Kiểm toán nhà nước:

Chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang Cơ quan Cảnh sát điều tra

Thứ hai, 03/06/2024 14:00
(ThanhtraVietNam) - Mới đây, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đã báo cáo đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Đáng chú ý, Kiểm toán nhà nước đã chuyển hồ sơ 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp để xem xét, xử lý.
leftcenterrightdel
 Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn. Ảnh: VPQH

Chuyển hồ sơ 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang Cơ quan Cảnh sát điều tra

Trong 5 năm (2019-2023), Kiểm toán nhà nước đã kiểm toán và phát hành 1.345 Báo cáo kiểm toán. Qua đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị 331.367 tỷ đồng (gồm tăng thu ngân sách nhà nước 30.539 tỷ đồng; giảm chi ngân sách nhà nước 96.183 tỷ đồng; kiến nghị khác 204.644 tỷ đồng).

Bên cạnh đó Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung 1.069 văn bản gồm 14 văn bản Luật, 01 nghị quyết của Quốc hội; 16 Quyết định; 42 Nghị định; 124 Thông tư và 872 văn bản khác.

Đáng chú ý, có 663 Báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. 

Đồng thời, Kiểm toán nhà nước cũng đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán sang Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp để xem xét xử lý.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Ảnh: VPQH 

Dự toán không sát

Đánh giá về công tác lập và giao dự toán, Kiểm toán nhà nước chỉ rõ, tại thời điểm xây dựng dự toán năm 2022, dịch Covid-19 bùng phát, nhiều tỉnh, thành phố bị phong tỏa, cách ly, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội, nhiều doanh nghiệp ngừng và tạm ngừng hoạt động.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ ước thực hiện thu nội địa, thu xuất nhập khẩu năm 2021 làm cơ sở xây dựng dự toán năm 2022 thận trọng, thực tế thực hiện lớn hơn so với ước thực hiện.

Cụ thể, ước thực hiện thu nội địa (không bao gồm dầu thô) năm 2021 là 1.133.200 tỷ đồng, thực tế thực hiện năm 2021 là 1.313.281 tỷ đồng, bằng 115,9% so với ước thực hiện năm 2021. Ước thực hiện thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2021 là 335.000 tỷ đồng, thực tế thực hiện năm 2021 là 377.105 tỷ đồng, bằng 112,6% so với ước thực hiện năm 2021 tại thời điểm lập dự toán, bằng 119,7% so với dự toán giao.

Qua kiểm toán cho thấy, tại một số địa phương, ước thực hiện năm 2021 làm cơ sở xây dựng dự toán thu năm 2022 thấp hơn 90% so với thực hiện năm 2021. Báo cáo của Kiểm toán nhà nước chỉ rõ: Một số địa phương lập dự toán chưa đầy đủ, chưa bao quát hết nguồn thu. Một số chỉ tiêu thu dự báo chưa sát nên lập dự toán chưa phù hợp với thực tế thực hiện; việc lập, giao dự toán nguồn thu xuất nhập khẩu tại một số Cục Hải quan chưa sát với khả năng thu.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp

Qua kiểm toán công tác chi đầu tư phát triển, Kiểm toán nhà nước chỉ ra 44 dự án nguồn ngân sách Trung ương được kéo dài thời gian giải ngân, thanh toán từ năm 2021 sang năm 2022 nhưng không giải ngân hết trong năm 2022 phải hủy bỏ với số tiền 348,7 tỷ đồng và tiếp tục được bố trí kế hoạch vốn năm 2022 nhưng vẫn không giải ngân được, phải kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 hoặc hủy bỏ với tổng số vốn là 2.029 tỷ đồng, bằng 80% kế hoạch vốn giao năm 2022.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương không giải ngân hết kế hoạch vốn được bổ sung trong năm, phải đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 của 79 dự án với tổng số đề xuất kéo dài 2.335,732 tỷ đồng, chưa đảm bảo thực hiện theo đúng nguyên tắc, tiêu chí điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2022.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, việc lập, giao kế hoạch đầu tư công năm 2022 tại một số Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương còn hạn chế, nhất là việc dự kiến kế hoạch vốn cho dự án chưa sát thực tế dẫn đến không giải ngân được hoặc tỷ lệ giải ngân rất thấp. Công tác lập, thẩm định, giao kế hoạch vốn chậm so với quy định; bố trí kế hoạch vốn chưa sát thực tế, phải hủy hoặc điều chỉnh kế hoạch vốn; chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên; chưa ưu tiên bố trí dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản; bố trí cho dự án khởi công mới khi chưa có chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư…

Nợ thuế tăng, tái diễn tình trạng tính thiếu thuế, phí

Đối với công tác chấp hành ngân sách, theo số liệu của Kiểm toán nhà nước, thu ngân sách nhà nước quyết toán 1.820.310 tỷ đồng, bằng 128,8% (tương ứng vượt 406.902 tỷ đồng) so với dự toán giao và tăng 14,3% so với thực hiện năm 2021. Trong đó, thu nội địa vượt 22,9% dự toán giao (một số khoản thu vượt dự toán cao, như: Thu từ doanh nghiệp nhà nước vượt 13,3%, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vượt 18,2%, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh vượt 21,7%, thu tiền sử dụng đất vượt 54,4% so với dự toán Trung ương giao).

Tuy nhiên, Kiểm toán nhà nước cũng phát hiện, tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu các loại thuế, phí, lệ phí, các khoản thu khác… đã được Kiểm toán nhà nước chỉ ra từ các năm trước vẫn diễn ra tại các đơn vị được kiểm toán. Kiểm toán nhà nước xác định số phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 3.841 tỷ đồng. Đồng thời, số nợ thuế do cơ quan thuế quản lý tiếp tục gia tăng. Tổng số nợ đến ngày 31/12/2022 là 158.914,7 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2021, số tuyệt đối tăng 41.952,9 tỷ đồng. Nợ thuế do cơ quan hải quan quản lý cũng tăng 3,8% (270,7 tỷ đồng) so với năm 2021.

Tóm lại, kết quả kiểm toán thời gian qua cho thấy những tồn tại trên đã xảy ra tại nhiều doanh nghiệp, thậm chí có doanh nghiệp đã được kiểm toán nhà nước chỉ ra và yêu cầu khắc phục nhưng vẫn lặp lại những khuyết điểm, sai phạm.

Theo quy định của pháp luật, Kiểm toán nhà nước có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán trong đó có các doanh nghiệp (quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước). 

Thông qua các kiến nghị kiểm toán, Kiểm toán nhà nước tư vấn hoàn thiện cơ chế chính sách; kiến nghị xử lý tài chính; kiến nghị chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các vi phạm, sai sót trong công tác quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước của các doanh nghiệp. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm, Kiểm toán nhà nước sẽ chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra./.

K. Dung

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra