Quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với tôn giáo

Thứ tư, 21/07/2021 07:05
(ThanhtraVietNam) – Quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề tôn giáo là nhất quán và xuyên suốt và xoay quanh 5 nhóm vấn đề lớn đảm bảo nguyên tắc mọi hoạt động tôn giáo đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, hướng đến mục tiêu chung đoàn kết gắn bó đồng bào theo các tôn giáo và không theo tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân.

Theo thống kê Việt Nam hiện có 6 tôn giáo lớn gồm: Phật giáo khoảng 11 triệu tín đồ, Công giáo khoảng hơn 6,2 triệu tín đồ, có mặt ở 50 tỉnh, thành phố, Tin lành khoảng 1 triệu tín đồ, Hồi giáo khoảng hơn 6 vạn tín đồ, Cao đài khoảng 2,4 triệu tín đồ và Hòa hảo khoảng 1,3 triệu tín đồ.

Quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với tôn giáo có 5 nhóm vấn đề lớn.

Đồng bào các dân tộc tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Một là, tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các dân tộc tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền quan trọng của công dân luôn được Đảng và Nhà nước ta công khai thừa nhận và tôn trọng.

Tôn trọng và đảm bảo quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Mọi công dân đều bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi trước pháp luật, không phân biệt người theo đạo và không theo đạo cũng như giữa các tôn giáo khác nhau...

Đoàn kết gắn bó đồng bào theo các tôn giáo và không theo tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân. Mọi cá nhân và tổ chức hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; có nghĩa vụ bảo vệ lợi ích của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữ gìn độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia.

leftcenterrightdel
 Một hoạt động tín ngưỡng trong Phật giáo. Ảnh: T.A

Thực hiện nhất quán chính sách

Hai là, Đảng, Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

Trong đó, đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời chống lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ dân tộc, gây rối, xâm phạm đến lợi ích quốc gia.

Trong bối cảnh xung đột dân tộc, sắc tộc trên thế giới, cần cảnh giác chống việc lợi dụng tôn giáo và dân tộc kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia. Giữ gìn, phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với tổ quốc và nhân dân nhằm phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc khai thác điểm tương đồng giữa những người có tôn giáo và không có tôn giáo, giữa những người theo tôn giáo khác nhau.

Công tác vận động quần chúng là cốt lõi của công tác tôn giáo

Ba là, nội dung dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng.

Hướng công tác tôn giáo vào công tác vận động quần chúng. Mẫu số chung, sự tương đồng giữa người có đạo và người không có đạo để đoàn kết phấn đấu cho lợi ích chung là độc lập cho dân tộc và cơm no, áo ấm, hạnh phúc cho mọi người, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Công tác vận động quần chúng tôn giáo phải động viên đồng bào nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc thông qua việc thực hiện tốt các chính sách kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo đảm lợi ích vật chất và tinh thần của nhân dân, trong đó có đồng bào tôn giáo.

Làm tốt công tác tôn giáo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị

Bốn là, công tác tôn giáo có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Tôn giáo và những hoạt động tôn giáo gắn với đời sống tâm linh của đồng bào có đạo và liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, quan hệ đến các cấp, các ngành, các địa bàn dân cư. Vì vậy, làm tốt công tác tôn giáo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo.

leftcenterrightdel
 Mọi người dân đều có quyền tự lựa chọn có tôn giáo hoặc không có tôn giáo. Ảnh: T.A

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, làm tốt công tác tôn giáo. Tăng cường củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tôn giáo, nhất là ở những địa bàn trọng điểm có đông đồng bào tôn giáo.

Đấu tranh ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan, các hành vi lợi dụng quyền tự do tôn giáo của công dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, các tổ chức xã hội và các tổ chức tôn giáo có trách nhiệm làm đúng công tác vận động quần chúng và thực hiện đúng chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước.

Mọi hoạt động tôn giáo khác đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật

Năm là, vấn đề theo đạo và truyền đạo.

Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước thừa nhận được hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ. Mỗi tín đồ có quyền tự bày tỏ niềm tin tôn giáo của mình tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Việc theo đạo, truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo khác đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật: không được lợi dụng tôn giáo tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín, dị đoan, không được ép buộc người dân theo đạo.

Đồng thời, nghiêm cấm các tổ chức truyền đạo, người truyền đạo và các cách thức truyền đạo trái phép, vi phạm các quy định Hiến pháp và pháp luật. Các tổ chức tôn giáo có tôn chỉ, mục đích, đường hướng hành đạo, cơ cấu tổ chức phù hợp với pháp luật được Nhà nước cho phép, được pháp luật bảo hộ, được mở trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành, xuất bản kinh thánh và giữ gìn, sửa chữa, xây dựng cơ sở thờ tự tôn giáo của mình theo đúng quy định pháp luật...

Từ Đại hội Đảng lần thứ X (4/2006) đã khẳng định: “Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo. Động viên, giúp đỡ đồng bào theo đạo và các chức sắc tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”. Tại Đại hội Đảng lần thứ XII (1/2016), Đảng ta khẳng định: “Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo”. Đến Đại hội Đảng lần thứ XIII (6/2021), Đảng ta nêu rõ: “Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng. Phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan”.

Như vậy, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề tôn giáo là nhất quán và xuyên suốt và xoay quanh 5 nhóm vấn đề lớn đảm bảo nguyên tắc mọi hoạt động tôn giáo đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, hướng đến mục tiêu chung đoàn kết gắn bó đồng bào theo các tôn giáo và không theo tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân./.

Tràng An

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra