Thích ứng với thế giới biến đổi
Tuy nhiên, lịch sử phát triển thế giới thời gian qua cho thấy việc xóa đói giảm nghèo là việc nhiều quốc gia có thể làm được. Để đưa một quốc gia từ “đang phát triển” thành “quốc gia phát triển” là vô cùng khó khăn, chỉ có vài chục trong số hàng trăm quốc gia thành công. Cách đây gần trăm năm, trong buổi đầu của bình minh độc lập, vừa thoát vòng nô lệ, trong đói nghèo, lạc hậu, mù chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hướng Nhà nước dân chủ cộng hòa non trẻ đến một mục tiêu đầy thách thức và cũng rất cao cả “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Do đó, tự hào với những thành quả vừa qua, chúng ta không được quên rằng chừng đó là chưa đủ, chừng đó là chưa cho thấy khả năng đuổi kịp, vượt qua và bứt phá để có thể “sánh vai với các cường quốc” nhằm hiện thực hóa ước mơ của Hồ Chủ tịch. Thu nhập quốc dân dù đã tăng mấy chục lần, vẫn là một nền kinh tế nhỏ, năng suất thấp, chi phí đầu tư cao, chủ yếu dựa trên lao động giá rẻ, ưu đãi thuế phí lớn, bảo vệ môi trường thấp, hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập cả trên văn bản lẫn trong thực thi, tham nhũng hoành hành, nền hành chính cồng kềnh, sách nhiễu, nền tư pháp thiếu minh bạch, đội ngũ doanh nhân dân tộc vừa thiếu vừa yếu, doanh nghiệp ngày càng nhỏ dần, các sản phẩm công nghiệp, dịch vụ có khả năng cạnh tranh cao mang thương hiệu “made in Việt Nam” thưa thớt trên trên thị trường quốc tế.
Trong khi đó, bối cảnh quốc tế hiện nay đang biến đổi rất nhanh bất lợi hơn so với vài năm trước đây. Nhiều rủi ro, bất định, chia rẽ và xung đột, lôi kéo và liên kết, vai trò của các định chế quốc tế nói chung, của thương mại quốc tế nói riêng đang yếu dần, chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ quốc gia gia tăng, cạnh tranh địa chính trị, cạnh tranh quân sự và cạnh tranh kinh tế mạnh hơn trước. Nhìn từ phía khác, các bất ổn về biến đổi khí hậu gia tăng, trái đất nóng lên, hậu quả không chỉ tác động đến kinh tế mà còn cả an ninh, an toàn, sức khỏe, đời sống nhân loại. Những đột phá khoa học và công nghệ trong thời đại 4.0, một mặt mở ra những chân trời mới cho những sản phẩm đầy tính sáng tạo, nâng cao hiệu quả toàn diện cho nhân loại, mặt khác là những thách thức lớn cho mọi quốc gia về về an ninh, an toàn, chủ quyền quốc gia, quyền cá nhân, về các giá trị đạo đức, pháp luật, về nguy cơ tụt hậu và lạc nhịp.
Việt Nam đang ở vào thế hội nhập sâu rộng, toàn diện hơn bao giờ hết, có quan hệ thương mại với gần 200 quốc gia, có 16 hiệp định thương mại FTA thế hệ mới, không chỉ là các cam kết về thương mại mà còn mở rộng ra hàng loạt lĩnh vực phi thương mại khác như lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, an toàn sức khỏe, tự do lập nghiệp đoàn…
Các thách thức về biến đổi khí hậu đặt ra các cam kết quốc tế, các yêu cầu rất cao về các tiêu chuẩn sạch, xanh, cùng với hệ thống kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ phía quốc tế và người tiêu dùng, đòi hỏi mọi ngành sản xuất phải đổi mới toàn diện. Cuộc cạnh tranh để giành chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu vừa bị đứt gãy đòi hỏi chúng ta phải đổi mới nhanh hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn, đồng bộ hơn để hy vọng được “bay cùng đàn sếu“, chuyển dần từ vị trí cuối đàn bay lên tốp trước.
Cuộc cạnh tranh địa chính trị trong thời buổi các nước lớn đang thay đổi các chính sách từ hợp tác sang cạnh tranh lập các liên minh, lôi kéo, chia rẽ đang gia tăng không thể không ảnh hưởng đến nước ta vốn ở vào một vị trí địa chính trị nhạy cảm và vị trí thương mại quan trọng giữa toàn cầu.
Trong nước, với dân số gần trăm triệu, là một trong 13 quốc gia có dân số đông nhất thế giới, trình độ dân trí cao dần, các yêu cầu về đời sống tinh thần, đòi hỏi về quyền tự do dân chủ nói riêng, quyền con người nói chung đang được gia tăng.
