Chiều 29/11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí về sự cần thiết sửa đổi ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp để khắc phục bất cập của luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng, bảo đảm nguyên tắc nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn nhưng không can thiệp hành chính và hoạt động kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp.
Cần mở rộng phạm vi quản lý đối với doanh nghiệp có dưới 50% vốn nhà nước
Nêu ý kiến thảo luận, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) đồng tình với việc cần thiết phải sửa căn bản luật này để tạo ra một cơ chế quản lý mới, phân định rõ quyền, trách nhiệm giữa quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu với quản trị của doanh nghiệp để tạo một cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời tạo một cơ chế phù hợp để quản lý có hiệu quả vốn của nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp theo nguyên tắc ở đâu có tiền nhà nước đầu tư thì ở đó phải có cơ chế quản lý và theo dõi đồng tiền đó.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng chỉ đối với doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, điều này chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu tiền nhà nước đầu tư đến đâu phải quản lý đến đó.
Do vậy, đại biểu đề nghị cần phải mở rộng đối tượng, đưa các yêu cầu có tính nguyên tắc vào quản lý, giám sát đối với cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư dưới 50% và cả những doanh nghiệp F2, F3 là những doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước đầu tư vốn.
Đại biểu cũng đánh giá cao nguyên tắc quy định tại Điều 5 là vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp là vốn pháp nhân của doanh nghiệp. Với nguyên tắc này, việc quản lý, sử dụng vốn tại doanh nghiệp thì kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là quyền của doanh nghiệp chứ không phải quản lý như vốn của ngân sách.
Do vậy, phải bỏ các quy định đang áp dụng như áp dụng của Luật Đầu tư công trong thẩm quyền quyết định đầu tư tại các điều từ Điều 25 đến Điều 32 về việc phân định thẩm quyền đầu tư vốn của doanh nghiệp và trả lại quyền này là quyền tự quyết định của doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng dự thảo luật áp dụng cho đối tượng là nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, không quy định các loại hình doanh nghiệp có sở hữu dưới 50% vốn điều lệ.
"Vấn đề này đặt ra là nếu không quy định như vậy thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm quản lý, thi hành và theo dõi, phần vốn của Nhà nước trong các doanh nghiệp này sẽ được quản lý, sử dụng như thế nào, phần lợi nhuận thu được từ đầu tư, sử dụng vốn sẽ ra sao và chế tài xử lý vi phạm thế nào...", đại biểu đặt vấn đề.
Do vậy, đại biểu đề nghị cần phải mở rộng phạm vi quản lý đối với doanh nghiệp có dưới 50% vốn Nhà nước và quy định về nguyên tắc quản lý dòng tiền của nhà nước đi tới đâu, Nhà nước theo dõi và quản lý tới đó, chỉ quản lý dựa theo nguyên tắc là tỷ lệ vốn chủ sở hữu cổ phần. Có như vậy, mới đảm bảo được nguyên tắc quản trị tài chính.
Làm rõ, giải trình các ý kiến mà đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã tin tưởng bầu, phê chuẩn ông giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính và cam kết sẽ nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, đáp ứng được niềm tin và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước.
Bộ trưởng nhấn mạnh việc ban hành luật nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Nhà nước thực sự đóng vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp.
Việc này cũng theo thông lệ quốc tế, ngoài ra cũng chấm dứt việc can thiệp vào doanh nghiệp bằng mệnh lệnh hành chính hay lồng ghép quản lý nhà nước vào hoạt động đầu tư, kinh doanh, bảo toàn vốn của doanh nghiệp.
"Như các đại biểu đã nói, đó là vấn đề tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đầu tư vốn và hoạt động quản trị, điều hành của các doanh nghiệp để chúng ta bảo đảm các doanh nghiệp phải hoạt động theo đúng nguyên tắc thị trường. Tôi cho rằng đây là những nội dung căn bản, xuyên suốt và đổi mới toàn diện về phương thức xây dựng luật lần này", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về đối tượng áp dụng, hiện nay, trong dự thảo luật đang quy định áp dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ không bao gồm bảo hiểm tiền gửi và ngân hàng chính sách. Một số đại biểu đã phát biểu đề nghị bổ sung các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước từ 50% vốn điều lệ trở xuống và việc đầu tư vốn tại các doanh nghiệp khác có vốn đầu tư F2, F3 để quy định nguyên tắc quản lý với biện pháp, mức độ phù hợp.
Bộ trưởng cho biết, cơ quan sẽ tiếp thu để nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét để quyết định bổ sung vào đối tượng áp dụng và quy định nguyên tắc, nội dung quản lý cho phù hợp với phần vốn góp cũng như tính chất, quy mô vốn của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, một trong những điểm cần được nghiên cứu kỹ lưỡng là quy định về chiến lược và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay dự thảo luật quy định một số trường hợp người đại diện vốn phải trình cơ quan đại diện vốn về chiến lược kinh doanh.
Theo Bộ trưởng, nội dung này cơ quan chủ trì sẽ tiếp thu, nghiên cứu xem liệu có cần thiết hay không. Nếu cần thiết thì phải quy định rất gọn, rất cụ thể những nội dung cần trình là gì, để tránh việc tạo ra những rào cản không cần thiết.
Lương thưởng thấp sẽ không thu hút được người tài
Đối với việc phân phối lợi nhuận sau thuế cũng là điểm được quan tâm của dự thảo luật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, về nguyên tắc theo quy định pháp luật thì đây là sở hữu của các chủ sở hữu vốn, là phần để chia cổ tức, không phải là của doanh nghiệp. Do đó, khi quy định để lại tối đa 50 %, có nghĩa là nhà nước ấn định tỷ lệ này khi nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng, không nên để tỷ lệ này cao quá vì sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của các cổ đông khác. Trong khi đề cao vai trò bình đẳng trong doanh nghiệp không nên ấn định tỷ lệ lợi nhuận để lại ở mức cao.
Một trong những vấn đề nổi bật được Bộ trưởng đề cập là cơ chế đãi ngộ đối với người đại diện vốn tại doanh nghiệp nhà nước, bởi người đại diện vốn có vai trò rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả hoạt động kinh doanh, việc bảo toàn, phát triển vốn tại doanh nghiệp,
Nêu ví dụ mức lương và thưởng của người đại diện vốn tại các doanh nghiệp nhà nước thường thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp tư nhân, Bộ trưởng cho rằng từ trước đến nay, khó khăn nhất chính là vấn đề liên quan đến chế độ lương, thưởng của đại diện vốn tại các doanh nghiệp nhà nước. Điều này khiến cho những người tài giỏi không mặn mà với việc làm đại diện vốn tại các doanh nghiệp nhà nước.
"Chúng ta đưa ra cơ chế đánh giá rất khắt khe, người ta vất vả nhưng tiền lương, tiền thưởng lại theo barem, theo thang bậc thì không bao giờ có được người tài và có người tài người ta cũng không bao giờ làm hết trách nhiệm của mình", Bộ trưởng phân tích.
Do đó, Bộ trưởng đồng tình với ý kiến của các đại biểu về việc phải có cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và người đại diện vốn. Các chỉ tiêu đánh giá cần phải rõ ràng, minh bạch và có sự gắn kết giữa hiệu quả công việc với chế độ đãi ngộ, lương thưởng. Nếu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, người đại diện vốn cần được khen thưởng xứng đáng. Ngược lại, nếu doanh nghiệp không đạt được các mục tiêu đề ra, cần có cơ chế cảnh báo và xử lý kịp thời.