Bài 2: Sách giáo khoa chính thống bị xuyên tạc nội dung, xâm phạm bản quyền

Thứ bảy, 02/11/2024 10:11
(ThanhtraVietNam) - Ngoài các website, app điện thoại, các trang mạng xã hội cũng trở thành nền tảng phát hành học liệu, sách giáo khoa điện tử. Vấn đề đặt ra là nguồn gốc những học liệu này có hợp pháp không?

Bài 1: Loạn cung cấp học liệu giáo khoa phổ thông trên mạng

Đơn cử, facebook Hương Thảo có 19 nghìn lượt theo dõi dưới danh nghĩa trang cá nhân bán sách giáo khoa, nhưng thường xuyên đăng link trỏ đến kho dữ liệu chứa giáo án, đề thi, sách giáo khoa tiểu học. Đáng nói, chủ trang facebook Hương Thảo tập hợp các học liệu giảng dạy nhưng không công bố các học liệu này có bản quyền hợp pháp hay không.

Cách truyền đưa học liệu phổ thông lên mạng xã hội như trang facebook Hương Thảo khiến dư luận bùng phát tranh cãi về tính đúng đắn của nội dung sách giáo khoa. Đa phần người bình luận trái chiều nhưng không phân biệt được đâu là sách giáo khoa chuẩn mực, gây hiểu lầm cho các bộ sách được biên soạn chính thống bởi NXB Giáo dục.

Ví dụ, từ đầu năm học 2024 - 2025 đến nay, nhiều tài khoản mạng xã hội đã lan truyền hình ảnh chụp trang sách về một số nội dung được cho là ngữ liệu trong sách giáo khoa như “Giã gạo thổi cơm,” “Bạn An dũng cảm”, “Bắn tung tóe” “Bé xách đỡ mẹ”, “Vẽ gì khó”...Những nội dung này được lan truyền nhanh chóng, nhận được nhiều bình luận tiêu cực, khiến dư luận hiểu lầm về nội dung sách giáo khoa mới.

leftcenterrightdel
 Nội dung xuyên tạc sách giáo khoa bị phát tán trên mạng. Ảnh chụp từ internet

Các trang mạng xã hội từ bán sách giáo khoa, biến thành nơi đăng bán các bộ giáo án soạn sẵn. Gửi tin nhắn đặt mua combo giáo án, phản hồi rất cụ thể như sau: Giáo án cả năm của lớp 4 cho cả ba bộ sách Cánh diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức và cuộc sống đều có. 

Nếu mua trọn bộ thì giá là 150.000 đồng (bản tài liệu) hoặc 250.000 đồng (bản trình chiếu), còn nếu mua lẻ thì mỗi môn có giá 50.000 đồng. Ở những lớp khác giá có thể thấp hơn. Còn nếu muốn làm giáo án theo yêu cầu, chỉ cần bỏ ra 100.000 đồng cho 1 bộ giáo án tuần (7 môn), và được cam kết chỉnh sửa cho đến khi hài lòng. Thậm chí, các chủ thể mua bán giáo án lên mạng xã hội bóc phốt nhau chuyện mạo danh để mua bán các bộ giáo trình học liệu.

Chưa hết, chủ sở hữu các trang mạng xã hội dùng công nghệ AI để chuyển soạn các bộ sách giáo khoa thành video hoạt hình để bán, dưới danh nghĩa cung cấp học liệu bổ trợ, bản chất là vi phạm bản quyền sách giáo khoa.

Xu hướng chuyển soạn các bài giảng SGK thành video được “nâng cấp” thành công nghệ có thu phí trên app điện thoại. Trên các hệ điều hành điện thoại phổ biến như iOS và Android, các ứng dụng Onluyen.vn hay Vuihoc tung các gói cung cấp học liệu tính phí qua thẻ tín dụng.

Công bố của chủ ứng dụng Onluyen.vn, app có hơn 1.500 trường phổ thông sử dụng, hợp tác với hơn 50.000 giáo viên, chứa trên 300.000 câu hỏi, trên 10.000 video, trên 200 đầu sách tham khảo, trên 1 triệu lượt tải ứng dụng và số thành viên tham gia học tập trên nền tảng này là trên 2 triệu học sinh.

Bộ GD&ĐT đã thông tin khuyến cáo về vấn đề này, đồng thời có công văn đề nghị Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ TTTT) hỗ trợ xác minh, kiểm tra nguồn gốc các thông tin trên và có giải pháp ngăn chặn việc lan truyền thông tin sai sự thật; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân đăng tải, bình luận xuyên tạc, khiến dư luận hoang mang, ảnh hưởng tới uy tín của ngành giáo dục.

Theo Bộ GD&ĐT, hiện chỉ có 3 bộ sách giáo khoa chính thống được Bộ phê duyệt sử dụng trong các nhà trường gồm Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và Cánh diều. Khi mới ra đời, một số sách giáo khoa được giáo viên, phụ huynh phát hiện có “sạn" một số ngữ liệu chưa phù hợp, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các nhà xuất bản chỉnh sửa, đến nay đã hoàn thiện 100%.

Về vấn đề bản quyền sách giáo khoa, luật sư Trần Anh Tú (Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết sách giáo khoa thuộc loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ, các hình thức sao chép SGK trái phép đều bị cấm. Do đó, chỉ cần mang SGK đi ra tiệm photocopy để nhân bản đã là vi phạm bản quyền.

Đánh giá về vấn đề này, Bà Nguyễn Thị Hà - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho biết : “Sách lậu, sách giả trước hết gây ảnh hưởng tiêu cực đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản: Tác giả, chủ sở hữu không thu được tiền bản quyền và dễ dẫn tới việc cạnh tranh thiếu lành mạnh trên thị trường. Vấn nạn này khiến chất xám, công sức của tác giả không được ghi nhận và tôn trọng, từ đó ảnh hưởng tới sự sáng tạo và uy tín của tác giả cũng như các NXB. Các ấn phẩm kém chất lượng, thậm chí có lỗi trong nội dung và hình thức ảnh hưởng tới việc tiếp nhận thông tin và tri thức của độc giả cũng như định hướng văn hóa đọc, giá trị thẩm mỹ trong văn hóa đọc”.

Theo bà Hà, để đẩy lùi vấn nạn này cần sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các đơn vị xuất bản với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Quan trọng hơn cả là việc tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về các hệ lụy của sách giả, sách lậu; nâng cao nhận thực cho người dân về nhận biết sách thật - sách giả; nâng cao ý thức của độc giả về việc lựa chọn sử dụng sách thật là tôn trọng pháp luật và là việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của chính mình.

Căn cứ quy định tại điều 17, 18, 19 Nghị định 195/2013 hướng dẫn Luật Xuất bản, nhiều website, app phát hành sách giáo khoa điện tử đã có hành vi vi phạm như: không dùng tên miền .vn đối với địa chỉ đăng tải sách điện tử (vi phạm khoản 4, điều 17); không có máy chủ đặt tại Việt Nam (vi phạm khoản 1, điều 17); không có đề án xuất bản và phát hành điện tử gửi Bộ Thông tin và truyền thông (vi phạm khoản 1, điều 18)...


B.S & Ngọc Thanh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra