|
|
Trụ sở UBND huyện Thạch Thất. Ảnh: ITN |
Chỉ một nhà thầu tham dự rồi trúng
Là địa phương có nhiều di tích lịch sử - văn hóa có tuổi đời hàng trăm năm được Nhà nước công nhận. Theo thời gian những di tích này đã xuống cấp, do vậy từ năm 2022 đến nay huyện Thạch Thất đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước để tu bổ, tôn tạo. Quá trình triển khai, huyện Thạch Thất đã giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện (gọi tắt là Ban QLDA Thạch Thất) làm chủ đầu tư, chịu trách nhiệm tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị thi công.
Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn ngân sách vào các dự án tu bổ, tôn tạo di tích do Ban QLDA Thạch Thất chịu trách nhiệm vẫn còn nhiều ý kiến về việc triển khai, tiết kiệm và hiệu quả.
Sau khi ThanhtraVietNam có bài viết phản ánh về việc hàng loạt di tích nhiều trăm năm tuổi trên địa bàn TP Hà Nội được “khai sinh lại” sau khi tu bổ, tôn tạo. Tòa soạn đã nhận được phản ánh của bạn đọc về việc, mặc dù tổ chức đấu thầu rộng rãi qua mạng nhưng hầu hết các gói thầu tu bổ, tôn tạo di tích do Ban QLDA Thạch Thất làm chủ đầu tư đều chỉ có một nhà thầu tham dự rồi trúng, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước vô cùng thấp.
Đáng nói hơn nữa, những đơn vị trúng các gói thầu này đều chỉ xoay quanh mấy doanh nghiệp. Gần như các nhà thầu này không bao giờ gặp nhau trong một gói thầu, mà chỉ “một mình một ngựa” tham dự rồi trúng.
Cụ thể, mới đây nhất, ngày 4/10/2024, ông Nguyễn Xuân Sinh – Giám đốc Ban QLDA Thạch Thất ký ban hành Quyết định số 669/QĐ-BQLDA phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 04: Thi công xây dựng thuộc dự án Tu bổ, tôn tạo đình Đại Đồng. Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Kiến Hưng (gọi tắt là Công ty Kiến Hưng), với giá trúng thầu là 16.828.198.000 đồng. So với giá gói thầu mà chủ đầu tư đưa ra là 17.002.947.000 đồng, giá trúng thầu thấp hơn khoảng 175 triệu đồng, tương ứng tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khoảng 1,02%.
|
|
Trích Quyết định số 669/QĐ-BQLDA. |
Trước đó, tháng 9/2024, Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Gia Hưng (gọi tắt là Công ty Gia Hưng) cũng một mình tham dự rồi trúng Gói thầu số 04: Thi công xây dựng thuộc dự án Xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích đình Lại Khánh xã Lại Thượng (Quyết định phê duyệt số 642/QĐ-BQLDA do ông Nguyễn Xuân Sinh – Giám đốc Ban kí ngày 19/9/2024), với giá trúng thầu là 17.742.221.000 đồng.
So với giá dự toán được đưa ra là 17.805.201.000 đồng, giá trúng thầu đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước gần 63 triệu đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,35%.
|
|
Trích Quyết định số 642/QĐ-BQLDA ngày 19/9/2024. |
Trong tháng 8/2024, ông Nguyễn Xuân Sinh – Giám đốc Ban QLDA Thạch Thất đã ký ban hành 3 Quyết định phê duyệt kết quả đối với 3 gói thầu tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn. Đáng nói, cả 3 gói thầu này đều được Ban QLDA tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch qua mạng, nhưng cũng đều chỉ thu hút một nhà thầu tham dự rồi trúng.
Cụ thể, tại Quyết định số 600/QĐ-BQLDA ngày 27/8/2024, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với Gói thầu số 04: Thi công xây dựng thuộc dự án Tu bổ, tôn tạo chùa thôn Bến xã Dị Nậu, đơn vị trúng thầu là liên danh Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Bảo Sơn – Công ty CP Invar với giá trúng thầu là 21.942.975.000 đồng. So với giá mời thầu mà chủ đầu tư đưa ra là 22.142.048.000 đồng, giá trúng thầu thấp hơn khoảng gần 200 triệu đồng, tương ứng tỷ lệ tiết kiệm là 0,9%.
Tại Quyết định số 545/QĐ-BQLDA ngày 10/8/2024 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với Gói thầu số 04: Thi công xây dựng thuộc dự án Tu bổ, tôn tạo chùa Hữu Bằng, đơn vị trúng thầu là Công ty CP phát triển hạ tầng Tâm Phúc (gọi tắt là Công ty Tâm Phúc), với giá trúng thầu được duyệt là 18.043.468.000 đồng, thấp hơn giá gói thầu khoảng 160 triệu đồng, tương ứng tỷ lệ tiết kiệm 0,87%.
|
|
Chùa Hữu Bằng, xã Hữu Bằng đã được Công ty Tâm Phúc hạ giải để chuẩn bị cho công tác thi công. Ảnh ghi nhận ngày 17/12/2024. |
Cũng tại Quyết định số 543/QĐ-BQLDA ngày 9/8/2024 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với Gói thầu số 04: Thi công xây dựng thuộc dự án Tu bổ, tôn tạo chùa Long Cảnh xã Kim Quan, đơn vị trúng thầu là Công ty CP Công trình giao thông 18 (gọi tắt là Công ty giao thông 18), với giá trúng thầu được duyệt là 20.912.382.000 đồng. So với giá mời thầu của chủ đầu tư đưa ra, giá trúng thầu đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước gần 74 triệu đồng, tương ứng tỷ lệ 0,35%.
Trước đó, ngày 30/7/2024, ông Nguyễn Xuân Sinh cũng ký ban hành Quyết định số 509/QĐ-BQLDA phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 04: Thi công xây dựng thuộc dự án Tu bổ, tôn tạo đình Kim Quan xã Kim Quan, đơn vị trúng thầu là liên danh Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng và thương mại Sun Việt - Công ty cổ phần xây dựng và tu bổ di tich Hà Tây, với giá trúng thầu là 20.142.264.000 đồng, thấp hơn 76 triệu đồng so với giá gói thầu.
Doanh nghiệp “quen mặt” trúng hàng loạt gói thầu
Như vậy, chỉ tính riêng tại các gói thầu nêu trên, Ban QLDA Thạch Thất đã phê duyệt hơn 115,5 tỷ đồng để thi công tu bổ, tôn tạo 6 di tích trên địa bàn mà tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước sau đấu thầu chỉ ở mức rất khiêm tốn.
Trong năm 2022 và 2023, Ban QLDA Thạch Thất cũng đã phê duyệt hàng chục dự án tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng, khi thực hiện tu bổ, tôn tạo này theo phản ánh của bạn đọc các nhà thầu còn chưa tuân thủ theo các quy định của pháp luật.
Nói về các nhà thầu nêu trên, trong những năm gần đây, một số nhà thầu đã tham dự và trúng hàng loạt gói thầu do Ban QLDA Thạch Thất làm chủ đầu tư, với tổng giá trị hàng trăm tỷ đồng và trở thành đơn vị “quen mặt”. Không chỉ vậy, những gói thầu do các nhà thầu này trúng cũng có tỷ lệ tiết kiệm tương tự như những gói thầu đã nêu ở trên.
Tiêu biểu là Công ty Tâm Phúc, theo mạng đấu thầu quốc gia tính đến ngày 7/1/2025, doanh nghiệp này đã tham dự và trúng 25/26 gói thầu do Ban QLDA Thạch Thất làm chủ đầu tư, với tổng giá trị trúng thầu trong cả vai trò liên danh lẫn độc lập là hơn 826 tỷ đồng.
Nói về “hiện tượng” nhà thầu “quen mặt”, một chuyên gia đấu thầu phân tích: “Cùng một nền tảng pháp lý nhưng thực tiễn đấu thầu ở các địa phương rất khác nhau. Nhiều địa phương số lượng nhà thầu tham gia nhiều, tiết kiệm cao qua đấu thầu. Ngược lại, nhiều địa phương gần như không có cạnh tranh trong đấu thầu khi rất nhiều gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự, tiết kiệm qua đấu thầu không đáng kể”.
“Hiện nay dù đấu thầu qua mạng nhưng cùng lĩnh vực, nhất là cùng địa phương, nhà thầu thường phân chia ngầm thị trường. Khi quyết định tham gia đấu thầu (nhất là ở địa bàn không quen thuộc), nhà thầu phải xem xét rất kỹ về quan hệ ở địa phương, bên mời thầu, chủ đầu tư... để cân nhắc tham gia đấu thầu, đồng thời tính việc đảm bảo quá trình triển khai thực hiện gói thầu thuận lợi, hiệu quả”, vị chuyên gia cho biết.
Để làm rõ những nội dung bạn đọc phản ánh, ngày 17/12/2024, Tạp chí Thanh tra đã liên hệ với UBDN huyện Thạch Thất cũng như Ban QLDA huyện này. Tuy nhiên, đã 3 tuần trôi qua, các cơ quan này đến nay vẫn không có bất cứ phản hồi nào. ThanhtraVietNam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc./.