Theo Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua, địa phương đã khai Quyết định 414/QĐ-TTg ngày 12/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025" (Đề án). Qua đó xây dựng, nâng cấp các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu tác nghiệp chuyên ngành tại các sở, ban, ngành. UBND tỉnh Lạng Sơn đã triển khai xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu thông tin kinh tế - xã hội nhằm chuẩn hoá quy trình thu thập, xử lý, lưu trữ, cung cấp thông tin chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đồng bộ, thống nhất, chính xác, hiệu quả, tiết kiệm; phục vụ sự chỉ đạo điều hành của tỉnh, khai thác dữ liệu của các cấp, các ngành.
Theo đó, địa phương đã triển khai nhiệm vụ đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng trang thiết bị CNTT đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông đa chiều cho các cơ quan Nhà nước, phục vụ hiệu quả nhu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Đồng thời, đảm bảo kết nối đồng bộ, thông suốt và có khả năng chia sẻ, trao đổi thông tin đảm bảo an toàn, thuận tiện giữa Ủy ban Dân tộc và cơ quan làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương.
Đồng bào dân tộc trải nghiệm công nghệ thông tin qua thiết bị cầm tay thông minh. Ảnh: Internet
Đặc biệt, mạng viễn thông của tỉnh đã kết nối thông suốt từ tỉnh đến các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn, bảo đảm tốt công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước; đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT của người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.537 trạm BTS (trong đó 2G, 3G có 1.874 trạm, 4G có 663 trạm). 100% xã có mạng internet băng rộng cáp quang triển khai. 100% thuê bao Internet trên địa bàn tỉnh là thuê bao băng rộng, trong đó chủ yếu là internet cáp quang FTTH.
Thêm vào đó, hạ tầng kỹ thuật CNTT trong các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã cơ bản đáp ứng yêu cầu, 100% các cơ quan, đơn vị có kết nối internet tốc độ cao và hệ thống mạng LAN được hoàn thiện; tỷ lệ máy vi tính/cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị khối hành chính đạt 98,4%. Trong đó, cấp tỉnh và cấp huyện đạt 100%; cấp xã đạt 95,3%. Tuy nhiên, máy vi tính tại một số cơ quan, đơn vị được trang bị từ lâu, cấu hình thấp nên chưa đáp ứng yêu cầu công tác.
Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn cũng cho thấy, đến nay 100% các cơ quan, đơn vị được triển khai, kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng để ứng dụng cho hoạt động của Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến. Đáng chú ý là trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được đầu tư nâng cấp và duy trì hoạt động thường xuyên, qua đó đã phục vụ đắc lực công tác quản lý các hệ thống: thư điện tử công vụ; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến; lưu trữ dữ liệu dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử của tỉnh; hệ thống phần mềm lưu trữ tài liệu lịch sử tỉnh; hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng; phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức; phần mềm chuẩn hóa, tạo lập, chuyển đổi cơ sở dữ liệu hồ sơ thủ tục hành chính; hệ thống giám sát an toàn mạng thông tin; trang thông tin điện tử của các cơ quan và một số ứng dụng dùng chung, ứng dụng chuyên ngành khác.
Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hoàn thiện hạ tầng chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 10/8/2020 nhằm thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Đồng thời, ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS và miền núi phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS và miền núi”. Trong đó, đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành và giao Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện, ưu tiên lồng ghép các dự án, chính sách để thực hiện Đề án đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nêu trên, nhưng theo Ban dân tộc tỉnh Lạng Sơn, do chưa cân đối được kinh phí thực hiện nên chưa triển khai được đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, hiệu quả thực hiện Đề án chưa thực sự cao. Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn tiếp tục kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí nguồn kinh phí thực hiện Đề án để triển khai hiệu quả, đạt các mục tiêu nhiệm vụ./.
Quỳnh An