Khoa Phẫu thuật Thần kinh Xanh Pôn: Chạm não bộ, nối yêu thương

Thứ ba, 15/04/2025 16:11
(ThanhtraVietNam) - Hôm nay, khi ngồi viết những dòng này, lòng tôi vẫn rạo rực bởi những cảm xúc chưa kịp lắng lại từ hành trình đưa mẹ đi cấp cứu tại Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện St. Paul (Xanh Pôn). Một chuyến đi tưởng chừng căng thẳng, mệt mỏi, hóa ra lại là trải nghiệm ấm áp, tràn đầy niềm tin vào con người và ngành y tế nước nhà.
leftcenterrightdel
Khoa Phẫu thuật Thần kinh được thành lập với mục tiêu điều trị các bệnh lý sọ não và cột sống, cũng như phát triển khoa học kỹ thuật và hợp tác trong nước quốc tế. Ảnh: bvxanhpon.vn 

Khoa Phẫu thuật Thần kinh, nơi những ca phẫu thuật phức tạp về não và tủy sống diễn ra, không chỉ chữa lành cơ thể mà còn chạm đến trái tim, mang lại hy vọng và niềm vui. Những gì tôi chứng kiến chính là minh chứng sống động cho câu nói của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi gặp mặt nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam: “Ngành y tế không chỉ chữa bệnh cho thân thể mà còn chữa lành cả tâm hồn con người”.

Ngày xưa, nhắc đến bệnh viện, tôi thường nhớ lại cảnh chen chúc, ồn ào, những gương mặt căng thẳng của bệnh nhân lẫn nhân viên y tế. Thậm chí, chỉ cần bắt gặp ánh mắt khó chịu hay tiếng quát của một nhân viên vệ sinh, tôi đã thấy “dúm dó” cả người. Nhưng Khoa Phẫu thuật Thần kinh của Xanh Pôn đã hoàn toàn thay đổi suy nghĩ của tôi. Từ lúc mẹ tôi được đưa vào cấp cứu, không khí ở đây đã khác hẳn, nhẹ nhàng, gần gũi và tràn đầy sự ân cần như ánh nắng ban mai.

Ngay khi bước vào khoa, tôi được đón tiếp bởi những nụ cười rạng rỡ của đội ngũ y bác sĩ và điều dưỡng. Bác sĩ Dương Trung Kiên, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, là người để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Với chuyên môn vững vàng về các ca phẫu thuật não và tủy sống, anh không chỉ mang lại hy vọng cho những bệnh nhân đối mặt với những căn bệnh hiểm nghèo, mà còn khiến người nhà an tâm bằng sự tận tâm hiếm có. Anh giải thích tình trạng của mẹ tôi rõ ràng, không chút vội vã, như thể đang trò chuyện với người thân. Sự chu đáo ấy lan tỏa khắp khoa, từ các bác sĩ, điều dưỡng đến những bạn sinh viên thực tập, tất cả đều đồng lòng tạo nên một môi trường chữa trị đầy nhân văn.

leftcenterrightdel
Ảnh: bvxanhpon.vn

Khoa Phẫu thuật Thần kinh là nơi những phép màu y học được thực hiện. Những ca mổ não, tủy sống đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối và tay nghề cao, nhưng điều khiến tôi khâm phục hơn cả là cách đội ngũ nơi đây kết nối “từ não tới tim”. Họ không chỉ chữa lành những tổn thương thể chất, mà còn xoa dịu nỗi đau tinh thần của bệnh nhân và người nhà. Tôi thấy các bác sĩ và điều dưỡng phối hợp nhịp nhàng như một bản giao hưởng, mỗi người một nhiệm vụ nhưng đều hướng đến mục tiêu chung: mang lại sức khỏe và niềm vui. Họ đối xử với bệnh nhân không chỉ như một trường hợp y khoa, mà như những người thân cần được yêu thương, chăm sóc.

Trong số những điều dưỡng tận tụy của khoa, chị Nương để lại trong tôi ấn tượng đặc biệt. Với bất kỳ bệnh nhân hay người nhà nào gặp khó khăn, chị luôn xuất hiện đúng lúc, nhẹ nhàng giải thích, tận tình hướng dẫn, và giúp đỡ như chính người thân của mình. Có lần, tôi thấy chị kiên nhẫn ngồi cạnh một bệnh nhân lớn tuổi, vừa giải thích quy trình điều trị vừa cầm tay động viên. Sự ân cần ấy khiến người bệnh an tâm, còn người nhà như tôi cảm nhận được sự ấm áp lan tỏa. Chị Nương, với trái tim rộng mở, chính là hiện thân của sự chữa lành “từ não tới tim” tại khoa.

Điều dưỡng Út thì đúng là một “nghệ sĩ” trong nghề, mang đến tiếng cười và niềm vui cho mọi người. Từng chai truyền, từng mũi tiêm, chị đều làm với sự cẩn thận và tỉ mỉ đến từng chi tiết. Tôi từng thấy chị kiểm tra lại chai truyền ba lần trước khi treo lên, lau sạch bong “kin kít” xe đẩy đựng đồ chuyên dùng và thuốc cho bệnh nhân, chỉ để đảm bảo mọi thứ hoàn hảo. Khi tiêm cho mẹ tôi, chị vừa làm vừa kể chuyện vui, khiến mẹ cười khúc khích quên cả đau. Chị Út còn dí dỏm gọi tôi là “Nở”, rồi cười lớn giải thích: “Không phải Thị Nở, Chí Phèo đâu nha! Thấy em là chị muốn nở nụ cười trên môi!”. Câu nói ấy làm tôi bật cười, và đúng thật, mỗi lần gặp chị, tôi đều thấy lòng mình nhẹ nhõm, như được tiếp thêm năng lượng. Sự tận tâm và hài hước của chị Út làm sáng bừng không khí phòng bệnh, biến Khoa Phẫu thuật Thần kinh thành nơi không chỉ chữa trị mà còn lan tỏa niềm vui.

Dì Lan nhà tôi, người vốn nổi tiếng “khó tính” trong gia đình, lần này cũng phải thốt lên: “Ở khoa này vui thế này, về nhà làm chi!”. Dì xung phong ở lại bệnh viện cả tuần, ngày nào cũng ríu rít trò chuyện với các điều dưỡng, tận hưởng không khí ấm áp như ở nhà. Tôi thì chăm mẹ mà chẳng biết mệt, bởi mỗi ngày trôi qua đều ngập tràn năng lượng tích cực từ đội ngũ của khoa.

leftcenterrightdel
Mẹ Hà tôi (áo dài tím), dì Lan (đứng giữa) và dì Hoa trên đỉnh Tam Đảo.

Khoảnh khắc khiến tôi xúc động nhất là ngày mẹ tôi được tiễn chuyển viện về Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2 để tiếp tục điều trị nốt chặng đường. Vì giấy tờ tùy thân và thẻ bảo hiểm của mẹ có chút sai lệch thông tin, gia đình tôi loay hoay mãi khi làm thủ tục chuyển viện. Đang lúc rối bời, một “vị cứu tinh” xuất hiện – anh Ninh, Điều dưỡng Đại học ở Khoa. Anh chủ động hỏi han, rồi không ngại ngần đứng ra giúp đỡ như thể chúng tôi là người thân ruột thịt. Tôi vô tình nghe được cuộc điện thoại anh gọi nhờ hỗ trợ, trong đó anh nhận mẹ tôi là “bà” của mình, giọng đầy chân thành. Lúc đó, tôi vừa bất ngờ vừa cảm động, vừa biết ơn.

Hàng ngày tôi thấy anh Ninh bận lắm, nhưng vẫn chạy qua chạy lại như con thoi để lo giấy tờ cho mẹ tôi. Tôi lẽo đẽo chạy theo, “quéo” cả chân mà vẫn thấy vui. Khi mọi thứ xong xuôi, tôi rưng rưng cảm ơn và dúi vào tay anh chút quà nhỏ như lời tri ân. Vậy mà anh nhất định không nhận, còn dí dỏm nói: “Chế độ của bà là quyền lợi chính đáng, anh phải làm hết cách để bệnh nhân không thiệt thòi”. Thấy tôi cứ nài nỉ, anh mỉm cười, nhẹ nhàng cầm món quà, rồi bước đến giường mẹ tôi, ân cần đặt xuống, hỏi han sức khỏe mẹ và chúc mẹ mau khỏe mạnh để tiếp tục hành trình điều trị. Cử chỉ ấy, kèm nụ cười ấm áp, khiến cả gia đình tôi xúc động. Mẹ tôi nắm tay anh, cảm ơn rối rít, còn tôi thầm nghĩ: “Đây chính là lương y như từ mẫu”.

leftcenterrightdel
Điều dưỡng Đại học Ninh và con trai. Ảnh này tôi lấy ở kênh MXH của anh Ninh.

Ngày mẹ tôi rời Khoa Phẫu thuật Thần kinh, đội ngũ y bác sĩ và điều dưỡng tiễn mẹ bằng những lời chúc chân thành, ánh mắt lưu luyến như tiễn người thân đi xa. Tôi nhìn mẹ, rồi nhìn những con người tuyệt vời ấy, lòng thầm nhủ rằng hành trình chữa lành “từ não tới tim” tại đây sẽ mãi là một kỷ niệm đẹp. Sau bài viết này, chắc tôi lại có thêm một trải nghiệm thú vị tại Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2. Có lẽ, một câu chuyện mới về những người thầy thuốc tận tâm tại đó đang chờ tôi kể lại. Mọi người hãy chờ nhé!

Nhìn lại hành trình ở Khoa Phẫu thuật Thần kinh, tôi nhận ra rằng, những gì đội ngũ nơi đây mang đến không chỉ là sức khỏe cho mẹ tôi, mà còn là niềm tin, hy vọng và sự chữa lành cho cả tâm hồn gia đình tôi. Họ không chỉ làm nghề, mà còn sống với nghề bằng tất cả lòng yêu thương và trách nhiệm, từ những ca mổ não phức tạp đến những cử chỉ chăm sóc nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa. Điều này khiến tôi nhớ lại lời Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh: “Người thầy thuốc không chỉ cần tay nghề giỏi, mà còn phải có trái tim nhân ái, biết đặt mình vào vị trí của bệnh nhân để thấu hiểu và sẻ chia”. Khoa Phẫu thuật Thần kinh chính là minh chứng sống động cho điều đó.

Hôm nay, khi mẹ tôi đã ổn định để tiếp tục điều trị, tôi viết những dòng này để gửi lời tri ân chân thành đến đội ngũ Khoa Phẫu thuật Thần kinh, bệnh viện Xanh Pôn. Các anh chị đã cho tôi thấy rằng, giữa bộn bề cuộc sống, vẫn luôn có những trái tim ấm áp, những bàn tay tận tụy, và những nụ cười làm sáng cả những ngày u ám nhất. Cảm ơn các anh chị, vì đã mang phép màu “từ não tới tim”, biến khoa không chỉ là nơi chữa bệnh, mà còn là ngôi nhà của yêu thương và hy vọng./.

 

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra