Giải pháp ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng của Bộ Công an

Thứ bảy, 05/10/2024 07:00
(ThanhtraVietNam) - Phòng ngừa, xử lý tình trạng tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Bộ Công an đã thực hiện một số giải pháp, trong đó, thường xuyên phối hợp với báo chí tuyên truyền phương thức, thủ đoạn của loại hình tội phạm này; kiến nghị Chính phủ hoàn thiện các cơ sở pháp lý; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước ngăn chặn, xử lý dòng tiền.

Kiên quyết xử lý hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công

Giai đoạn 2 vụ án "Chuyến bay giải cứu" - Đề nghị truy tố 17 người

Chấn chỉnh việc lập, quản lý, sử dụng ngân sách

Lấy ý kiến quy trình thanh tra chuyên ngành Công an nhân dân

Tại họp báo tình hình kết quả công tác công an quý 3 năm 2024 của Bộ Công an, Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) đã thông tin một số vấn đề liên quan đến tình trạng tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và công tác phòng ngừa tình trạng lộ, mất dữ liệu.

Theo đó, việc mạo danh Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân đã được các đối tượng xấu sử dụng trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Loại hình tội phạm này có những sự chuyển biến, cập nhật phương thức rất nhanh.

Với chủ trương thúc đẩy phổ biến ứng dụng VNeID phục vụ các tiện ích cho người dân, các đối tượng thường mạo danh cán bộ công an cấp phường, xã yêu cầu người dân cập nhật Định danh mức 2, qua đó lừa các nạn nhân cài các ứng dụng giả mạo, có chứa mã độc lên thiết bị, sau đó chiếm quyền điều khiển thiết bị và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Vừa qua, lợi dụng việc Bộ Công an phối hợp triển khai thực hiện Quyết định số 2345 của Ngân hàng Nhà nước, trong đó có các quy định về yêu cầu xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch từ trên 10 triệu đồng, các đối tượng đã ngay lập tức chuyển sang phương thức giả mạo nhân viên ngân hàng yêu cầu người dân tải ứng dụng ngân hàng giả mạo để cập nhật dữ liệu sinh trắc học…

Bộ và các ban, ngành liên quan đã, đang có nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với loại hình tội phạm này, tuy nhiên, các quy định hiện tại vẫn còn những bất cập, sơ hở để các đối tượng lợi dụng phạm tội.

Cụ thể, Quyết định số 2345 chưa yêu cầu xác thực sinh trắc học đối với loại hình tài khoản doanh nghiệp, do đó các đối tượng thường xuyên lợi dụng loại tài khoản này để phạm tội.

leftcenterrightdel
 Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trả lời tại buổi họp báo. Ảnh: BCA

Phó Cục trưởng A05 cho biết thêm, nhằm phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi trên, Bộ Công an đã thực hiện một số giải pháp như:

Một là, thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông, tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của loại hình tội phạm này nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của người dân.

Hai là, kiến nghị Chính phủ hoàn thiện các cơ sở pháp lý, không để tồn tại các sơ hở, thiếu sót để các đối tượng lợi dụng.

Ba là, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước các đơn vị chức năng ngăn chặn, xử lý dòng tiền của các đối tượng lừa đảo.

Bốn là, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai việc xác thực, định danh đối với các tài khoản, thuê bao trên các lĩnh vực thông tin, viễn thông…tiến tới định danh toàn bộ hệ thống truy cập internet, góp phần xác minh, làm rõ các đối tượng vi phạm.

Năm là, tăng cường phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài như Meta, Google, Amazon, Apple… để triển khai các biện pháp sàng lọc, xác thực thông tin, xóa bỏ các trang web, các ứng dụng giả mạo.

Sáu là, triển khai đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực phòng chống các loại hình tội phạm công nghệ cao cho công an các đơn vị, địa phương,…

Liên quan đến công tác phòng ngừa tình trạng lộ, mất dữ liệu, Bộ Công an đang tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 13 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân; tham mưu Chính phủ xây dựng Luật Bảo vệ Dữ liệu cá nhân; thường xuyên phối hợp rà soát, đánh giá về đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin trong việc vận hành các hệ thống thông tin; tổ chức nắm tình hình, xác minh các nhóm đối tượng hoạt động mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân trên các nền tảng kín như Telegram, Viber, Zalo…

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra