Đừng tranh cãi nữa

Thứ sáu, 02/08/2024 07:00
(ThanhtraVietNam) - Di tích Lịch sử – Văn hóa Quốc gia Chùa Cầu của thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam vừa hoàn tất trùng tu, chuẩn bị khánh thành thì nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều, cũng có thể nói là cuộc tranh cãi không có điểm dừng trên truyền thông và không gian mạng.

“Quảng Nam hay cãi” nhưng cuộc tranh cãi này đã vượt quá giới hạn không gian địa lý Quảng Nam với hai luồng quan điểm đồng tình và không đồng tình về diện mạo mới của Chùa Cầu sau khi trùng tu. Người đồng tình thì khẳng định Chùa Cầu nhìn lâu rồi sẽ quen, cũ kỹ, rêu phong sẽ trở lại theo thời gian. Người không đồng tình cho rằng Chùa Cầu lạ mắt sau trùng tu, nêu quan điểm khoa học về trùng tu di sản, thậm chí còn có những ý kiến hướng dẫn chi tiết về cách phối màu tường vôi, mái ngói…Chùa Cầu nóng trên không gian mạng. Nóng đến mức việc một tốp thợ quét vôi phần dưới lan can cầu phía sông Hoài chiều 30/7 cũng có nhiều ý kiến cho rằng chính quyền địa phương đã “chiều lòng dư luận” trong khi đại diện Trung tâm quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An khẳng định chỉ là quét vôi nước thứ hai…Nhìn chung các ý kiến, phân tích, biện giải trên không gian mạng đều hợp tình, hợp lý xuất phát từ tình yêu di sản như lời tỏ bày của ông Nguyễn Sự, nguyên Chủ tịch UBND thị xã Hội An (từ năm 1994), nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hội An trực thuộc tỉnh Quảng Nam (từ năm 2008)  rằng mọi người quan tâm đến Hội An, yêu Di sản Chùa cầu thì họ mới có ý kiến và đây là điều đáng mừng.

Cần phải nhìn nhận rằng, kinh phí 20 tỷ đồng  không phải là khoản tiền lớn để trùng tu Di tích lịch sử - Văn hóa Chùa Cầu tồn tại hơn 400 năm ở một nơi rất nhạy cảm về thiên tai, thời tiết như Hội An. Chùa Cầu đã qua các lần trùng tu vào các năm 1817, 1865, 1915, 1986 và lần trùng tu này cũng là tình huống chẳng đặng đừng vì không trùng tu thì có thể Chùa Cầu khó tồn tại.

Vấn đề trùng tu Chùa Cầu được chính quyền thành phố Hội An đặt ra từ năm 2016 bằng cuộc hội thảo quy mô với sự hiện diện của nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về tu bổ di tích kiến trúc gỗ trong nước và chuyên gia Nhật Bản nhưng phải đến tháng 12/2022, lễ khởi công trùng tu Chùa Cầu mới chính thức diễn ra. Từng đó năm đủ để chính quyền tỉnh Quảng Nam, thành phố Hội An và cơ quan quản lý bảo tồn di sản cân nhắc kỹ lưỡng việc trùng tu một di tích được xem là báu vật Quốc gia trong lòng Di sản thế giới.

leftcenterrightdel
 Chùa Cầu trước thời điểm khới công trùng tu. Ảnh Dương Hoàng Nguyên.

Cuộc tranh cãi về diện mạo mới của Di tích lịch sử - Văn hóa Quốc gia Chùa Cầu đang diễn ra, phần nào giống truyện dân gian về ông chủ cửa hàng bán cá làm cái biển, đề mấy chữ “ở đây có bán cá tươi”. Biển treo lên, có người qua đường bảo, nhà này xưa nay quen bán cá ươn hay sao mà bây giờ lại phải đề biển là bán cá tươi?. Chủ cửa hàng xóa ngay chữ “tươi” đi. Người khác đến mua cá, nhìn cái biển, bảo, người ta chẳng nhẽ đến hàng hoa mua cá hay sao mà phải đề là “ở đây”?. Chủ cửa hàng liền bỏ hai chữ “ở đây” đi. Vài hôm lại có một người khác đến mua cá, nhìn lên biển, cười bảo, bày cá ra để khoe hay sao mà phải đề là “có bán”?. Chủ cửa hàng nghe nói, lại bỏ ngay hai chữ “có bán đi”. Trên biển chỉ còn mỗi một chữ “cá”. Anh ta nghĩ bụng chắc từ bây giờ không còn ai bắt bẻ gì nữa. Cách vài hôm, người láng giềng sang chơi, nhìn lên biển, thong thả nói, chưa đi đến đầu phố đã ngửi thấy mùi tanh, ai chẳng biết là bán cá mà còn phải đề biển làm gì?. Chủ cửa  hàng nghe thế cất luôn  cái biển đi.

Có một niềm tin chắc chắn rằng người Hội An, người Quảng Nam đã giữ được những ngôi nhà của quá khứ để có một đô thị cổ là Di sản thế giới thì họ cũng sẽ kiên định với những giải pháp được áp dụng trong suốt quá trình trùng tu báu vật Chùa Cầu. Người Hội An, người Quảng Nam không chiều lòng ai cả vì họ là những cháu con giữ lửa Di sản, Di tích của tiền nhân.

Dương Hoàng Nguyên

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra