất”, nhiều hoạt động điểm nhấn như: “Chợ phiên vùng cao - Điểm hẹn Hoàng Su Phì, Hà Giang” Dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 29/4/2021 - 03/5/2021, tại không gian chợ vùng cao phía Bắc, Khu các làng dân tộc I.
Tiết mục của đồng bào dân tộc thu hút rất đông du khách. Ảnh: langvanhoa
Tại đây, không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc miền Tây Bắc, Đông Bắc sẽ được tái hiện với điểm nhấn là không gian văn hóa chợ vùng cao với chủ đề “Điểm hẹn Hoàng Su Phì, Hà Giang”. Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân Dao, Mông, La Chí, Thái... Trung tâm của chợ vùng cao là các gian hàng của UBND huyện Hoàng Su Phì... Du khách sẽ được thưởng thức các món ăn đặc trưng của dân tộc Mông: Thắng cố dê, rượu ngô, mèn mén...; của dân tộc Thái: xôi nếp màu, gà nướng, thịt lợn, cơm lam, cá nướng...
Cùng với đó, các sản phẩm nông - lâm nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, các món ăn ẩm thực đặc trưng của huyện Hoàng Su Phì cũng được giới thiệu văn hóa - du lịch của huyện Hoàng Su Phì trưng bày triển lãm ảnh, sách, tờ rơi quảng bá du lịch huyện Hoàng Su Phì với chủ đề “Hoàng Su Phì - Thiên đường kỳ vĩ”; giới thiệu và bán thổ cẩm như trang phục, khăn, vòng tay, đồ lưu niệm của dân tộc Mông, Thái, Dao...
Chưa hết, không gian văn hóa chợ vùng cao còn có sự góp mặt của các dân tộc Dao, Mông, La Chí... trong đó là các hoạt động tái hiện như không gian trao đổi mua bán, chế biến các món ăn truyền thống, uống rượu ngô, ăn thắng cố, mèn mén chúc tụng chia vui, không gian những cặp trai gái người Mông say sưa với những điệu khèn, không gian đồng bào La Chí, Dao, Mông… hát giao duyên khi chơi chợ, không gian đồng bào Mông nấu rượu…Không gian ấy có tục “kéo vợ” là nét độc đáo văn hóa của đồng bào dân tộc Mông...
Thắm tình đoàn kết trong “Ngôi nhà chung” 54 dân tộc anh em
Một điểm đáng chú ý tại thời gian các ngày nghỉ lễ sắp tới, tại không gian chợ vùng cao phía Bắc, Khu các làng dân tộc I, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, một Chương trình dân ca dân vũ “Sắc màu chợ phiên” của cộng đồng các dân tộc tại không gian chợ vùng cao phía Bắc cũng sẽ được tổ chức tại khung giờ 9h30 - 10h30 và 15h00 - 16h00.
Theo Ban tổ chức, dự kiến chương trình sẽ huy động khoảng 15 nghệ nhân đồng bào dân tộc Thái, tỉnh Sơn La giới thiệu về mảnh đất con người Sơn La trong ngày vui đất nước, về vẻ đẹp, đổi mới của quê hương đất nước, niềm vui rộn ràng được gặp gỡ, giao lưu tăng cường theo tình đoàn kết của các dân tộc trong “Ngôi nhà chung”.
Các tiết mục dân ca, dân vũ mừng đất nước, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền mừng non sông thống nhất của dân tộc Mông, dân tộc Dao, La Chí huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang; đồng bào dân tộc Thái tỉnh Sơn La và các cộng đồng dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng. Các cộng đồng dân tộc gặp gỡ, hân hoan của tình đoàn kết, rạng ngời trong niềm tin đối với Đảng, Bác Hồ và quê hương đổi mới.
Thăm quan các hoạt động của dân tộc cũng là thời gian học tập, giáo dục kiến thức về văn hóa, lịch sử đất nước rất bổ ích đối với học sinh. Ảnh: langvanhoa
Một phần hội hứa hẹn vô cùng đặc sắc cũng sẽ được tái hiện tại không gian Làng dân tộc Dao, Khu các làng dân tộc I đó là Lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao huyện Hoàng Su Phì.
Theo Ban tổ chức, sau phần nghi thức là phần hội vô cùng đặc sắc, thu hút của đồng bào dân tộc Dao như trò chơi vật chày, kéo co... Một số món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang sẽ được giới thiệu. Qua hoạt động này không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trên địa bàn mà còn là dịp quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiềm năng về văn hóa, du lịch của huyện tới du khách trong, ngoài nước đến với Hoàng Su Phì nhiều hơn trong tương lai.
Như vậy, các sự kiện văn hóa các dân tộc vùng miền đặc sắc trên sẽ được tổ chức từ ngày 01/4 - 03/5/2021, tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), với các hoạt động thiết thực, ý nghĩa góp phần hưởng ứng tôn vinh Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4); Kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021).
Các hoạt động với sự tham gia của khoảng hơn 100 người của 14 dân tộc là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng (Thái nguyên); Dao (Ba Vì, Hà Nội); Mông (Hà Giang); Khơ Mú (Nghệ An); Mường (Hòa Bình); Thái (Sơn La); Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế); Ba Na (Gia Lai); Xơ Đăng (Kon Tum); RagLai (Ninh Thuận); Ê Đê (Đắk Lắk); Khmer (Sóc Trăng). Huy động thêmhàng chục người dân tộc Dao, 10 người của dân tộc Mông, 15 người của dân tộc La Chí (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang), 15 người dân tộc Thái tỉnh Sơn La; khoảng 25 – 30 nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Múa Rối Việt Nam ngày 01,02/5/2021.
|
Tràng An