Người phụ nữ Ê đê giỏi việc nước, đảm việc nhà

Thứ hai, 06/09/2021 09:38
(ThanhtraVietNam) - Người phụ nữ H’rin K Sor - nguyên là cán bộ công đoàn, Phó Trưởng Ban Nữ công, Công đoàn Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, phụ trách khu vực Đắk Lắk, Đắk Nông, Phú Yên, Khánh Hoà là một tấm gương giỏi việc nước, đảm việc nhà.

Đã có thời gian công tác liên tục trong ngành 34 năm, chị H’rin Ksor chia sẻ, người ta thường nói phụ nữ là phái yếu, nhưng chị chưa bao giờ dám nghĩ đến sự yếu đuối của phụ nữ vì sợ nó làm nhụt ý chí của mình.

Hơn nữa, cuộc sống đời thường không được êm ả như sự mong đợi, từ đó chị đã chọn cho mình một hướng đi và quyết tâm thực hiện những ước mơ để giúp chị vượt qua tất cả những khó khăn trong cuộc sống. Với quyết tâm ấy, cộng với sự giúp đỡ của gia đình, chị em, bạn bè, đồng nghiệp, đã tiếp thêm sức mạnh để chị vượt qua mọi khó khăn trở ngại, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và ổn định trong cuộc sống.

Tâm sự về quá trình vượt khó vươn lên của bản thân, chị H’rin Ksor từng chia sẻ, những năm đầy khó khăn thách thức khi tình hình tại Tây Nguyên đối mặt với thời tiết không thuận lợi, hạn hán kéo dài, giá cả vật tư leo thang, sức mua và tiêu thụ hàng hoá giảm sút ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, đời sống người công nhân lao động thì việc ổn định tư tưởng công nhân lao động, đặc biệt công nhân lao động là người dân tộc tại chỗ đòi hỏi sự quan tâm rất lớn của các ngành. Trong thời gian đó người phụ nữ dân tộc Ê đê đã đến các Công ty trực thuộc có công nhân lao động là người dân tộc tại chỗ phối hợp với địa phương triển khai phong trào phát động quần chúng ở các tổ, đội sản xuất lao động là người dân tộc tại chỗ. 

leftcenterrightdel
Cà phê được trồng bởi những người dân tộc tại chỗ

Với trình độ dân trí không đồng đều của công nhân lao động, chị đã đầu tư nhiều về thời gian sao cho thuận lợi để tiếp cận với người lao động mà không làm ảnh hưởng đến ngày công lao động của công nhân, để tuyên truyền phổ biến các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết của Ban chấp hành Công đoàn các cấp, nhằm ngăn chặn âm mưu diễn biến hoà bình của thế lực thù địch trong và ngoài nước.

Đến nay, công nhân lao động là người dân tộc tại chỗ nhận thức và hiểu được rằng: Nghe theo sự xúi giục, lừa gạt của đối tượng xấu không những không đem lại cuộc sống ấm no cho gia đình, bản thân, mà còn làm thiệt hại đến kinh tế gia đình và ảnh hưởng đến dòng họ, buôn làng vốn dĩ đang êm ấm làm ăn ổn định. 

Từ nhận thức trên, bà con công nhân lao động kiên quyết không nghe, không làm theo lời xúi giục của đối tượng xấu và lao động chăm chỉ, tìm hiểu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào vườn cây nhằm trẻ hoá vườn cây, tăng năng suất, sản lượng, từ đó tăng thêm thu nhập cho bản thân, cho gia đình và làm ra của cải phục vụ cho xã hội, cho đất nước. Ngoài việc phối hợp với chính quyền địa phương làm công tác phát động quần chúng trong các Công ty trực thuộc, chị xây dựng kế hoạch, rà soát lại, và kiện toàn các Công đoàn cơ sở trực thuộc còn yếu kém không hoạt động do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Người phụ nữ dân tộc Ê đê thu xếp và đến các Công đoàn cơ sở, xem xét địa bàn, thiết kế, tổ chức lại địa điểm sinh hoạt định kỳ, vừa thuận lợi cho việc đi lại của đoàn viên và phù hợp với điểm tổ chức sinh hoạt tổ, đội. 

Nhằm thu hút được nhiều người tham gia sinh hoạt, chị H’rin K Sor đã tìm hiểu thêm về phong tục tập quán, tín ngưỡng, thói quen trong cuộc sống sau đó chị xin ý kiến đơn vị và đề nghị triển khai họp Ban chấp hành Công đoàn cơ sở mở rộng để nắm bắt được tình hình thực tiễn. Sau khi nắm bắt được tình hình của đơn vị, chị phân tích, và dựa trên các đặc điểm đó xây dựng chương trình cho đơn vị áp dụng, sau 3 tháng chị xuống kiểm tra kết quả thực hiện của đơn vị. 

Từ những mô hình trên, các đơn vị từng bước đi vào hoạt động ổn định, kết nạp thêm được đoàn viên mới, đơn cử như Công đoàn cơ sở nông trường 714, huyện Ea Kar, Nông trường 718 Huyện Krông Pắk, Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng 20, huyện M'Drak, Công ty Cà phê Ea Tul, huyện Cư Mgar. Song song với nhiệm vụ của cơ quan, chị vừa là trụ cột, là mái ấm của các con. Hàng ngày sau những giờ làm việc chị đi làm kiếm thêm thu nhập trang trải thuốc men học phí, và tiền sinh hoạt trong gia đình, từ 2 bàn tay trắng, chị xây dựng được 2 ha cà phê kinh doanh mỗi năm thu được 7 tấn cà phê nhân với hàng trăm triệu đồng mỗi năm... 

Từ những đồng vốn trên chị lại đầu tư và xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp gắn kết làng nghề thổ cẩm, sau khi thành lập Hợp tác xã chị vận động bà con là người dân tộc tại chỗ được giao đất sản xuất nông nghiệp. Bà con canh tác thiếu trình độ khoa học kỹ thuật, thiếu vốn, không đem lại hiệu quả kinh tế, từ đó chị kết nạp bà con vào Hợp tác xã góp vốn bằng đất được giao và định hướng sản xuất nông nghiệp bền vững nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm cung cấp cho thị trường miền Trung - Tây Nguyên và mở lớp dạy nghề cho 30 lao động nữ là con em công nhân dân tộc tại chỗ của Công ty Cà phê Việt Thắng, tạo việc làm ổn định cho xã viên, góp phần xoá đói giảm nghèo trong cộng đồng địa phương. 

Với những thành quả đã đạt được trong phong trào thi đua của công nhân, viên chức, lao động trong thời gian công tác tại Công đoàn Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, chị H’rin Ksor được tôn vinh là một trong những điển hình tiên tiến. Người phụ nữ dân tộc Ê đê này cũng vinh dự được báo cáo điển hình tiên tiến tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc.

Từ mô hình hoạt động của phụ nữ dân tộc Ê đê H’rin Ksor da dạng, phong phú thiết thực, qua đó góp phần hiệu quả trong việc nâng cao mức sống và thu nhập cho gia đình, phục vụ cho xã hội./.

Quỳnh An

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra