Cao điểm quyết toán, Tổng cục Thuế cảnh báo thủ đoạn lừa đảo

Thứ hai, 25/03/2024 15:01
(ThanhtraVietNam) - Nhân tháng cao điểm quyết toán thuế, Tổng cục Thuế tiếp tục cảnh báo các thủ đoạn đối tượng lừa đảo thường áp dụng, trong đó có thủ đoạn giả mạo tin nhắn của cơ quan Thuế.

24 hình thức lừa đảo trực tuyến

Cục An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã từng đề nghị cảnh giác một số hình thức lừa đảo diễn ra trên không gian mạng Việt Nam như sau:

(1) Lừa đảo "combo du lịch giá rẻ";

(2) Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice;

(3) Lừa đảo "khóa SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao;

(4) Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công;

(5) Giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu;

(6) Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí;

(7) Thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng;

(8) Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen…;

(9) Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (bảo hiểm xã hội, ngân hàng…);

(10) Lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo;

(11) Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp;

(12) Lừa đảo tuyển cộng tác viên online;

(13) Đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo;

(14) Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo;

(15) Rao bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử;

(16) Đánh cắp thông tin Căn cước công dân đi vay nợ tín dụng;

(17) Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng;

(18) Lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa;

(19) Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP;

(20) Lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI;

(21) Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook;

(22) Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng,...;

(23) Rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook;

(24) Lừa đảo cho số đánh đề.

Các hình thức lừa đảo trên không gian mạng được kẻ lừa đảo thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau và ngày càng tinh vi, trong đó nhắm vào nhiều nhóm đối tượng, không chỉ người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, công nhân mà cả đối tượng nhân viên văn phòng…

Giả mạo thông tin “tích hợp căn cước công dân và mã số thuế”

Thời gian qua, ngành Thuế đã đưa ra những cảnh báo về tình trạng giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để thực hiện hành vi lừa đảo người nộp thuế, nhưng vẫn có người dân mắc bẫy các đối tượng này, nhất là trong tháng cao điểm quyết toán thuế.

Theo Tổng cục Thuế, thủ đoạn chính của các đối tượng là giả mạo cán bộ thuế để gọi điện thoại, nhắn tin, kết bạn Zalo, cung cấp đường link và hướng dẫn người nộp thuế quyết toán thuế, hướng dẫn cài đặt các phần mềm giả mạo ứng dụng của cơ quan thuế, nhằm lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng với mục đích chiếm đoạt tài sản.

Việc mạo danh, giả danh nêu trên là những hành vi trái pháp luật, lợi dụng danh nghĩa cán bộ, công chức thuế, cơ quan thuế các cấp và các cơ quan chức năng để trục lợi cá nhân, lừa đảo người nộp thuế…, hành vi này đã và đang gây thiệt hại, làm cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh và tài sản của tổ chức, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, gây tổn hại đến uy tín, hình ảnh của cán bộ công chức của cơ quan thuế.

leftcenterrightdel
Trang thông tin điện tử chính thức của Tổng cục Thuế là: https://www.gdt.gov.vn 

Tháng 3 hàng năm là mùa cao điểm hoàn thành quyết toán thuế, đây là thời điểm cả người nộp thuế và cơ quan Thuế đều phải chuẩn bị thật tốt để hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước.

Tuy nhiên, cũng vào thời gian này, các hình thức lừa đảo lợi dụng quyết toán thuế lại nở rộ. Trong đó, có hiện tượng giả mạo là cơ quan chức năng gửi đường link dịch vụ công VneID giả mạo để người dân truy cập tích hợp với quảng cáo là “tích hợp căn cước công dân và mã số thuế” hoặc hướng dẫn cách điều chỉnh thông tin trên ứng dụng VneID, sau đó gửi đường link dịch vụ công sửa VneID giả mạo rồi từ đó chiếm quyền điều khiển điện thoại và lấy hết tiền trong tài khoản ngân hàng.

Tổng cục Thuế khẳng định, không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân ngoài ngành Thuế nào thu thuế hộ và khuyến cáo người nộp thuế khi nhận được các cuộc gọi như trên cần liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế qua kênh chính thức để được hỗ trợ tránh bị kẻ gian lợi dụng.

Đồng thời, khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung hướng dẫn trong tin nhắn và lưu lại các bằng chứng như tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi, phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý, đồng thời cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan chức năng của Bộ Công an và cơ quan thuế nơi gần nhất đề nghị xử lý hành vi sai phạm của các đối tượng theo quy định pháp luật.

Để xác minh danh tính, thông tin của đối tượng gọi đến có phải là công chức thuế hay không, người nộp thuế có thể xác minh bằng cách gọi lại vào số điện thoại chính thức công khai trên các Cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan thuế hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế qua các kênh chính thức để được hỗ trợ, tránh bị kẻ gian lợi dụng lừa đảo.


5 thủ đoạn đối tượng lừa đảo thường áp dụng:

1. Các đối tượng dùng số điện thoại và xưng là cán bộ của cục thuế, chi cục thuế yêu cầu cung cấp thông tin, gửi hình ảnh căn cước công dân để được hỗ trợ hướng dẫn làm thủ tục giảm thuế, hoàn thuế, quyết toán thuế và phục vụ công tác kiểm tra cũng như các cuộc gọi hướng dẫn cài đặt ứng dụng (App) để nhận thông tin từ cơ quan thuế.

2. Kẻ gian giả mạo trang web có giao diện gần giống trang web của cơ quan, doanh nghiệp từ hình ảnh đến nội dung để người dùng nhầm tưởng là trang web của đơn vị cung cấp.

3. Thủ đoạn giả mạo tin nhắn (SMS) brand name của Tổng cục Thuế để phát tán tin nhắn giả.

4. Giả mạo cơ quan thuế để gọi điện hăm dọa, sử dụng chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người nộp thuế.

5. Giả mạo cơ quan chức năng hỗ trợ dịch vụ công và yêu cầu cung cấp thông tin, gửi hình ảnh căn cước công dân, sau đó đối tượng gửi các đường link và hướng dẫn giả mạo để chiếm quyền điều khiển điện thoại và thực hiện hành vi lấy hết tiền trong tài khoản ngân hàng.

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra