Dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến phố: Sai phạm hàng loạt

Thứ ba, 20/02/2018 10:42
(ThanhtraVietNam) - Sai phạm có thể kể tới trong “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội”; về hướng dẫn chung đối với quy trình thi công, nghiệm thu các kết cấu hè lát đá và việc bảo trì sau khi lát đá; trong việc thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố liên quan đến lát đá vỉa hè bằng đá tự nhiên; sai phạm khi triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cải tạo các tuyến phố có lát hè, bỏ vỉa bằng đá tự nhiên; trong việc xác định giá đá lát hè; trong việc đấu thầu, thi công các dự án…

Thực hiện Chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố tại các văn bản: số 11309/VP-ĐT ngày 28/11/2017, số 343/BC-UBND ngày 30/11/2017 và số 1388/TB-UBND ngày 04/12/2017, Thanh tra Thành phố đã thành lập Đoàn Thanh tra các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến phố trên địa bàn một số quận thành phố Hà Nội. Ngày 13/02/2018, Thanh tra Thành phố đã có thông báo số 675/TBKL-TTTP về kết luận thanh tra các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến phố trên địa bàn một số quận thành phố Hà Nội.

Loại đá dùng trong bê tông lót nền hè không thống nhất

Trên cơ sở Tờ trình số 5326/TTr-SXD ngày 25/7/2014 của Sở Xây dựng, gửi UBND Thành phố về việc ban hành “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội", UBND Thành phố đã ra Quyết định số 4340/QĐ-UBND ngày 20/8/2014 về “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Tuy nhiên, Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, còn tồn tại, như: Trong thiết kế mẫu, loại đá dùng trong bê tông lót nền hè nêu không thống nhất, cụ thể: tại phần thuyết minh cấu tạo hè nêu là đá 1x2, nhưng trong phần Bản vẽ mẫu (ký hiệu VH01) thể hiện bê tông lót nền hè đá 2x4; mạch vữa liên kết giữa các viên đá lát trong phần Bản vẽ mẫu không ghi kích thước.

Từ hướng dẫn không đồng nhất và rõ ràng trong “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội” nêu trên dẫn đến thực tế có 25/38 dự án cải tạo, chỉnh trang hè phố dùng đá 1x2, có 13/38 dự án dùng đá 2x4 đổ bê tông lót nền hè; tại một số dự án, đá lát hè được lát sít nhau và do đá lát có chiều dày >3cm, có thể dẫn tới hồ xi măng khó đổ đầy mạch, làm giảm liên kết giữa các viên đá lát, ảnh hưởng chất lượng hè lát đá.

Bên cạnh đó, qua kiểm tra thực tế các dự án cho thấy còn thiếu hướng dẫn chung về quy trình thi công, nghiệm thu các kết cấu hè có lát đá và việc bảo trì mặt hè sau khi lát đá (nhất là đối với hè cải tạo, chỉnh trang), các đơn vị thi công khác nhau do đó có thể dẫn đến chất lượng công trình không được đảm bảo. Trách nhiệm tồn tại trên trực tiếp thuộc Phòng Quản lý xây dựng, thuộc Sở Xây dựng.

Theo thông báo Kết luận Thanh tra, một số UBND quận chưa thực hiện đầy đủ chỉ đạo của UBND Thành phố tại văn bản số 6224/UBND-ĐT ngày 28/10/2016, cụ thể: chưa tổ chức rà soát và kiểm tra hiện trạng hè, chưa xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện việc sửa chữa cải tạo áp dụng vật liệu lát hè, bó vỉa bằng vật liệu đá tự nhiên có độ bền đảm bảo 50-70 năm, chưa đồng bộ cải tạo hè với cải tạo, chỉnh trang mặt tiền đô thị để đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và mỹ quan khu vực, ví dụ như: quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân.

Tại quận Hà Đông, dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp vỉa hè quốc lộ 6A (đoạn Phùng Khoang- Ba La) không có trong danh mục Kế hoạch đầu tư trung hạn của quận giai đoạn 2013- 2015, là không thực hiện đúng văn bản số 1698/UBND-CT ngày 15/3/2012 của UBND Thành phố về xây dựng kế hoạch đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước 03 năm 2013-2015. Ngoài ra, UBND Thành phố có văn bản chấp thuận dùng nguồn vốn đấu giá QSDĐ do Thành phố để lại để đầu tư lát đá hè chỉ cho 2 tuyến đường Quốc lộ 6A (đoạn Phùng Khoang- Ba La) và đường Bà Triệu, nhưng UBND quận Hà Đông lại cải tạo lát đá cho cả các tuyến phố nhánh khớp nối, tiếp giáp quốc lộ 6A, cụ thể: tuyến phố Chu Văn An (đoạn từ quốc lộ 6A đến Cầu Am), tuyến phố Ngô Thì Nhậm (đoạn từ quốc lộ 6A đến Cầu Chùa Ngòi), tuyến đường K3 và N3 chạy xung quanh UBND quận; đường Phùng Hưng (đoạn từ quốc lộ 6A đến Cầu Đen), đường Nguyễn Khuyến (đoạn từ quốc lộ 6A đến giao đường 19-5) mà không báo cáo xin ý kiến của UBND Thành phố là không đúng.

Một số quận chấp thuận đầu tư dự án lát đá hè ở những tuyến phố không phải phố cổ hoặc trung tâm quận, hè phố chưa ổn định, như: tại quận Long Biên 02 dự án: Xây dựng tuyến đường 25m từ đê sông Đuống đến tuyến đường quy hoạch mặt cắt ngang 40m (tiếp giáp với Trường Alexndre Yersin) tại phường Ngọc Thụy và Xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến đường gom cầu Thanh Trì, phường Thạch Bàn, Cự Khối; tại quận Hà Đông cho lát đá đường nội bộ tại 04 khu Hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất thuộc phường Kiến Hưng, Phú Lương trong khi các hộ dân trúng đấu giá đất chưa tiến hành xây dựng nhà (sau này các hộ dân xây dựng nhà có thể ảnh hưởng đến kết cấu của hè). Đến nay, UBND quận Hà Đông đã có văn bản chỉ đạo Ban QLDA Đầu tư xây dựng quận chuyển sang lát hè đường nội bộ khu đấu giá bằng gạch Block tại 03 khu Hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất thuộc phường Phú Lương.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa - Internet 

Một số dự án chưa làm đồng bộ hạ ngầm các công trình hạ tầng kỹ thuật khi cải tạo lát đá hè

Tại quận Ba Đình, có 03 dự án Cải tạo hè phố Nguyễn Trường Tộ, phố Nguyễn Khắc Nhu-Hàng Bún, phố Đội Cấn, triển khai lát hè khi mới hạ ngầm ống kỹ thuật, chưa hạ ngầm đường dây điện, dây thông tin, chưa di chuyển cột điện, trạm biến áp. Việc làm trên của UBND quận Ba Đình là không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND Thành phố về thi công lát đá hè chỉ sau khi đã chỉnh trang hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh và hạ ngầm các đường dây: điện, thông tin, internet được nêu tại Quyết định số 17/2015/QĐ-UBND ngày 21/7/2015 và văn bản số 2340/UBND- XDGT ngày 22/4/2016 của UBND Thành phố.

Tại quận Hà Đông, khi thực hiện dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp vỉa hè Quốc lộ 6A (đoạn Phùng Khoang- Ba La) có 02 tuyến là phố Ngô Thì Nhậm và đường N3, K3 chạy xung quanh UBND quận chưa được hạ ngầm đường dây điện, dây thông tin. Theo giải trình của UBND quận Hà Đông, dự án trên được phê duyệt vào năm 2014 (trước thời điểm UBND Thành phố ban hành văn bản số 2340/UBND- XDGT ngày 22/4/2016) nhưng trong quá trình thực hiện dự án (giai đoạn 2016 - 2017), UBND quận Hà Đông không bổ sung hạng mục hạ ngầm đường dây điện, dây thông tin là thiếu thận trọng.

Đối với việc khảo sát hiện trạng hè trước khi cải tạo của đơn vị tư vấn còn chưa chi tiết, chưa khảo sát đến từng ga hàm ếch thu nước, các bồn cây (trên thực tế có nhiều loại cống có kích thước ga hàm ếch khác nhau, các cây có đường kính gốc khác nhau); thiết kế cải tạo hè và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật bản vẽ còn chưa đầy đủ, thể hiện chưa chi tiết, ga hàm ếch, bó bồn cây lấy theo thiết kế điển hình, như: 19 dự án tại 04 quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ. Thiết kế kết cấu hè chưa đúng, thiếu các chỉ tiêu về nhóm đá, chỉ tiêu của đá lát hè theo hướng dẫn sử dụng và phần bản vẽ mẫu ban hành kèm theo Quyết định số 4340/QĐ-UBND ngày 20/8/2014 của UBND Thành phố: 34 dự án tại 08 quận Hà Đông, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Ba Đình; tại dự án cải tạo, nâng cấp đường Bà Triệu, quận Hà Đông, thiết kế thiếu lớp giấy dầu.

Giá đá áp dụng trong dự toán các dự án chưa thống nhất

Đối với kích thước đá lát hè tại các quận, thiết kế dự án dùng loại đá kích thước 40x40x4cm và 30x30x4cm là chủ yếu. Qua thực tế kiểm tra các dự án cho thấy hè lát đá kích thước 30x30x4cm ít vỡ hơn so với hè lát đá kích thước 40x40x4cm và qua tham khảo các đơn vị cung cấp đá, các đơn vị chuyên môn cho thấy đá lát hè kích thước nhỏ sẽ khó bị vỡ hơn khi chịu tác động của ngoại lực. Hiện nay không có quy định cụ thể về kích thước đá lát của cơ quan chuyên ngành Thành phố.

Việc lập dự toán các dự án còn tính sai số học, sai khối lượng, áp sai định mức, đơn giá xây dựng so với quy định: 28 dự án của 11 quận. Giá đá áp dụng trong dự toán các dự án chưa thống nhất, có nơi tính cao, có nơi tính thấp (giá đá kích thước 40x40x4cm dự án tại quận Nam Từ Liêm từ 270.000-300.000đồng/m2; các dự án ở quận Hà Đông giá đá lát hè kích thước 40x40x4cm là 410.000 đồng/m2; đặc biệt tại các dự án ở quận Hoàn Kiếm, giá đá lát kích thước 40x40x5cm đơn giá 550.000 đồng/m2).

Về đơn giá nhân công, đơn giá máy của đơn giá lát đá trong dự toán các dự án tại các quận cũng khác nhau, cụ thể: tại quận Hoàn Kiếm áp dụng mã hiệu AK.56110: đơn giá nhân công: 116.952 đồng/m2, đơn giá ca máy: 34.929 đồng/m2; tại quận Long Biên áp dụng mã hiệu AK.51240: đơn giá nhân công: 19.974 đồng/m2, đơn giá ca máy: 4.448 đồng/m2; quận Thanh Xuân áp dụng mã hiệu AK.56110: đơn giá nhân công: 81.873 đồng/m2, đơn giá ca máy: 22.239 đồng/m2; quận Hai Bà Trưng vận dụng mã hiệu AK.56110: đơn giá nhân công: 80.023 đồng/m2, đơn giá ca máy: 31.032 đồng/m2; quận Ba Đình áp dụng mã hiệu AK.55110: đơn giá nhân công: 20.952 đồng/m2, đơn giá ca máy: 0 đồng/m2

Từ việc áp dụng giá đá, đơn giá nhân công, đơn giá máy lát đá hè không đồng nhất nêu trên đã dẫn đến việc hiểu không đúng của các doanh nghiệp, người dân và dư luận.

Trong hồ sơ mời thầu của chủ đầu tư, hồ sơ dự thầu của đơn vị trúng thầu thiếu thông tin về chỉ tiêu nhóm đá, chỉ tiêu đá lát hè, nguồn gốc đá, cụ thể: tại 35 dự án tại 08 quận: Hà Đông, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Ba Đình, là không thực hiện đúng Quyết định số 4340/QĐ- UBND ngày 20/8/2014 của UBND Thành phố, trong đó yêu cầu về quy cách vật liệu lát hè. Quá trình thi công tại một số dự án còn chưa cuốn chiếu, làm nhiều đoạn khác nhau; vật tư, vật liệu để chưa gọn gàng làm cho người dân đi lại khó khăn. Cụ thể: 02 dự án tại quận Hai Bà Trưng; 03 dự án tại quận Ba Đình; 01 dự án tại quận Hoàn Kiếm.

Về thời gian thi công, có 03 dự án tại quận Cầu Giấy chậm từ 07- 10 tháng so với tiến độ đề ra trong hợp đồng thi công do điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục, làm ảnh hưởng việc đi lại của người dân, gây dư luận xấu trong xã hội.

Việc thi công một số mặt cắt hè kích thước không đúng theo thiết kế, chưa phá dỡ các bục, bệ hộ dân lấn chiếm hè phố (trong khi hồ sơ thiết kế, dự toán đã tính khối lượng phá dỡ bục, bệ, khối lượng lát hè sau phá dỡ) như: quận Hoàn Kiếm có 03 dự án; quận Hai Bà Trưng có 01 dự án; quận Ba Đình 01 dự án; quận Đống Đa 01 dự án, dẫn đến các tuyến hè phố chưa được chỉnh trang theo thiết kế và khối lượng xây lắp nghiệm thu chưa phù hợp.

Tại một số dự án đã thi công xong hoặc đang thi công, kỹ thuật lát đá hè tại một số vị trí chưa đảm bảo mỹ quan (tại vị trí tiếp giáp cột điện chiếu sáng, vị trí bó cua hè, tại vị trí giáp tủ điện, bó vỉa bồn cây, xử lý lát hè tiếp giáp các nắp ga thoát nước, nắp ga bưu điện), cụ thể: dự án Chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật (HTKT) đồng bộ với hạ ngầm đường dây, cáp trên tuyến phố Quán Sứ, tuyến phố Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm; dự án cải tạo, nâng cấp vỉa hè Quốc lộ 6A (đoạn Phùng Khoang- Ba La), quận Hà Đông; dự án Cải tạo hè phố Quảng An, quận Tây Hồ; dự án Bảo trì, hoàn trả lại và chỉnh trang hè tuyến phố Bà Triệu (từ phố Nguyễn Du đến đường Đại Cồ Việt), quận Hai Bà Trưng; Dự án Cải tạo, chỉnh trang vỉa hè đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân; 03 dự án Cải tạo hè quận Ba Đình...

Việc trang vữa mạch khi lát giữa các viên đá không được đảm bảo, dẫn đến liên kết giữa các viên đá lát với nhau không tốt. Bên cạnh đó, việc bảo dưỡng, bảo quản hè sau khi lát đá chưa tốt, hè mới lát (lớp vữa lót, bê tông chưa đủ thời gian đông kết theo quy chuẩn), nhưng đã bị người dân đi lại, dẫn đến hiện tượng đá lát dễ bị bong tróc, cụ thể: quận Hoàng Mai 01 dự án; quận Thanh Xuân 01 dự án; quận Đống Đa 01 dự án; quận Hoàn Kiếm 02 dự án; quận Tây Hồ 01 dự án. Đến thời điểm ngày 29/12/2017, vị trí hè đá bị bong tróc của các dự án trên đã được Ban QLDA đầu tư xây dựng các quận phối hợp với các đơn vị thi công sửa chữa, lát lại. Những tồn tại trong việc kỹ thuật thi công, bảo dưởng hè phố sau khi lát như đã nêu ít nhiều đã ảnh hưởng đến chất lượng công trình, là một trong những nguyên nhân gây hiện tượng đá lát hè bị vỡ, bong tróc.

Qua đào, khoan khảo sát, kết quả kiểm định của Trung tâm Quản lý kỹ thuật và kiểm định xây dựng thuộc Viện Quy hoạch đô thị và Phát triển Nông thôn Quốc gia- Bộ Xây dựng cho thấy chiều dày, chất lượng các lớp kết cấu đá lát, vữa lót, bê tông nền tại một số dự án còn chưa đảm bảo.

Qua kiểm tra cho thấy, do công tác quản lý hè của chính quyền địa phương và chủ đầu tư không đảm bảo, nên tại vị trí tiếp giáp các hạng mục nhà ga thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh- Hà Đông và một số dự án đầu tư nhà ở chung cư giáp với các tuyến đường phố có lát đá hè, các chủ đầu tư dự án đã để vật liệu xây dựng, để xe tô tô có tải trọng lớn đi lên hè, tự ý đấu nối hạ tầng kỹ thuật trên vỉa hè gây sạt, lún, bong bật, vỡ đá lát…Việc để vật liệu xây dựng, để xe tô tô có tải trọng lớn đi lên hè...gây sạt, lún, bong bật, vỡ đá lát hè đã gây dư luận xấu trong nhân dân./.

Lan Anh

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra