Cần xử lý nghiêm hành vi khiếu nại, tố cáo sai sự thật

Thứ hai, 17/01/2022 15:21
(ThanhtraVietNam) - Thời gian qua, tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) của người dân vẫn diễn biến phức tạp, cao điểm tập trung vào những thời điểm diễn ra các sự kiện trọng đại của đất nước như: Đại hội Đảng các cấp; bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp; lấy ý kiến Nhân dân vào các dự thảo luật quan trọng…

Nội dung đơn thư KNTC của người dân gửi đến cơ quan chức năng rất đa dạng. Không ít nội dung đơn thư khó xử lý như đơn vừa có nội dung khiếu nại, vừa có nội dung tố cáo, có khi kèm cả nội dung kiến nghị. Nội dung KNTC đúng thì ít nhưng sai sự thật thì rất nhiều. Người KNTC mặc dù không có chứng cứ chứng minh cho nội dung KNTC nhưng vẫn vô tư xuyên tạc, vu khống, nói xấu cán bộ, công chức, các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương nhưng rất ít khi xử lý; xuất phát một phần từ lý do này mà số lượng đơn thư KNTC ngày càng gia tăng, phức tạp.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trên thực tế, các cơ quan có thẩm quyền khi giải quyết KNTC của người dân thường không chú trọng đến việc xử lý người cố ý KNTC sai sự thật. Thông thường, các quyết định, kết luận giải quyết nội dung KNTC đều bác đơn KNTC sai sự thật nhưng lại không xử lý đối với hành vi cố ý KNTC sai sự thật nên không có sức răn đe, giáo dục đối với những người có hành vi cố ý KNTC sai sự thật.

Hiện nay, pháp luật quy định rất rõ hành vi và chế tài xử lý đối với người có hành KNTC sai sự thật như: Khoản 5 Điều 6 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định nghiêm cấm hành vi “cố tình khiếu nại sai sự thật”; khoản 10 Điều 8 Luật Tố cáo năm 2018 quy định nghiêm cấm hành vi “cố ý tố cáo sai sự thật”. Nếu người dân KNTC sai sự thật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Mặc dù, pháp luật quy định rõ các hình thức xử lý vi phạm, tuy nhiên, những hành vi cố ý KNTC sai sự thật chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục người vi phạm.

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa nhận thức rõ các quy định của pháp luật nói chung và pháp luật KNTC nói riêng; luôn có tư tưởng cho rằng, càng cố ý KNTC sai sự thật sẽ nhận được nhiều sự quan tâm, xem xét giải quyết của cơ quan, người có thẩm quyền. Do đó, nhiều vụ việc, người KNTC sai sự thật cố tình gửi đơn thư đến cơ quan báo chí hoặc đăng tải trên các trang mạng xã hội để tìm kiếm sự đồng thuận, ủng hộ, nhờ dư luận tác động đến cơ quan có thẩm quyền trong việc xem xét, giải quyết KNTC. Mục đích của việc KNTC sai sự thật là nhằm bôi nhọ danh dự, uy tín của cán bộ, công chức và các cơ quan nhà nước để đạt được mục đích không tốt của cá nhân; không loại trừ, những người cố ý KNTC sai sự thật đã bị các thế lực thù địch, phản động, thiếu thiện chí lợi dụng gây mất đoàn kết nội bộ và vận động, lôi kéo tập trung đông người, gây mất an ninh trật tự;…

Để hạn chế người dân cố ý KNTC sai sự thật, các cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương xây dựng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này và triển khai thực hiện nghiêm túc. Nếu hành vi cố ý KNTC sai sự thật, gây ra thiệt hại về danh dự, uy tín của người khác thì phải kiên quyết xử lý, nhất là xử lý hình sự và bắt buộc bồi thường thiệt hại để giáo dục, răn đe và ngăn ngừa hành vi phạm tội. Đồng thời, các cấp, các ngành cần tăng cường và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là pháp luật về KNTC để nâng cao nhận thức của người dân, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng việc KNTC sai sự thật để chống đối Nhà nước, gây mất an ninh, trật tự tại một số địa phương hiện nay./.

Đỗ Văn Nhân

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra