Tại buổi làm việc có ông Nguyễn Hữu Long, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Ninh, bà Trần Thị Hương, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Ninh; đại diện Thanh tra Chính phủ có ông Trần Văn Mây, Vụ trưởng Vụ HTQT; đại diện Đoàn lãnh đạo Bộ Thanh tra Campuchia, bà Hem Marina, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thanh tra, Bộ Thanh tra Campuchia và các thành viên trong đoàn thăm và làm việc với tỉnh Quảng Ninh.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh cùng toàn thể cán bộ, nhân dân tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Hữu Long, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Ninh nhiệt liệt chào đón bà Hem Marina, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thanh tra, Bộ Thanh tra Campuchia và các thành viên trong đoàn thăm và làm việc với tỉnh Quảng Ninh; đồng thời, gửi lời chúc bà Hem Marina và các thành viên sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
|
|
Ông Nguyễn Hữu Long, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Ninh nhiệt liệt chào đón bà Hem Marina, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thanh tra, Bộ Thanh tra Campuchia và các thành viên trong đoàn thăm và làm việc với tỉnh Quảng Ninh |
Bày tỏ vui mừng và vinh dự khi được Thanh tra Chính phủ giới thiệu Đoàn lãnh đạo Bộ Thanh tra Campuchia đến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Ninh, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh đã trao đổi một số thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh và một số kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN) của tỉnh.
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh luôn được Trung ương xác định có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại (là địa phương duy nhất trong cả nước có đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc). Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2011 - 2015 là 9,2%, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,7%, đều cao hơn so với bình quân chung cả nước.
Về hệ thống các cơ quan Thanh tra của tỉnh Quảng Ninh bao gồm Thanh tra tỉnh, cơ quan thanh tra của 13 địa phương cấp huyện và thanh tra của 18 đơn vị sở, ban, ngành với số lượng biên chế cán bộ, công chức là 218 người (cấp tỉnh 45 người, cấp huyện 58 người, cấp sở 115 người), không bao gồm cơ quan thanh tra thuộc ngành dọc đóng trên địa bàn.
Công tác thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đã phát huy được hiệu lực, hiệu quả, góp phần bảo vệ và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị; giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong các cấp ủy Đảng; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Chia sẻ kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành về công tác thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN, ông Nguyễn Hữu Long, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong việc xây dựng Kế hoạch thanh tra, từ năm 2017 đến nay, Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng, ban hành chương trình đồng bộ kiểm tra, giám sát, thanh tra tích hợp đồng bộ các cuộc kiểm tra, giám sát của cấp ủy và các cuộc thanh tra của khối chính quyền.
Qua việc triển khai thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát thanh tra đồng bộ, thống nhất do cấp ủy ban hành, đã đảm bảo nội dung, kế hoạch kiểm tra, giám sát, thanh tra được toàn diện, hạn chế tối đa sự trùng lặp về đối tượng, nội dung trên cùng một đơn vị, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra nói chung.
|
|
Bà Hem Marina, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thanh tra, Bộ Thanh tra Campuchia gửi lời cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo Thanh tra tỉnh Quảng Ninh vì sự đón tiếp chu đáo, nhiệt tình, nồng hậu. |
Quá trình tiến hành một cuộc thanh tra được tuân thủ chặt chẽ, đúng quy định về nguyên tắc, thời gian, trình tự, thủ tục tiến hành theo quy định của pháp luật. Thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đoàn thanh tra.
Trong thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị sau thanh tra, căn cứ quy định pháp luật về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo việc tổ chức thực hiện kết luận thanh tra nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả kết luận thanh tra. Thông qua việc theo dõi, đôn đốc thực hiện đã kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, tăng cường tính hiệu lực của kết luận thanh tra,…
Về công tác giải quyết KNTC, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng trong toàn tỉnh phổ biến, quán triệt, triển khai đầy đủ các quy định của Trung ương Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết KNTC; kịp thời đối thoại với công dân khi cần thiết và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, KNTC, nhất là những trường hợp khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài, không để phát sinh thành “điểm nóng”, “điểm nổi cộm” gây phức tạp về an ninh, trật tự; ban hành quy định, nội quy, quy chế tiếp công dân ở cấp mình.
UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC nhằm góp phần bảo đảm ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định thành lập Hội đồng tiếp công dân của tỉnh và Hội đồng Tư vấn giải quyết KNTC, kiến nghị tỉnh Quảng Ninh, thành lập và duy trì hoạt động của tổ giúp việc cho Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh tham gia tố tụng các vụ án hành chính tại toà án nhân dân các cấp. Đây là những mô hình mới nhằm phát huy tối đa hiệu quả trong hoạt động tiếp công dân, giải quyết KNTC và tham gia tố tụng các vụ án hành chính của tỉnh.
Chất lượng của việc giải quyết KNTC ở tỉnh Quảng Ninh ngày càng được nâng cao. Từ khâu tiếp nhận, phân loại đơn thư đã được thực hiện rất bài bản, đúng quy định. Tiếp đến việc thực hiện quy định về trình tự, thủ tục giải quyết KNTC; các căn cứ pháp luật áp dụng để giải quyết; tổ chức đối thoại; công khai các quyết định giải quyết KN, kết luận nội dung TC và quyết định xử lý hành vi vi phạm bị TC; thẩm quyền, hình thức giải quyết KNTC… được chấp hành nghiêm túc, đầy đủ.
Trong quá trình giải quyết KNTC, người có thẩm quyền đã tăng cường đối thoại, gặp gỡ, tìm hiểu sự việc; đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị.Tỉnh Quảng Ninh đã tích cực chỉ đạo các địa phương, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện các kết luận, quyết định giải quyết KNTC đã có hiệu lực, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung kết luận, quyết định giải quyết KNTC ở các địa phương, các cấp, các ngành trên địa bàn toàn tỉnh.
Ngoài ra, trong những năm qua, công tác đấu tranh PCTN, lãng phí luôn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cấp uỷ Đảng, chính quyền và người đứng đầu các đơn vị, là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa lâu dài.
Tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy Đảng, của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về công tác PCTN, lãng phí; loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, lãng phí; ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức cán bộ, hành chính, kinh tế, hình sự trong đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Hoàn thiện quy chế, quy định gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, tăng cường công khai, minh bạch, dân chủ, trách nhiệm giải trình. Tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền, giảm cơ chế “xin - cho”, duyệt cấp; tăng tính công khai, minh bạch trong phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn lực; đẩy mạnh cải cách hành chính; chú trọng thanh tra, kiểm toán, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm.
Phát huy vai trò của nhân dân, báo chí, các đoàn thể trong PCTN, lãng phí, tiêu cực. Coi trọng việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị về sai phạm, tham nhũng; công khai thông tin chỉ đạo, xử lý, qua đó cảnh báo, răn đe. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử; kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng, chủ động phòng ngừa chung, coi trọng thu hồi thiệt hại vật chất.
Tỉnh đã quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn công tác PCTN trong các lĩnh vực cổ phần hóa, thoái vốn, quản lý tài sản công, đất đai, tài nguyên - khoáng sản. Thực hiện công khai số điện thoại đường dây nóng của các cơ quan hành chính Nhà nước để tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân, doanh nghiệp về hoạt động của cơ quan Nhà nước.
Thay mặt Đoàn cán bộ Thanh tra Campuchia, bà Hem Marina, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thanh tra, Bộ Thanh tra Campuchia gửi lời cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo Thanh tra tỉnh Quảng Ninh vì sự đón tiếp chu đáo, nhiệt tình, nồng hậu.
Bà cho biết, Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi, có mối quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống, lâu đời. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp này đã được các thế hệ lãnh đạo và Nhân dân hai nước dày công vun đắp, là tài sản vô giá của hai dân tộc mà các thế hệ mai sau cần giữ gìn, vun đắp. Từ năm 2003, mối quan hệ giữa Thanh tra Chính phủ Việt Nam và Bộ Thanh tra Campuchia luôn được quan tâm gây dựng và liên tục được củng cố. Hai cơ quan đã có 4 lần ký kết Bản ghi nhớ hợp tác vào các năm 2005, 2012, 2016 và 2023. Trong 20 năm qua, hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn đại biểu để chia sẻ, học tập nhiều kinh nghiệm hay, thực tiễn tốt trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở mỗi nước.
Đồng thời, khẳng định những chia sẻ của Thanh tra Quảng Ninh là hữu ích đối với đoàn, để từ đó có thể vận dụng vào công tác thanh tra, giải quyết KNTC, PCTN của Campuchia, góp phần củng cố, nâng cao quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai cơ quan nói riêng và hai đất nước nói chung.