Kiên Giang:

Khánh thành Khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú và Đền thờ Anh hùng liệt sĩ, người có công huyện Vĩnh Thuận

Thứ bảy, 06/01/2024 17:45
(ThanhtraVietNam) - Ngày 6/1/2024, trong không khí tưng bừng, phấn khởi kỷ niệm 60 năm ngày thành lập huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành Khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú và Đền thờ Anh hùng liệt sĩ, người có công huyện Vĩnh Thuận.

Tham dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Bộ Quốc phòng và các lực lượng vũ trang Quân khu 9, Quân khu 7, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai; đại diện lãnh đạo các tỉnh Cà Mau, An Giang, cùng toàn thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang, huyện ủy, UBND huyện Vĩnh Thuận, đại diện các Anh hùng lực lượng vũ trang, thân nhân các liệt sĩ, gia đình có công với nước.  

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương phát biểu tại buổi Lễ 

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, công trình khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú và đền thờ anh hùng, liệt sĩ, người có công huyện Vĩnh Thuận do Đại tướng Lê Hồng Anh khởi xướng kế hoạch chi tiết, tiến hành tu bổ, tôn tạo với tổng nguồn vốn xã hội hóa gần 100 tỷ đồng.
Trong khuôn viên khu chứng tích rộng 4ha có tượng đồng Bác Hồ cao lớn, mang biểu tượng “Miền Nam trong trái tim tôi”; các bức phù điêu thể hiện sống động về lịch sử hình thành dân cư - dân tộc, tinh thần chiến đấu của quân và dân huyện Vĩnh Thuận và tỉnh Kiên Giang.

leftcenterrightdel
Tượng đài Bác Hồ trong khuôn viên Khu tưởng niệm 

Cách đây hơn 60 năm, tại rừng tràm của địa chủ Bang Biện Phú (Khu phố Vĩnh Phước 2, thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) chế độ Ngô Đình Diệm đã xây dựng đặc khu An Phước để giam cầm, tra tấn sát hại hơn 1.500 cán bộ, chiến sỹ và nhân dân. Đây được mệnh danh là lò sát sinh tàn bạo, là pháp trường không có bản án mà tên quận trưởng Lâm Quang Phòng đã dựng lên để hòng tiêu diệt những người dân yêu nước.
Năm 1954, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, Miền Nam tạm thời dưới quyền kiểm soát của lực lượng Liên hiệp Pháp. Tháng 2 năm 1955, Ngô Đình Diệm thành lập Đặc khu An Phước và Quận An Phước, bổ nhiệm tên thiếu tá Lâm Quang Phòng làm đặc khu trưởng, kiêm quận trưởng. Để đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân, chúng thành lập trại giam An Phước trên nền nhà cũ của địa chủ Bang Biện Phú, phía sau trại giam có nhiều đìa lớn nhỏ, có đám tràm trên 100 ha, xung quanh đắp bờ thành cao, có rào dây chì gai nhiều lớp, với phòng giam diện tích 20m2 chúng nhốt khoảng 100 người, nhà trại được đào sâu xuống 2m, nước lúc nào cũng ngập đến đầu gối. Trong thời gian khoảng 3 năm (từ tháng 4/1955 đến năm 1957), địch đã mở nhiều cuộc càn quét khủng bố, bắt giam cầm hơn 10.000 lượt cán bộ, chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước, trong đó có hơn 1.500 người đã bị giết hại tại đây.

Trong trại giam, địch đã dùng đủ mọi cực hình tra tấn dã man để hòng mua chuộc, chiêu hàng và làm lung lạc ý chí của những người cộng sản yêu nước như: cho uống nước xà bông, nước vôi, treo ngược lên nóc nhà, chạy điện, nướng cây sắt đỏ đâm vào người cho đến chết… Hàng đêm chúng đem vài chục người đi thủ tiêu với các hình thức giết người man rợ, tàn bạo nhất như: chặt đầu, mổ bụng, moi gan, chôn sống, bỏ vào bao bố buộc đá tảng dìm xuống sông hoặc dí điện vào người cho đến chết rồi dập xuống hố, mỗi hố từ 3 đến 5 người, chúng còn áp dụng các hình thức tra tấn thời trung cổ để hành hạ các tù nhân, có những cuộc chúng tổ chức giết tập thể từ 30 đến 60 người. 
Trong một báo cáo của Tổng Giám đốc an ninh ngày 14/8/1956 có đoạn viết “Gần Bộ chỉ huy ở Chắc Băng, trong một cái đìa lớn đã có tới 200 người bỏ thây”, xác người thối rã hòa vào nước tràm biến thành màu xanh đen, khi đìa cạn, mùi hôi tanh xông lên làm dân chúng nơi đây phải tản cư đi nơi khác. Trại giam “Đặc khu An Phước” chính là lò sát sinh, một trong những trung tâm tội ác của địch ở Miền Tây Nam Bộ, người bị bắt giam tại đây hầu như không thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Hầu hết đã bị bắt vào đây là không có trở về hoặc bị mang đi thủ tiêu hoặc tra tấn đến chết.
Dù phải chịu mọi cực hình tra tấn dã man, hy sinh cả tính mạng, nhưng với tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ cộng sản, những người yêu nước kiên quyết không đầu hàng, không khai báo, họ vẫn hiên ngang trước kẻ thù với tư thế của người chiến thắng, luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu. Luôn luôn thể hiện ý chí kiên cường, không khiếp sợ trước quân thù, oanh liệt trong chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì cách mạng, vì Đảng, vì dân; sống cao cả trong tình đồng chí, đồng đội, trong sáng, cao thượng trong ngục tù của địch. 
Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống kẻ thù xâm lược, nhân dân ta, đã phải trải qua biết bao gian khổ, đau thương mất mát. Tại huyện Vĩnh Thuận, hàng ngàn người con ưu tú đã anh dũng hy sinh, để lại bao nhiêu xương máu trên mảnh đất này, các anh đã hy sinh có những đồng chí có đầy đủ tên, quê quán, có những đồng chí có tên nhưng không rõ quê quán, những mộ tập thể, xác người thối rã, thi thể không nguyên vẹn. 

leftcenterrightdel
Ông Bùi Thanh Trúc - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Donacoop phát biểu tri ân các Anh hùng liệt sĩ 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Thanh Trúc- Chủ tịch Hội đồng Quản trị Liên hiệp các Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) cho biết: Năm 2022 - 2023, mặc dù bị ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19, ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới và Việt Nam đã anh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong đó có Donacoop. Hưởng ứng lời kêu gọi và vận động của Đại tướng Lê Hồng Anh nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư về việc xây dựng đền thờ “Khu di tích rừng tràm Bang Biện Phú” thuộc Khu di tích quốc gia U Minh Thượng được khang trang đúng tầm, trước là đền đáp công ơn của các Anh hùng Liệt sỹ, những người yêu nước, sau là để giáo dục truyền thống yêu nước cho lớp trẻ, nhất là các cán bộ công chức và lực lượng vũ trang hiểu được uống nước phải nhớ nguồn, Donacoop đã nguyện phát tâm đầu tư xây dựng công trình Đền thờ “Khu di tích rừng tràm Bang Biện Phú” thuộc khu di tích Quốc gia U Minh Thượng, mong muốn gửi đến anh linh các Anh hùng Liệt sỹ, những người yêu nước một công trình đầy ý nghĩa và nhân văn này.
Công trình chính thức khởi công vào ngày 17/05/2023, sau hơn 7 tháng thi công, Donacoop đã hoàn thành công trình đầy ý nghĩa này. Đại Tướng Lê Hồng Anh, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí Thư - Trưởng Ban Chỉ đạo vận động đầu tư xây dựng đền thờ đã chọn ngày 06/01/2024 làm lễ khánh thành chính thức dâng hương, dâng lễ đến tất cả anh linh Anh hùng Liệt sỹ, người yêu nước tại khu rừng tràm Bang Biện Phú, huyện Vĩnh Thuận, đồng thời chào mừng 60 năm ngày thành lập Huyện Vĩnh Thuận.
Công trình Đền thờ “Khu di tích rừng tràm Bang Biện Phú” trị giá gần 100 tỷ đồng được xây dựng bằng hình thức xã hội hóa, do Donacoop tài trợ chính. Ngoài ra, hệ thống các công trình còn có sự đóng kinh phí của Công ty Khang Trí Quân, Phú Quốc, Công ty Phú Cường và một số cá nhân khác.

leftcenterrightdel
Các chiến sỹ lực lượng vũ trang trước đền thờ các Anh hùng liệt sĩ

Ông Bùi Thanh Trúc cho biết, Donacoop là đơn vị hoạt động đầu tư có trụ sở chính tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, được thành lập từ tháng 10/2005, chuyên lĩnh vực bất động sản đô thị, công nghiệp, khai thác vật liệu xây dựng, thương mại, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ. Sản xuất kinh doanh hàng năm đều có lợi nhuận, Donacoop luôn chấp hành đầy đủ các chính sách pháp luật của Nhà nước, chăm lo đầy đủ đời sống cho người lao động, luôn ổn định việc làm, nâng cao mức thu nhập và phúc lợi cho người lao động. 
Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, Donacoop luôn xác định nghĩa vụ với địa phương nơi doanh nghiệp đầu tư, Donacoop luôn dành một phần lợi nhuận thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng, công tác thiện nguyện như: Xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, hỗ trợ cựu chiến binh, cùng lực lượng vũ trang Quân khu 7, Quân khu 9 và các địa phương trong các đợt phòng chống dịch Covid. Thực hiện an sinh xã hội, hỗ trợ các địa phương mua sắm thiết bị cho học sinh nghèo học trực tuyến trong thời gian dịch bệnh không thể đến trường. Tài trợ thông qua Hội Chữ thập đỏ cấp phao cứu sinh đa năng cho ngư dân đánh bắt xa bờ góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Donacoop luôn luôn sát cánh chia sẻ bằng tất cả khả năng của mình cùng lực lượng vũ trang Quân khu 7, Quân khu 9 xây dựng các công trình liên quan đến an ninh quốc phòng như: Xây dựng các khu dân cư liền kề nơi biên giới, các công trình liên quan đến luyện tập nâng cao sức khỏe cho bộ đội. Đặc biệt Donacoop đã phát tâm thực hiện đầu tư xây dựng các Đền thờ: Vong linh Liệt sĩ Miền Đông Nam Bộ, Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại huyện Vĩnh Cữu - Đồng Nai, Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Long Khốt, tại huyện Vĩnh Hưng, Long An, Đền thờ các anh hùng liệt sĩ tại Thành phố Phú Quốc, Đền thờ Khu di tích rừng tràm Bang Biện Phú tại huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang. Và ngày 8/1/2024 sẽ tiếp tục khởi công xây dựng “Đền vong linh Thanh niên xung phong và lực lượng vũ trang hy sinh trên tuyến đường 1C tại huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang”, dự kiến hoàn thành ngày 30/4/2024; hiện nay, đang thi công Đền thờ anh linh liệt sỹ chiến khu rừng Sác huyện Cần Giờ TP Hồ Chí Minh, dự kiến hoàn thành ngày 27/7/2024. Những việc làm trên là từ cái tâm, Donacoop coi đây là nhiệm vụ, trách nhiệm, vinh dự của mình được góp một vào sự nghiệp giáo dục thế hệ cán bộ công chức và thế hệ trẻ.
Phát biểu tại lễ khánh thành, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương nhấn mạnh, khi nhắc đến địa danh rừng tràm Bang Biện Phú trong mỗi chúng ta sống lại những ký ức không thể nào quên về một thời đạn bom khốc liệt, những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bi hùng, oanh liệt, bất khuất của nhân dân vùng U Minh Thượng.
Vì vậy, địa phương cần quan tâm thực hiện tốt việc quản lý, giữ gìn và phát huy giá trị của khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú và đền thờ anh hùng, liệt sĩ, người có công để nơi đây mãi là một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau...
“Đền thờ anh hùng, liệt sĩ, người có công tại huyện Vĩnh Thuận sẽ là nơi đời đời yên nghỉ, nơi sưởi ấm những linh hồn đã bao năm nằm sâu dưới lòng đất, đó là nơi mà sự sống không bao giờ mất đi sau cái chết, là cơ sở vững chắc cho sự trường tồn, phát triển của đất nước ta, dân tộc ta, như câu thơ “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình khẳng định.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang tặng Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong đóng góp, xây dựng khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú

Dịp này, UBND tỉnh Kiên Giang tặng bằng khen 3 tập thể, 6 cá nhân có thành tích đột xuất, xuất sắc trong đóng góp xây dựng khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú và đền thờ anh hùng, liệt sĩ, người có công huyện Vĩnh Thuận./.

Trần Đắc
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra