Có thể nói, quyền lực nhà nước xuất phát từ quyền lực nhân dân trong xã hội, nên cần phát huy vai trò giám sát của người dân để bảo đảm quyền lực đó được sử dụng để phục vụ xã hội cũng như từng người dân, để phát hiện và loại trừ ra khỏi bộ máy những cá nhân lợi dụng quyền lực xã hội trao cho mình để mưu lợi cá nhân. Trong các tuyên ngôn về phòng, chống tham nhũng, các nước đều ghi nhận xã hội công dân là một trong những trụ cột chính để đấu tranh chống tham nhũng.
Ngày nay, đấu tranh chống tham nhũng đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu. Các quốc gia đều khẳng định quyết tâm chống tham nhũng nhưng đều hiểu rằng tham nhũng gắn liền với quyền lực nhà nước, còn nhà nước thì còn tham nhũng, nên các nước đã xác định đây là cuộc đấu tranh lâu dài, có ý nghĩa chiến lược và cần phải thắng lợi từng bước.
Các nước cũng đều nhận thức rằng, muốn đấu tranh chống tham nhũng có kết quả, thì trước tiên, các chính đảng và chính phủ phải có quyết tâm chính trị và đường lối chính trị đúng đắn, phù hợp; mặt khác kiên quyết chống tham nhũng nhưng phải giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội cần thiết cho sự phát triển xã hội.
Tuy có cách tiếp cận khác nhau về tham nhũng nhưng các nước trên thế giới đều lên án mạnh mẽ tệ tham nhũng, coi tham nhũng là kẻ thù của quá trình phát triển và đều đề ra các giải pháp phòng chống tham nhũng của nước mình. Giải pháp phòng chống tham tham nhũng của các nước không hoàn toàn giống nhau nhưng nhìn chung gồm ba nhóm chính là nhóm phòng ngừa, phát hiện và xử lý đối với hành vi tham nhũng. Một số nước có chiến lược chống tham nhũng, trong đó xác định rõ chủ trương, giải pháp, bước đi, lược lượng tiến hành. Có những nước còn đề ra chiến lược cho từng ngành, lĩnh vực. Nhiều nước tìm kiếm các giải pháp làm cho công chức “không cần tham nhũng, không thể tham nhũng và không dám tham nhũng” (như Trung Quốc, Singapor, Malaisia…).
Thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và công khai, minh bạch trong việc soạn thảo, ban hành các quyết định. Để thực hiện nguyên tắc này, nhiều nước (như Thụy Điển, Cộng hòa Liên Bang Đức, Đan Mạch, Thụy Sĩ…) quy định mọi người dân đều có quyền tiếp cận với những thông tin, tài liệu chính thức của các cơ quan nhà nước, có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp hoặc cho xem bất cứ tài liệu nào có trong hồ sơ lưu trữ của cơ quan đó, bất kể tài liệu đó có liên quan đến bản thân mình hay không; tất cả các tài liệu của Chính phủ và các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương (trừ tài liệu thuộc bí mật quốc gia) đều phải được đăng tải công khai trên báo chí và trên mạng internet (kể cả mức lương của Thủ tướng, của các Bộ trưởng).
Mọi công chức nhà nước đều có quyền và trách nhiệm cung cấp các thông tin về tổ chức và hoạt động của cơ quan mình cho phóng viên báo chí và không ai được phép điều tra, tìm hiểu để xác định nguồn của các thông tin đã được đăng trên báo chí. Hàn Quốc đã ban hành Luật về công khai thông tin cũng nhằm mục đích minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước cũng như của công chức. Hiện nay, Thụy Điển đã có Luật tự do báo chí.
Tăng cường tính minh bạch trong hệ thống tài chính công
Cần thực hiện minh bạch thông tin tài chính, đảm bảo rằng các thông tin này được lưu trữ và báo cáo một cách chính xác, kịp thời và luôn sẵn sàng để cung cấp cho các lãnh đạo và người ra quyết định. Các báo cáo tài chính định kỳ, hàng năm cần được xây dựng và cung cấp cho các bên liên quan chính xác, kịp thời. Hình thức báo cáo phải dễ hiểu, số liệu kế toán phải chính xác và hồ sơ về tất cả các giao dịch tài chính phải được lưu trữ cẩn thận.
Hiến pháp liên bang Brazil quy định báo cáo tóm tắt việc thực hiện hoạt động ngân sách phải được công khai trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn tài chính kéo dài 2 tháng. Văn phòng Tổng Kiểm soát Brazil đã thành lập Cổng Thông tin điện tử Minh bạch. Cổng Thông tin này có các thông tin về các nguồn lực tài chính do các cơ quan Liên bang sử dụng hay chuyển cho các cơ quan khác.
Tại Columbia, tất cả các cơ quan công đều phải báo cáo về thu chi đến Văn phòng Tổng Kiểm toán. Nội dung báo cáo được tập hợp vào cơ sở dữ liệu chung về việc thực hiện Kế hoạch Phát triển Quốc gia. Hàng quý và hàng năm, Afghanistan đăng tải thông tin về thu chi lên trang web của Bộ Tài chính.
Hiến pháp Bulgari quy định Quốc hội có quyền thông qua ngân sách và báo cáo về việc thực hiện ngân sách nhà nước. Hàng năm, Hội đồng Bộ trưởng (CoM) xây dựng dự thảo Luật ngân sách trình Quốc hội phê chuẩn 2 tháng trước khi năm tài chính bắt đầu. Mỗi năm Hội đồng Bộ trưởng tiến hành thủ tục thông qua ngân sách bằng các cơ chế khác nhau để tăng cường minh bạch và sự tham gia của xã hội dân sự. CoM tổ chức điều trần với sự tham gia của các cơ quan Nhà nước, công đoàn và các đại diện doanh nghiệp để thảo luận về nội dung ngân sách năm sau đó. Các báo cáo hàng tháng, hàng năm về thực hiện các quy định về ngân sách và báo cáo thực hiện toàn bộ chương trình tài chính đến ngày 30/6 hàng năm được đăng tải công khai trên trang web của Bộ tài chính. Bulagari áp dụng hình thức Tài khoản kho bạc duy nhất, thông qua đó các nguồn tài chính của Chính quyền trung ương được thu và chi. Các khoản thanh toán được thực hiện thông qua hệ thống thanh toán ngân sách điện tử với hạn mức thanh toán được xác định với sự kiểm soát các dòng tài chính./.
L.A