Ai phải chịu trách nhiệm?
Ngày 22/8/2023, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra về việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại một số tỉnh khu vực phía Nam cung cấp cho Dự án giao thông quan trọng quốc gia.
Trong nội dung kết luận, Thanh tra Chính phủ nêu rõ việc cấp phép khai thác cát, UBND tỉnh Đồng Tháp đã gia hạn khai thác cát đối với 12 giấy phép hết hạn sau ngày 1/7/2011 là không đúng quy định tại khoản 1 điều 84 Luật Khoáng sản năm 2010; cấp mới 7 giấy phép khai thác cát thuộc khu vực khoanh định không đấu giá nhưng chỉ xác định ưu tiên cung ứng cát cho các công trình trên địa bàn, nhất là các công trình sử dụng vốn đầu tư công theo đề nghị của cơ quan chức năng, dẫn đến đơn vị khai thác cát trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã cung cấp ra thị trường là chưa đúng quy định tại khoản 5 điều 12 Nghị định số 15/2012/NĐ-CP và điểm đ khoản 1 điều 22 Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Nguyên nhân chủ yếu của vi phạm là do việc áp dụng quy định pháp luật của UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp chưa chính xác, trong đó có nguyên nhân khách quan do Luật Khoáng sản năm 2010 có quy định về việc các giấy phép đã cấp trước ngày 1/7/2011 được hoạt động khai thác đến hết thời hạn ghi trong giấy phép nhưng không có hướng dẫn thi hành cụ thể. Trong khi, Luật khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành có nội dung quy định về việc gia hạn giấy phép.
Việc cấp và gia hạn giấy phép khai thác cát không đúng đã dẫn đến một khối lượng lớn cát được khai thác và cung ứng ra thị trường. Mặc dù khối lượng cát được khai thác cũng là nhằm mục tiêu phục vụ cho nhu cầu bức thiết của xã hội, sau khi được cấp phép khai thác, các nhà đầu tư đã nộp tiền cấp quyền khai thác, thực hiện khai thác cát và kê khai nộp các loại thuế theo quy định. UBND tỉnh Đồng Tháp cũng có chỉ đạo rà soát, cho phép các giấy phép đang hoạt động được khai thác đến ngày 30/6/2023, sau đó tổ chức đấu giá. Tuy nhiên, vi phạm cần được xem xét, làm rõ để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định.
Thanh tra Chính phủ cũng xác định, trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, Giám đốc Sở TN&MT và các tổ chức cá nhân có liên quan (do Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm xác định).
Từ những vi phạm nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, qua đó xem xét, xử lý phù hợp theo quy định đối với các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm trong việc gia hạn giấy phép không đúng quy định và việc cấp phép khai thác cát tại các khu vực đã khoanh định thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác nhưng không xác định cung cấp riêng cho các công trình. Quá trình kiểm điểm, xử lý, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra xem xét theo thẩm quyền.
Được biết, từ hơn chục năm nay, tỉnh Đồng Tháp chỉ lựa chọn Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp để cấp phép khai thác toàn bộ các mỏ cát diện khoanh định trên địa bàn. Cụ thể là 12 mỏ được gia hạn và 7 mỏ được cấp mới mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra ở trên. Trong đó, diện tích 12 mỏ được cấp phép gia hạn là 753,0472 ha, trữ lượng 25,1 triệu m³ cát; diện tích 7 mỏ được cấp giấy phép mới là 273,28 ha, trữ lượng 14,021 triệu m³ cát.
|
|
Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp. Ảnh: ITN |
Từng bị xử phạt và truy thu thuế hơn 3 tỷ đồng
Sau kết luận nêu trên, ngày 26/4/2024, ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký ban hành văn bản số 129/UBND-ĐTQH về việc chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về khai thác và bảo vệ khoáng sản trên địa bàn tỉnh gửi các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị được cấp phép khai thác.
Nội dung văn bản nêu rõ, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế, công tác phối hợp giữa các ngành và địa phương chưa được thường xuyên, công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác ở một số địa phương chưa thật chặt chẽ, việc khai thác khoáng sản trái phép, không phép, tập kết, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp vẫn còn xảy ra chưa được ngăn chặn triệt để.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị được cấp phép khai thác cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản hiện hành và pháp luật có liên quan trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và an ninh trật tự tại địa phương.
Theo tìm hiểu của ThanhtraVietNam, Công ty Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp được thành lập theo Quyết định số 131/QĐ-TL ngày 09/12/1992 của UBND tỉnh Đồng Tháp. Năm 2007, công ty chuyển đổi mô hình hoạt động sang mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Năm 2010, đổi thành Công ty TNHH MTV Xây lắp và Vật liệu Xây dựng Đồng Tháp.
Ngày 25/9/2015, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Quyết định số 997/QĐ-UBND-HC về việc chuyển Công ty TNHH MTV Xây lắp và Vật liệu Xây dựng Đồng Tháp thành công ty cổ phần. Ngày 11/11/2016, Công ty chính thức chuyển đổi và hoạt động dưới hình thức Công ty cổ phần với tên gọi như hiện nay và vốn điều lệ là 386 tỷ đồng, mã cổ phiếu là BDT.
Hiện công ty vẫn còn 51% vốn Nhà nước, do UBND tỉnh Đồng Tháp làm đại diện. Lãnh đạo công ty là ông Võ Đinh Quốc Huy - Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Nguyễn Hoàng Anh - Tổng Giám đốc, các phó Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Trung Ẩn và bà Trần Thị Thúy Hằng. Công ty có trụ sở tại số 03, đường Tôn Đức Thắng, phường 1, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Trước đó, ngày 23/10/2023, Công ty Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp bị Cục thuế tỉnh Đồng Tháp xử phạt và truy thu thuế hơn 3 tỷ đồng. Nguyên nhân xử phạt do công ty kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân không đúng quy định.
Về các cá nhân, tập thể liên quan đến những sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra đã bị xử lý ra sao. Tình hình hoạt động của Công ty Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp như thế nào, ThanhtraVietNam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong những bài viết tiếp theo.