Cùng với sự phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin, mạng xã hội vừa là công cụ hữu hiệu để phát huy quyền công dân trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho mỗi cá nhân, lại vừa đặt ra các yêu cầu về quyền riêng tư, bảo vệ các giá trị đạo đức, luật pháp. Việc này đòi hỏi cách quản trị quốc gia phải có nhiều sáng tạo, đổi mới theo cấp số nhân mà không theo lối mòn kiểu cấp số cộng cũ. Cuộc cách mạng kinh tế số, kinh tế tri thức mà thế giới đang phát triển rất mạnh mẽ đòi hỏi nước ta không được để vuột cơ hội này.
Muốn vậy, ngoài việc hoàn thiện pháp luật để tương thích với các giá trị pháp lý chung trong thương mại quốc tế, cần đề cao và bảo vệ các giá trị đạo đức chung của nhân loại, đào tạo công dân Việt Nam có những phẩm chất của “công dân toàn cầu”.
Giáo dục là “quốc sách” nhưng trong thời đại cạnh tranh gay gắt như hiện nay, không nhanh chóng hiện thực hóa được quốc sách này có nghĩa là chúng ta đang làm một việc “hạ sách”. Một điểm đáng lo ngại là nguy cơ dân số già đang dần hiện hữu, nếu không dám chạy đua với thời gian để tận dụng cho được cơ hội này trong khi bẫy thu nhập trung bình thấp đang rình rập thì khó có thể hy vọng “sánh vai các cường quốc” được. Nguyễn Du cũng đã “nhắc” khéo chúng ta “Một mình lưỡng lự canh chầy/Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”.
Hãy cải cách từ Quốc hội
Đổi mới sâu sắc, mạnh mẽ, toàn diện đòi hỏi rất, rất nhiều việc phải làm. Trong giới hạn nhỏ hẹp của bài viết này tôi mong muốn có sự đổi mới từ cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội. Nhân dân là chủ thể của quyền lực Nhà nước, giám sát Nhà nước và giao cho Quốc hội quyền lực Nhà nước. Các sáng kiến chính sách có thể đến từ nhiều nguồn, các tổ chức chính trị, xã hội, người dân… nhưng để đánh giá, lựa chọn, biến các nguồn đó thành luật pháp, hiện thực hóa các luật đó, yêu cầu các tổ chức, cơ quan Nhà nước khác và xã hội thi hành các luật đó một cách minh bạch, công khai, hiệu quả với chi phí thấp nhất, đó là trách nhiệm của Quốc hội.
Thay mặt nhân dân để quản lý đất nước, dùng quyền lực của nhân dân để tổ chức, vận động, kiểm tra, giám sát mọi chính sách, pháp luật (nguồn làm nên sức mạnh quốc gia), Quốc hội vừa phải thể hiện được sự hiệu quả trong việc này vừa phải thể hiện được sự trung thực của “người đầy tớ” trước nhân dân.
Có ba việc trọng tâm để cải cách tổ chức, hoạt động của Quốc hội, ngõ hầu có thể giúp Quốc hội khai thác được hiệu quả cơ hội và hạn chế được các thách thức như đã nêu trên. Một là nhanh chóng chuyên nghiệp hóa tổ chức Quốc hội bao gồm chuyển Quốc hội họp theo kỳ thành Quốc hội họp thường xuyên (sẽ không có các kỳ họp bất thường như hiện nay, dù việc này đang là tốt hơn so với trước), cơ cấu số đại biểu Quốc hội với gần 2/3 hoạt động không chuyên trách nên chuyển thành 2/3 chuyên trách, tiến tới toàn bộ là chuyên trách; có như vậy Quốc hội mới có thể cùng Chính phủ giải quyết được những núi công việc khổng lồ, rất mới, rất phức tạp hiện nay. Hai là cần nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội để có những đại biểu hiểu biết thấu đáo, sâu sắc, đại diện cho trí tuệ, tình cảm, nguyện vọng của người dân.
Do đó cần cải tiến việc bầu cử hình thức, tăng tính cạnh tranh dân chủ trong bầu cử, nguyên khí quốc gia cần được có chỗ trong Quốc hội để người dân yên tâm và tin tưởng, từ đó sẽ tạo nên động lực phát triển đất nước. Ba là, Quốc hội phải tổ chức hoạt động giám sát hiệu quả toàn diện, sâu sát toàn bộ mọi hoạt động của Nhà nước trong đó có cả chính Quốc hội, cần dân chủ hóa ngay trong Quốc hội. Muốn vậy, Quốc hội, ngoài đảm bảo mối liên hệ hiệu quả với tổ chức Đảng như là nơi cung cấp thông tin, ý tưởng, sáng kiến chính sách, nơi hiện thực hóa hiệu quả các nghị quyết của tổ chức này, còn cần phải gắn bó máu thịt với nhân dân, với cử tri, đặt mình dưới sự giám sát của họ, như lời Xuân Diệu viết:
"Tôi cùng xương thịt với Nhân dân của tôi
Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu
Tôi sống với cuộc đời chiến đấu
Của triệu người yêu giấu, gian lao".