Kế hoạch phản gián CM12: Thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh, sáng tạo

Thứ ba, 03/09/2024 11:34
(ThanhtraVietNam) - Kỷ niệm 40 năm thắng lợi của Kế hoạch phản gián CM12, Đoàn công tác của Thanh tra Bộ Công an đã tổ chức hoạt động về nguồn tại khu di tích Hòn Đá Bạc - Trung tâm chỉ huy Kế hoạch. Tạp chí Thanh tra giới thiệu một số thông tin về chiến dịch phản gián đã trở thành mốc son mới trên bước đường trưởng thành, làm dày thêm truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam.

Ngày 21/8/2024, Đoàn công tác của Thanh tra Bộ Công an đã phối hợp với Thanh tra Công an tỉnh Cà Mau tổ chức về nguồn tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Hòn Đá Bạc - Trung tâm chỉ huy kế hoạch phản gián CM12. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 40 năm thắng lợi của Kế hoạch.

Cùng điểm lại một số diễn biến chính của thắng lợi này nhằm giúp cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân hiểu rõ hơn về hoàn cảnh lịch sử, diễn biến, chiến công, thành tích, những cống hiến to lớn của lực lượng Công an nhân dân (CAND) trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; vun đắp lòng tự hào về truyền thống anh hùng, vẻ vang của lực lượng CAND; tiếp tục học tập, phát huy những bài học kinh nghiệm để vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND trong tình hình mới.

leftcenterrightdel

Đoàn công tác của Thanh tra Bộ Công an tham quan các hiện vật trong Chiến thắng CM12. Ảnh: X05

Đúng dịp Kỷ niệm 79 năm ngày truyền thống CAND, Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an đã chia sẻ những diễn biến thắng lợi của Kế hoạch phán gián CM12.

Theo đó, ngày 30/4/1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Giai đoạn đó, bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta đã đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách do hậu quả năng nề của hơn 30 năm chiến tranh.

Các tổ chức phản động quốc tế, phản động lưu vong câu kết với nhau thực hiện chiến dịch phá hoại tư tưởng; sử dụng hàng trăm tờ báo, tạp chí, hàng chục kênh phát thanh, truyền hình để tán phát về nước, kích động nổi dậy lật đổ chính quyền.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về việc “tổ chức đấu tranh để tấn công lại địch”, các lực lượng liên quan đã tiến hành nhiều biện pháp.

Ban đầu một chuyên án được thành lập với các nhiệm vụ sau:

Một là, tương kế tựu kế, dùng địch đánh địch; giương bẫy bắt gọn các toán gián điệp xâm nhập, thu toàn bộ vũ khí, phương tiện. Bằng mọi cách buộc địch xâm nhập theo kế hoạch của ta, buộc chúng phải đi đường biển, đúng nơi ta chuẩn bị sẵn.

Hai là, thông qua việc địch ở nước ngoài móc nối mạng lưới trong nội địa, ta có kế hoạch điều tra, bóc gỡ toàn bộ mạng lưới của địch.

Ba là, từng bước tìm hiểu âm mưu chiến lược, âm mưu cụ thể và kế hoạch hành động của địch để chủ động đối phó, ngăn chặn địch thực hiện âm mưu cụ thể, tiến hành trấn áp trước khi chúng hành động phá hoại.

Để thực hiện 3 nhiệm vụ trên, Bộ Nội vụ triển khai một kế hoạch có tên là “KH.CM12”.

Kế hoạch CM12 được thực hiện trong 3 năm (từ tháng 9/1981 đến tháng 9/1984) với Trung tâm chỉ huy của Kế hoạch được đặt tại Hòn Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) do đồng chí Phạm Hùng - Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Bộ trưởng Bộ Nội vụ chỉ đạo, đặt tên.

Đối tượng đấu tranh là các đối tượng gián điệp, biệt kích, các tổ chức phản động lưu vong, nhất là tổ chức phản cách mạng “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu với mục đích tung gián điệp biệt kích cùng phương tiện, vũ khí chiến tranh xâm nhập về nước hoạt động chống phá, lật đổ chính quyền Việt Nam còn non trẻ.

KH.CM12 là một đơn vị đặc biệt, hoạt động mang tính độc lập không trực thuộc một đơn vị nghiệp vụ hay một ty Công an nào; chọn lựa, huy động cán bộ từ nhiều lực lượng nghiệp vụ và được triển khai trên địa bàn rộng lớn từ Minh Hải, Kiên Giang, Hậu Giang đến TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh và các tỉnh miền Trung cho đến nước ngoài.

Trong quá trình đấu tranh, yêu cầu phát triển đến đâu lực lượng được đáp ứng đến đó.

leftcenterrightdel
Để ghi lại dấu ấn lịch sử Hòn Đá Bạc - Trung tâm chỉ huy Kế hoạch phản gián CM12, ngày 22/6/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nơi đây là di tích lịch sử, văn hóa Quốc gia. Ảnh: BCA 

Kết thúc KH.CM12, lực lượng CAND đã bắt gọn 18 chuyến xâm nhập, 146 tên gián điệp biệt kích, thu 2 tàu vận tải, hơn 143 tấn vũ khí các loại, 12 bộ điện đài, 9.300 USD, gần 300 triệu tiền Ngân hàng Việt Nam giả .

Song song với chiến thuật dụ địch ở nước ngoài về nước để bắt, lực lượng Công an còn thúc đẩy làm cho các đối tượng phản động ở trong nước đang hoạt động bí mật phải bộc lộ để trấn áp.

Từ năm 1982 đến năm 1984, lực lượng Công an lần lượt trấn áp 10 tổ chức phản động trong nội địa liên quan đến KH.CM12, bắt toàn bộ số cầm đầu cốt cán, giáo dục tại chỗ những người vì cả tin hoặc bị lừa gạt mà theo chúng.

Nhờ đó, lực lượng Công an đã chủ động ngăn chặn các cuộc vũ trang bạo loạn manh động chống chính quyền vào các năm 1982, 1983, 1984, bẻ gãy hướng tấn công chủ yếu của phản động quốc tế.

Tháng 12/1984, Toà án tối cao tại Tp Hồ Chí Minh công khai xét xử các đối tượng, tuyên 04 án tử hình và gần 100 bản án khác, với sự chứng kiến của nhiều phóng viên trong nước và quốc tế, cùng với cuộc triển lãm phương tiện chiến tranh, hoạt động gián điệp cho hàng chục vạn người tham quan, chứng kiến.

Sau thất bại này, Lê Quốc Tuý, kẻ cầm đầu tổ chức gián điệp bị đột tử ở nước ngoài, những tên còn lại ở mật cứ phải tự giải tán.

Tổ chức gián điệp do Lê Quốc Tuý, Mai Văn Hạnh cầm đầu - những tên lính xung kích trong “chiến tranh phá hoại nhiều mặt” của các đối tượng phản động quốc tế đã bị xoá sổ.

Ghi nhận, đánh giá chiến công đặc biệt xuất sắc của các lực lượng tham gia thực hiện thắng lợi KH.CM12, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 2 tập thể, 3 cá nhân và nhiều phần thưởng cao quý khác cho các đơn vị, cá nhân tham gia./.

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra