Úc
Tại nước có nền giáo dục phát triển như Úc, chính sách bảo vệ bản quyền và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sách giáo khoa đặt ra nghiêm ngặt. Chính sách này (Intellectual Property and Copyright) đặt ra 7 nguyên tắc cơ bản hướng dẫn việc quản lý quyền sở hữu trí tuệ của từng nhà trường, đặt trong chính sách sở hữu trí tuệ tổng thể của mỗi tiểu bang.
Trong trường phổ thông, giáo viên và học sinh được quyền truy cập những sách giáo khoa do nhà trường cung cấp bằng tài khoản đăng nhập trực tuyến. Với sách giáo khoa nói chung, bản quyền được bảo vệ kéo dài trong một khoảng thời gian cụ thể, thường là 70 năm. Bên thứ ba muốn phát hành lại ấn phẩm dưới dạng trực tuyến hoặc trích dẫn sách, phải được cấp phép và phải trả tiền.
Các sáng tạo của giáo viên trong quá trình làm việc tại trường được tính là tài sản của nhà trường, người sử dụng lao động. Sáng tạo của học sinh, nhà trường muốn dùng phải được cha mẹ và học sinh đó đồng ý. Hợp đồng mua bản quyền giáo trình, học liệu được liệt kê trong các hợp đồng mua sắm của nhà trường như một dạng tài sản trí tuệ.
|
|
Thế giới đã áp dụng phiều biện pháp để bảo vệ bản quyền sách giáo khoa. Ảnh minh họa: ST |
Nhật Bản
Việc sử dụng mạng internet để dạy học, cũng như sự gia tăng của các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục từ xa là tất yếu của thời đại. Trong những trường hợp như vậy, các trường học, công ty và nhà cung cấp dịch vụ ở Nhật Bản phải chịu trách nhiệm pháp lý nào về bản quyền học liệu, sách giáo khoa?
Theo ông Toki Kawase, luật sư chuyên về bản quyền kỹ thuật số thuộc văn phòng Luật Monolith Law Office (Nhật Bản), riêng vấn đề bản quyền sách giáo khoa, điều 35 trong Luật bản quyền Nhật Bản quy định: “Không được phép sao chép hoặc truyền tải công khai các tác phẩm có bản quyền gồm sách giáo khoa, sách hướng dẫn giảng dạy, sách tham khảo, bộ sưu tập tài liệu, bản nhạc làm tài liệu giảng dạy, vở bài tập, đề kiểm tra (bao gồm cả bộ sưu tập đề thi) để thay thế cho việc mua các học liệu này”.
Ngoài ra, các nhà cung cấp e-learning (dịch vụ giáo dục qua internet) không những phải có bản quyền học liệu mà họ cung cấp, mà còn phải chịu trách nhiệm về việc nắm giữ thông tin cá nhân người học. Làm rò rỉ thông tin này, chủ thể cung cấp e-learning phải chịu trách nhiệm theo điều 415 và điều 709 của Bộ luật Dân sự Nhật Bản.
Do đó, khi triển khai e-learning, cần phải lưu ý không chỉ đến trách nhiệm liên quan đến bản quyền mà còn đến trách nhiệm liên quan đến việc nắm giữ thông tin cá nhân.
EU
Quy định về bản quyền sách giáo khoa, học liệu của EU có chút khác biệt so với Nhật Bản, Úc và một số nước phát triển khác. Điểm khác biệt cơ bản là sự sao chép cá nhân có tính riêng tư không bị xem là vi phạm bản quyền. Theo quy định này, một giáo viên có thể sao chép toàn bộ tác phẩm (ví dụ: scan một cuốn sách) để chuẩn bị bài học.
Việc sao chép cá nhân đòi hỏi phải tuân thủ các điều kiện sau: Bản sao phải do một cá nhân thực hiện. Các pháp nhân không thể tự sao chép. Vì vậy, chọ phải tự tay sao chép (ví dụ: bằng máy photocopy hoặc máy quét cá nhân). Các bản sao được thực hiện tại cửa hàng photocopy hoặc văn phòng công ty là bất hợp pháp.
Mục đích thương mại không được phép. Do đó, giáo viên hoặc giáo sư không thể sao chép sách và bán cho học sinh.
Do đó, luật EU cấm chia sẻ bản sao đến số lượng người không xác định, chẳng hạn như nhóm học sinh trong lớp hay nhóm phụ huynh. Nghị viện EU nhấn mạnh việc sao chép cá nhân là ngoại lệ duy nhất của bảo vệ bản quyền, nhưng chỉ là quyền sao chép dùng riêng tư, không phải để truyền đạt tới công chúng.
Tài liệu tham khảo
https://link.springer.com/article/10.1007/s12689-022-00096-8
https://monolith.law/en/general-corporate/e-learning-teaching-materials
https://www2.education.vic.gov.au/pal/intellectual-property-and-copyright/policy