Bài 2: Không hề có “trận đồ bát quái” !

Thứ năm, 11/10/2012 00:00
(ThanhtraVietnam) - Sau mấy năm, câu chuyện về “thánh vật” ở sông Tô Lịch đã lắng xuống. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tin vào câu chuyện này là có thật. Cũng sau mấy năm, những sự thật đằng sau câu chuyện này mới dần được hé lộ…

 

Tin liên quan:

Bài 1: Đền Quán Đôi: “Thiêng” nhờ… dự án cải tạo sông Tô Lịch

Cho đến nay, nhiều người vẫn cho rằng dưới lòng sông Tô Lịch trước đền Quán Đôi từng có “trận đồ bát quái” trấn yểm và câu chuyện “thánh vật” là có thực (!) dù nhiều chuyên gia, nhà văn hóa, nhà sử học đã lên tiếng giải thích về “hiện tượng” này.

 

Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Hồng Kiên (thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam), người trực tiếp tham gia việc khai quật và khảo sát vị trí đoạn sông Tô Lịch trước đền Quán Đôi (Nghĩa Đô, Cầu Giấy), cho biết: “Dưới lòng sông Tô Lịch khi đó không hề có “trận đồ bát quái” nào cả, tất cả chỉ là tin đồn. Tôi là người trực tiếp khai quật, nên biết rõ về vấn đề này”.

 

Đoạn sông Tô Lịch trước Đền Quán Đôi, nơi được xem là có “trận đồ bát quái” trấn yểm.


TS Nguyễn Hồng Kiên giải thích: Những xương cốt dưới lòng sông Tô Lịch mà đội thợ thi công cải tạo sông bắt gặp là có thật. Tuy nhiên, những xương cốt này không đồng nhất là của người, trong đó có lẫn xương các loại động vật khác như trâu, bò, lợn… Ngoài ra, những xương cốt này cũng không hề sắp xếp theo một trật tự nào cả, mà chỉ dồn lại thành một đám.

 

Căn cứ vào những tư liệu lịch sử có thể thấy, sông Tô Lịch xưa kia như một chiếc hào rộng chạy bao quanh thành Đông Quan. Đoạn sông chảy qua làng An Phú lại là khúc quanh như một cái vịnh nhỏ, mọi vật trôi nổi trên sông khi ấy đều dạt hết về đây vì quẩn nước, trong đó có lẫn cả xác người và xác động vật, lâu ngày tích tụ và lắng lại dưới lòng sông.

 

“Ngoài ra, đoạn sông Tô Lịch này lại đóng vai trò như hào nước bảo vệ thành Đông Quan. Trong suốt chiều dài hàng mấy trăm năm, biết bao nhiêu biến cố lịch sử thăng trầm, biết bao nhiêu cuộc xung đột, chiến tranh đã xảy ra, nơi đây có thể là những điểm giao tranh ác liệt. Bởi vậy việc tồn tại xương cốt của người xưa chìm ở dưới đoạn sông này cũng là điều dễ hiểu”, TS Kiên cho biết thêm.

 

Trước tin đồn “thánh vật” sông Tô Lịch có liên quan đến cố Giáo sư Trần Quốc Vượng như một tờ báo đã đăng vào năm 2007, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên khẳng định: “Khi chúng tôi khai quật sông Tô Lịch, Giáo sư Trần Quốc Vượng đã ra tận nơi để xem xét và hướng dẫn thêm cho chúng tôi. Việc thầy Vượng đem chiếc la bàn ra đo và kim la bàn lúc đầu quay sai là có thật. Tuy nhiên đó là do trục trặc kỹ thuật. Dụng cụ thầy đo không phải máy la bàn chuyên dụng mà là một chiếc đồng hồ có gắn la bàn và kim của nó thường xuyên bị kẹt. Khi tôi đem la bàn ra đo thì mọi thứ đều bình thường, không có hiện tượng gì đặc biệt cả”.

 

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, tin đồn cho rằng Giáo sư Trần Quốc Vượng khi đem một số mẫu cổ vật lấy từ sông Tô Lịch về nhà để nghiên cứu nhưng sau đó những mẫu cổ vật này “bất ngỡ bị vỡ nát” là không có thực, chỉ là “bịa đặt”.

 

“Nếu ai đó làm nghề khảo cổ thì sẽ hiểu rất rõ nguyên tắc này: Không bao giờ đem bất kỳ một mẫu vật nào về nhà cả. Đó là nguyên tắc tối kỵ trong nghề. Giáo sư Trần Quốc Vượng không hề đem mẫu vật nào về nhà để nghiên cứu riêng cả. Tất cả chỉ là tin đồn, hoặc do một ai đó cố tình bịa đặt ra nhắm mục đích gì đấy. Họ đã cố tình đưa thêm tình tiết có tên cố Giáo sư Trần Quốc Vượng vào nhằm làm tăng tính ly kì của câu chuyện mà thôi”, TS Nguyễn Hồng Kiên cho biết.

Hoàng Nguyễn

Host
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra