Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giữ gìn, bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống đặc sắc vùng đồng bào các dân tộc thiểu số

Thứ năm, 22/04/2021 16:43
(ThanhtraVietNam) – Đây là một trong những mục tiêu khi UBND huyện Hải Hà, Quảng Ninh triển khai Đề án Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn huyện.

Cụ thể, thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Ninh về “Triển khai Đề án Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. UBND huyện Hải Hà đã cụ thể hóa kế hoạch bằng nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, đúng thẩm quyền.

Kế hoạch nhằm tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thông qua các hoạt động của Chương trình văn hóa nghệ thuật; xây dựng, tổ chức hiệu quả các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, ổn định cuộc sống cho Nhân dân. Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa - P.PV&BT

Bên cạnh đó, tăng cường quan hệ hợp tác, đoàn kết hữu nghị giữa đồng bào các dân tộc vùng biên giới; pháp huy vai trò làm chủ của đồng bào trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giữ gìn, bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống đặc sắc vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng biên giới. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số vùng biên giới; tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chương trình về bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới.

Theo đó, sẽ tổ chức khảo sát, điều tra thống kê về thực trạng hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số để đưa ra các giải pháp phù hợp cho người dân vùng sâu vùng xa được tham gia, hưởng thụ, sáng tạo các hoạt động văn hóa. Trên cơ sở đó lựa chọn, tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện mỗi địa phương đồng thời xây dựng mô hình điểm câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật ở thôn, bản, làng và các khu dân cư vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số làm cơ sở nghiên cứu, nhân rộng.

Bên cạnh đó, đội thông tin tuyên truyền huyện tổ chức tuyên truyền lưu động đi biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Ưu tiên biểu diễn loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc có nguy cơ bị mai một, thất truyền; tổ chức các ngày hội, giao lưu liên hoan, hội diễn văn hóa nghệ thuật quần chúng, chiếu phim tuyên truyền chính trị.

Mặt khác, tổ chức các cuộc thi, sáng tác về đề tài dân tộc thiểu số; các hoạt động triển lãm, trưng bày; đẩy mạnh hoạt động hệ thống thư viện, hỗ trợ các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng tủ sách thư viện cấp xã và tủ sách tại các Nhà văn hóa thôn, bản; tổ chức phát động hưởng ứng ngày hội văn hóa đọc, các đợt thi đọc sách, nói chuyện về sách, các hội thi, giới thiệu tuyên truyền sách, kể chuyện sách tại các điểm vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.

Kế hoạch nêu rõ, sẽ xây dựng các sản phẩm văn hóa truyền thống đặc sắc phục vụ du lịch góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và nâng cao đời sống kinh tế - văn hóa cho đồng bào trên địa bàn; vận động các tổ chức, cá nhân hợp tác và đầu tư cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiếu số; nghiên cứu tổ chức đoàn diễn viên, nghệ thuật các dân tộc thiểu số đi giao lưu, biểu diễn giới thiệu văn hóa truyền thống ở trong nước và nước ngoài…

Đặc biệt, chú trọng nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, thất truyền để bảo tồn và phát huy. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp, kỹ năng triển khai các hoạt động của chương trình văn hóa nghệ thuật. Đồng thời, tổ chức tôn vinh, khen thưởng đối với tác giả có tác phẩm về đề tài dân tộc thiểu số đạt giá trị nghệ thuật, nhân văn. Tôn vinh các nghệ nhân có công trình truyền dạy văn hóa, nghệ thuật truyền thống dân tộc. Có hình thức động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích cao, có nhiều đóng góp trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.

Phòng Văn hóa và Thông tin chủ trì, phối hợp với các phòng ban, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung thuộc thẩm quyền của phòng; xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể hàng năm triển khai thực hiện./.

Lan Anh

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra