Dự án Hồ An Dương: Sự "vô cảm" của cơ quan quản lý nhà nước hay sự "nhường nhịn trách nhiệm"?

Thứ ba, 14/01/2025 14:00
(ThanhtraVietNam) - Dự án Hồ An Dương, do ông Lê Quốc Khánh và Công ty IDC làm chủ đầu tư, bắt đầu từ những năm 1999 với mục tiêu biến diện tích hồ nước thải An Dương thành một khu phố hiện đại. Đây là giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, với chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm" trong phát triển đô thị.

Tâm huyết của một doanh nhân yêu nước và bốn lần “xuống tiền” vì một giấc mơ dang dở

Ông Lê Quốc Khánh, sinh năm 1952, là một doanh nhân với tiềm lực kinh tế mạnh mẽ từ những năm 1989. Khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới sau Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986), ông Khánh mang trong mình nhiệt huyết và lý tưởng đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Với ước vọng lớn lao, ông quyết định đầu tư xây dựng một khu phố hiện đại, văn minh, góp phần cải thiện đời sống nhân dân và làm đẹp bộ mặt đô thị, hưởng ứng tinh thần "Nhà nước và nhân dân cùng làm".

Tuy nhiên, những năm tháng ông Khánh dành tâm huyết và tài chính cho dự án Hồ An Dương không mang lại kết quả như mong đợi. Dự án gặp hàng loạt vướng mắc kéo dài suốt 35 năm qua, trở thành một hành trình đầy gian nan. Từ vị trí một doanh nhân thành đạt, ông Khánh phải đối mặt với nhiều thăng trầm, thậm chí thế chấp nhà cửa để duy trì hoạt động của công ty và bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông.

leftcenterrightdel
Ông Lê Quốc Khánh (ảnh đứng), Giám đốc Công ty TNHH IDC, Cát Linh, phường Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Ảnh: L.A  

Ông Khánh kể lại hành trình gian khó từ khi dự án bắt đầu. Năm 1990, ông cùng Công ty IDC của mình thực hiện san lấp diện tích hồ An Dương để triển khai khu nhà ở. Trong suốt hành trình đó, công ty đã nhiều lần huy động vốn từ các cổ đông, đáp ứng đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, song kết quả vẫn chỉ là một mớ hỗn độn chưa được giải quyết. Đau lòng hơn, nhiều cổ đông đã qua đời mà không được chứng kiến thành quả từ khoản đầu tư của họ.

Cụ thể, lần 1 (1990), Công ty IDC đầu tư gần 400 triệu đồng để san lấp một phần diện tích hồ An Dương, trả nợ chi phí tồn đọng cho địa phương và tổ chức thi công.

Lần 2, tiếp tục huy động vốn để hoàn thành san lấp và xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng UBND quận Ba Đình không thanh lý hợp đồng theo thỏa thuận.

Lần 3, IDC phải bỏ ra thêm gần 1,8 tỷ đồng để duy trì dự án.

Lần 4 (1999), Dự án nhận quyết định số 914/QĐ-TTg của Thủ tướng, nhưng việc chuyển giao quản lý từ UBND TP. Hà Nội lên các bộ ngành trung ương đã khiến dự án rơi vào tình trạng bế tắc.

Dự án bị đình trệ không chỉ khiến công ty gặp khủng hoảng kinh tế, mà còn đẩy ông Khánh vào cảnh khốn khó. Năm 2020, ông phải thế chấp căn nhà của mình để duy trì công ty. Đến nay, phần lớn diện tích đất vẫn chưa được giải phóng mặt bằng, các thủ tục pháp lý còn nhiều vướng mắc vì những rào cản pháp lý và trách nhiệm chồng chéo khiến quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp lẫn người dân liên quan vẫn chưa được giải quyết.

Quy định mới về Luật Đất đai, Luật Đê điều và chính sách giải phóng mặt bằng thay đổi liên tục; không có sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc hướng dẫn xử lý tài chính và triển khai dự án; diện tích 13.970 m² của dự án bị chia cắt, một phần không thể GPMB, một phần giao cho UBND quận Tây Hồ để quản lý.

Những mâu thuẫn trong việc xử lý dự án Hồ An Dương dường như là hệ quả của sự "nhường nhịn trách nhiệm" giữa các cấp quản lý. Sau hàng chục năm, các chỉ đạo cụ thể từ UBND TP. Hà Nội và các bộ ngành trung ương vẫn chưa được thực thi dứt điểm, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và cổ đông.

Trong khi đó, các văn bản yêu cầu bổ sung hồ sơ từ thời điểm 35 năm trước đã đặt ra những rào cản khó vượt qua cho chủ đầu tư. Điều này cho thấy sự thiếu linh hoạt trong việc xử lý các tồn đọng pháp lý phức tạp của dự án.

Dự án dở dang không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho Công ty IDC mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của các hộ dân trong khu vực. Nhiều gia đình sống trong cảnh nhà cửa xuống cấp, không thể cấp phép xây dựng hoặc cấp sổ đỏ.

Câu hỏi lớn nhất đặt ra: Ai sẽ chịu trách nhiệm giải quyết triệt để các tồn đọng này? Phải chăng cần một cơ chế đặc thù hoặc sự chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ để xử lý dứt điểm?

leftcenterrightdel
Toàn cảnh buổi tiếp công dân định kỳ tháng 11 của Tổng Thanh tra Chính phủ. Ảnh: L.A 

Những giọt nước mắt của một doanh nhân yêu nước

Gặp ông Khánh trong buổi tiếp công dân định kỳ tháng 11 của Tổng Thanh tra Chính phủ, người ta không khỏi xót xa trước dáng vẻ gầy gò, tiều tụy nhưng ánh mắt vẫn sáng đầy nghị lực của ông.

Ông Khánh chia sẻ: "Hơn 30 năm qua, tôi đã đi qua biết bao thăng trầm cuộc sống. Từng là một doanh nhân có khả năng mua cả khu phố Hà Nội những năm 1990, tôi lại mang theo một ước vọng lớn lao, xây dựng một dãy phố thương mại để làm đẹp thủ đô. Nhưng sau tất cả, tôi chỉ nhận lại những đau đớn và bất lực khi chứng kiến dự án bị mắc kẹt bởi các vướng mắc về thể chế, luật đất đai và chính sách giải phóng mặt bằng liên tục thay đổi. Có lúc tôi tự hỏi: liệu công sức và tiền bạc của tôi cùng các cổ đông có được ghi nhận?"

Sau hàng chục năm, hàng loạt chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Các bên liên quan, từ UBND TP. Hà Nội, các sở ngành, đến các bộ thuộc Chính phủ, đều có những văn bản chuyển tiếp nhưng thiếu sự phối hợp thực chất.

Hành trình đòi quyền lợi chính đáng của ông Khánh và Công ty IDC là câu chuyện không chỉ về một doanh nghiệp, mà còn về sự minh bạch, trách nhiệm và sự tận tâm của cơ quan công quyền trong việc tháo gỡ những bất cập tồn tại trong công tác quản lý nhà nước. Vấn đề không nằm ở những chỉ đạo trên văn bản, mà ở việc các cơ quan có sẵn sàng vào cuộc để xử lý một cách hiệu quả hay không.

Giải pháp và kiến nghị để vụ việc được giải quyết dứt điểm:

- Thành lập tổ công tác liên ngành để rà soát và xử lý tồn đọng của dự án.

- Áp dụng cơ chế đối trừ tài chính, các khoản chi phí đã đóng góp của Công ty IDC nên được xem xét đối trừ vào nghĩa vụ tài chính còn lại hoặc hoàn trả.

- Các cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc giải quyết các vướng mắc về giải phóng mặt bằng và thủ tục pháp lý.

Dự án Hồ An Dương là một ví dụ điển hình về sự bất cập trong quản lý nhà nước, từ sự thiếu đồng bộ trong chính sách đến trách nhiệm chưa rõ ràng của các cấp. Sau 35 năm, đã đến lúc cần những hành động quyết liệt và triệt để để giải quyết tồn đọng, mang lại công bằng cho doanh nghiệp và người dân./.

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra