Bình Định:

Ứng dụng khoa học công nghệ phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số

Thứ sáu, 10/09/2021 11:54
(ThanhtraVietNam)- UBND tỉnh Bình Định đang triển khai Kế hoạch thực hiện Quyết định số 414/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025” trên địa bàn tỉnh.

Nâng cấp nền tảng công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý nhà nước về công tác dân tộc

Nhằm triển khai thực hiện Đề án thống nhất, đồng bộ và có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bình Định, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; Ban Dân tộc tỉnh Bình Định đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4741/QĐ-UBND ngày 19/12/2019 về việc triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025” trên địa bàn tỉnh.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. St

Theo đó, tỉnh đã xây dựng trang dữ liệu về các DTTS trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán 3 DTTS (Bana, Chăm, H’rê); các sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. UBND tỉnh đang giao Ban Dân tộc phối hợp với các sở, ngành thực hiện giai đoạn 2020 - 2021. Xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin thuận lợi trên thiết bị di động thông minh để hỗ trợ phổ biến đường lối, chính sách, pháp luật; giáo dục về giới tính, quyền phụ nữ, quyền trẻ em cho đồng bào DTTS; cung cấp thông tin việc làm phù hợp với trình độ, nhu cầu của đồng bào; hỗ trợ chẩn đoán, khám, chữa bệnh từ xa đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. 

Song song là nâng cấp và hoàn thiện Hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc tỉnh Bình Định phù hợp với mô hình tổ chức, nhiệm vụ của cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến huyện, xã được kết nối với hệ thống dữ liệu chung toàn tỉnh, bảo đảm khả năng tích hợp, đồng bộ, truy xuất, chia sẻ, trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống thông tin liên quan đến công tác dân tộc; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. 

Áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn về ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đảm bảo kết nối đồng bộ, thông suốt và có khả năng chia sẻ, trao đổi thông tin đảm bảo an toàn, thuận tiện giữa các cơ quan công tác dân tộc. UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với sở, ngành thực hiện đến năm 2021.

Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất của đồng bào DTTS; hỗ trợ người có uy tín trong vùng DTTS ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền cho đồng bào.

Mặt khác, Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách của tỉnh khuyến khích, hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ lao động, sản xuất. UBND tỉnh giao Ban Dân tộc phối hợp với sở, ngành thực hiện đến năm 2024.

Khắc phục khó khăn, tiếp tục phát triển ứng dụng công nghệ thông tin

Trước đó, trong năm 2018, Ban Dân tộc đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1397/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề cương và Dự toán chi tiết “Xây dựng Hệ thống Thông tin dữ liệu về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Bình Định”; Ban Dân tộc đã ký hợp đồng với Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại và Phát triển Công nghệ FSI - Trung tâm Thông tin thuộc Ủy ban Dân tộc thực hiện, sau khi vận hành thử và tổ chức tập huấn cho các đơn vị sử dụng, đến ngày 06/12/2019, hai bên đã tiến hành nghiệm thu bàn giao và đưa vào vận hành, sử dụng phần mềm nội bộ Hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Bình Định. Hiệu quả của Hệ thống Thông tin dữ liệu về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Bình Định đã được phát huy, phục vụ việc thu thập thông tin, số liệu phản ảnh thực trạng kinh tế, văn hóa - xã hội của từng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh; hình thành cơ sở dữ liệu về DTTS và chính sách dân tộc, phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo tồn và phát huy văn hóa, giữ vững an ninh chính trị vùng đồng bào DTTS trên địa bàn.

Đồng thời, Hệ thống thông tin dữ liệu mang lại lợi ích trực tiếp cho cán bộ, công chức, viên chức tham gia công tác quản lý thông tin dân tộc như: Cập nhập thông tin dữ liệu, các văn bản pháp luật và chính sách dân tộc mới nhất của Đảng và Nhà nước; cho phép quản lý thông tin về kinh tế - xã hội của đồng bào DTTS một cách khoa học, theo đúng quy định của Nhà nước; tổng hợp các báo cáo, thống kê về tình hình công tác dân tộc theo định kỳ hoặc đột xuất một cách nhanh chóng, chính xác nhất; hỗ trợ cán bộ chuyên môn thực hiện các nghiệp vụ về công tác dân tộc nhanh hơn, chính xác hơn và kịp thời hơn.

Khánh Nghi

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra