Thiệt hại quá lớn về người và tài sản
Khoảng 23h ngày 12/9, chung cư mini 9 tầng tại số nhà 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội bốc cháy dữ dội. Nhận được tin báo, lực lượng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đã có mặt tại hiện trường, phối hợp cùng các lực lượng khác của thành phố, chính quyền và người dân địa phương tổ chức chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Tuy nhiên, do chung cư bị cháy nằm sâu trong ngách, xe chữa cháy không thể tiếp cận, cảnh sát phải nối vòi rồng dài hàng trăm mét vào phun nước dập lửa. Khoảng 54 phút sau khi tiếp cận hiện trường, lực lượng chức năng cơ bản dập tắt đám cháy, không để cháy lan ra nhà dân xung quanh.
Tuy nhiên, khi đám cháy xảy ra, nhiều người dân hoảng loạn kêu cứu, tìm lối thoát. Có người leo lên tầng thượng, phá cửa ban công trèo ra ngoài, hoặc nhảy từ tầng cao xuống, có người vẫn còn mắc kẹt lại bên trong tòa nhà. Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến tối ngày 13/9 đã có 56 người tử vong và 37 người bị thương. Đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng với thiệt hại quá lớn về người và tài sản.
Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với chủ chung cư là Nghiêm Minh Quang (sinh năm 1979, hiện trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy).
Chỉ 1 ngày sau khi xảy ra vụ cháy thương tâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 796/CĐ-TTg ngày 13/9/2023 về vụ cháy nhà dân tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội gửi Bộ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo tổ chức thăm hỏi chu đáo, kịp thời động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy; thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy cao trên địa bàn, nhất là các chung cư mi ni, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.
|
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thị sát hiện trường vụ cháy. Ảnh: VGP News |
Lỗ hỗng trong quản lý chung cư mini
Hiện nay có thể thấy, các công trình xây dựng chung cư mini đang ngày càng nở rộ ở khu vực đô thị. Bởi lẽ đây là loại hình nhà ở đáp ứng được nhu cầu và kinh tế của phần lớn người dân lao động. Tuy nhiên, những “lỗ hổng” trong quản lý chung cư mini hiện nay, nhất là việc buông lỏng quản lý trong cấp phép xây dựng và giám sát công tác đảm bảo phòng cháy chữa cháy đối với các công trình xây dựng chung cư mini cũng như việc xử lý chưa nghiêm đối với các vi phạm trật tự xây dựng khi chủ đầu tư cố tình “hô biến” công trình nhà ở riêng lẻ thành các chung cư mini để bán, cho thuê đã gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là nguy cơ xảy ra cháy nổ đã được nhiều chuyên gia cảnh báo.
Liên quan đến nguy cơ cháy nổ tại các chung cư mini, trên báo Tuổi trẻ, Bộ Xây dựng cho biết từ tháng 6/2020, Bộ này đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương yêu cầu tăng cường thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng, kiểm soát trật tự xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở.
Thời gian qua, Bộ Xây dựng cũng đã có nhiều văn bản đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng trên địa bàn, đặc biệt đối với việc xây dựng nhà ở riêng lẻ thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở.
Cũng theo Bộ Xây dựng, đang có tình trạng các hộ gia đình, cá nhân lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, tự ý xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, nhiều căn hộ ở mà không tuân thủ các quy định của pháp luật. Các sai phạm tập trung chủ yếu là tình trạng xây dựng không phép, xây dựng sai phép, xây dựng sai quy hoạch, lấn chiếm không gian, chia nhỏ căn hộ, tự ý nâng tầng... rồi tự do mua bán, chuyển nhượng.
Trở lại vụ việc nói trên, được biết, căn chung cư mini xây dựng từ năm 2015, diện tích khoảng 200m2, cao 9 tầng, 1 tum, với 45 phòng, khoảng 150 người sinh sống nhưng chỉ có một lối ra ở cửa chính, không có lối thoát hiểm. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều công trình xây dựng chung cư mini hiện nay. Mặc dù theo Thông tư số 03/2021/TT-BXD, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư, các vấn đề kỹ thuật, diện tích căn hộ, phòng cháy chữa cháy… đều đã được quy định chặt chẽ. Song, hầu hết chủ đầu tư đều tận dụng tối đa quỹ đất, nên những quy định đối với cơ sở vật chất phòng cháy chữa cháy đều chỉ mang tính hình thức, đối phó. Rất nhiều công trình chung cư mini không được trang bị hệ thống báo cháy, hệ thống cấp nước chữa cháy, không có lối thoát hiểm, gây khó khăn cho công tác chữa cháy khi xảy ra hỏa hoạn, dẫn đến những thiệt hại lớn về người và tài sản.
Bên cạnh đó, cũng theo Thông tư số 03/2021/TT-BXD, trong các dự án thương mại được phép xây dựng những căn hộ nhỏ với diện tích sử dụng tối thiểu của căn hộ chung cư là 25m2. Tuy nhiên, việc này khiến cho dân số trong khu dân cư tăng lên đáng kể. Từ đó kéo theo những vấn đề về quản lý khu dân cư, quản lý đô thị cũng như áp lực hạ tầng giao thông, kỹ thuật, tiện ích cho dự án, công tác phòng cháy chữa cháy, mà đôi khi vì lợi ích, nhiều chủ đầu tư cố tình “lờ” đi.
Trong giấy phép xây dựng chung cư mini vừa xảy ra vụ cháy, chủ đầu tư xin cấp phép xây 6 tầng dưới dạng nhà ở riêng lẻ. Tuy nhiên trên thực tế, căn nhà được xây 9 tầng, 1 tum và phân thành các căn hộ bán và cho thuê. Nhiều người cũng đang đặt câu hỏi, một công trình xây dựng sai phép lại ngang nhiên tồn tại đến 8 năm (2015 - 2023). Vậy trách nhiệm của các cơ quan quản lý trên địa bàn quận Thanh Xuân ở đâu? Câu hỏi này sẽ được làm rõ trong kết quả điều tra của lực lượng công an, ai sai phạm, sai phạm ở đâu chắc chắn sẽ phải chịu hình phạt thích đáng của pháp luật. Xong trước mắt, vụ việc đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều gia đình đang sống trong các căn chung mini cần cẩn trọng hơn và phải tự trang bị cho mình những kỹ năng thoát hiểm khi hỏa hoạn xảy ra, nhưng đồng thời cũng cho thấy các cơ quan có thẩm quyền cần sớm tìm giải pháp bịt những lỗ hổng trong công tác quản lý các chung cư mini hiện nay, để ngăn ngừa những vụ việc đau lòng có thể xảy ra./.
Theo Luật sư Lê Hồng Hiển, Hãng Luật Lê Hồng Hiển, trong vụ án này các nạn nhân xấu số được xác định là bị hại và có các quyền quy định tại Khoản 2 Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự. Một trong các quyền của bị hại hoặc người đại diện của họ đó là quyền đề nghị mức hình phạt đối với người phạm tội, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường; tranh luận tại phiên toà; tự bảo vệ hoặc nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình. Theo đó, quyền bồi thường có thể liệt kê sơ lược như sau:
Đối với nạn nhân tử vong: Các khoản chi phí cấp cứu, mai táng, cấp dưỡng cho người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng (nếu có), tiền bù đắp tổn thất về tinh thần…
Đối với nạn nhân bị thương, tổn hại sức khỏe: Các khoản chi phí cấp cứu, bồi dưỡng, hồi phục sức khỏe…, thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút, chi phí và thu nhập thực tế đối với người chăm sóc, khoản tiền bù đắp tổn thất tinh thần…
Đối với thiệt hại tài sản: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc hư hỏng, lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất hoặc giảm sút, chi phí để ngăn chặn, hạn chế hoặc khắc phục thiệt hại…
Ngoài ra đối với trường hợp các nạn nhân tử vong có bảo hiểm xã hội, sẽ được trợ cấp tiền mai táng (nếu đủ điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014); tiền tuất hằng tháng hoặc tiền trợ cấp tuất một lần nếu đáp ứng một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67, khoản 1 Điều 69 Luật BHXH; tiền trợ cấp thôi việc trong trường hợp người lao động đã làm việc từ 12 tháng trở lên…
|