Những thách thức trong phát triển thể loại “Báo chí điều tra”

Thứ bảy, 16/03/2024 19:59
(ThanhtraVietNam) - Tiếp tục nội dung trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Toàn quốc 2024, chia sẻ tại phiên thảo luận về “Phóng sự, phóng sự điều tra và hành trình làm điều có ích”, Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong đã nêu ra những thách thức trong việc phát triển thể loại báo chí điều tra.

Các giải pháp đầu tư, ứng dụng công nghệ hiệu quả tại các tòa soạn báo chí

Sức hút và lan tỏa của Hội báo Toàn quốc 2024

Tâm lý ngại khó, ngại khổ, sợ cô đơn

Để có được một nhà báo điều tra yêu nghề, Nhà báo Phùng Công Sưởng cho biết, cần phải được đào tạo kỹ, bài bản, đa năng trong nhà trường và có một môi trường làm việc thuận lợi để phóng viên phát huy năng lực, hoàn thiện các kỹ năng nghiệp vụ của mình. Tuy nhiên, ngay trong trường học, việc đào tạo báo chí nói chung trong đó có đào tạo thể loại điều tra dù có sự chú trọng nhất định nhưng nhìn chung chưa nhận được quan tâm, hào hứng của sinh viên và sau là các phóng viên trẻ, sự tâm huyết truyền nghề của các giảng viên chính quy hay các giảng viên thỉnh giảng có vẻ như giảm sút nhiều phần.

leftcenterrightdel
Nhà báo Phùng Công Sưởng chia sẻ kinh nghiệm trong làm phóng sự điều tra 

Trên thực tế, nhiều sinh viên, phóng viên trẻ thường chạy theo việc học và viết báo theo kiểu “mì ăn liền”, thông tin dựa trên mạng xã hội; share, tổng hợp trên môi trường internet mà thiếu đi nghiên cứu học hỏi tìm tòi, tiếp xúc, phân tích, chứng minh đánh giá, nhận định về một vấn đề… Bản chất của hiện tượng khá phổ biến này có nguyên nhân sâu xa từ việc ngại khó, ngại khổ, ngại tiếp xúc, va đập với cuộc sống ngồn ngộn vấn đề.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham gia chia sẻ tại Phiên thảo luận

Bên cạnh đó, để có được loạt bài điều tra chất lượng, nhà báo bỏ ra thời gian hàng tuần, hàng tháng và thậm chí hàng năm; địa bàn tác nghiệp tại nhiều tỉnh thành; đối tượng làm việc, tiếp xúc với đủ giới từ: cơ quan công an, chính quyền, doanh nghiệp, thậm chí cả giới giang hồ, nghiện ngập đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, thậm chí nguy hiểm… Điều tra luôn là thể loại chứa đựng nhiều rủi ro và dễ bị “phản công” nhất bởi đối tượng bị bài báo đề cập thường là các tổ chức, cá nhân có “quyền, có tiền, có quan hệ đa dạng” vậy nên họ sẵn sàng “sống chết” với nhà báo. Trong nhiều trường hợp các nhà báo điều tra bị cô đơn ( đồng nghiệp, cơ quan không hiểu), thị phi ( lời đồn đoán, dư luận không tốt sau mỗi tác phẩm, sau mỗi lần các đối tượng khiếu nại, khiếu kiện thậm chí tố cáo, vu khống)... Những rào cản tâm lý đó không phải nhà báo nào cũng dễ vượt qua và tiếp tục với nghề điều tra.

Nhà báo Phùng Công Sưởng đề cập thêm nguyên nhân đến từ hành lang pháp lý cũng dẫn đến tâm lý ngại khó, khổ, sợ rủi ro, và tính chịu trách nhiệm cao. Lâu nay, ngoài những trường hợp nhà báo vi phạm pháp luật (cưỡng đoạt, tống tiền…) bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật thì nhóm đối tượng các nhà báo bị xử lý hành chính, hình sự, bị hành hung, đe doạ khủng bố…nhiều nhất mà chúng ta vẫn thường gọi là bị “tai nạn nghề nghiệp” rơi vào nhóm các nhà báo điều tra tại các cơ quan báo chí. Một số tình huống pháp lý mà các nhà báo điều tra thường hay gặp rủi ro như sử dụng những tài liệu chưa được giải mật; thông tin về những vấn đề đang trong quá trình điều tra theo quy trình tố tụng, nhưng sau khi kết luận thì thông tin không như báo nêu; tiếp cận thông tin từ các nguồn chưa được kiểm chứng; người cung cấp thông tin không phải là người đúng thẩm quyền; nhập vai trong quá trình tác nghiệp vượt giới hạn cho phép dẫn đến vi phạm pháp luật, thậm chí bị đe doạ và bị hành hung…

Các giải pháp phát triển thể loại điều tra trong giai đoạn hiện nay

Chia sẻ tại phiên hội thảo, Nhà báo Phùng Công Sưởng cho rằng, thể loại Điều tra là thể loại đặc biệt quan trọng thực hiện sứ mệnh và chức năng của báo chí, hay nói tóm lại Điều tra là thể loại có tính chất “ hồn cốt” của báo chí. Dù trong điều kiện hiện nay để ưu tiên khuyến khích phát triển loại hình này tại các cơ quan báo chí còn gặp nhiều khó khăn, chúng ta cần có các giải pháp phát triển thể loại điều tra.

Một là, tiếp tục có chương trình, giáo trình, có đội ngũ nhân sự để đào tạo các phóng viên điều tra ngay từ khi các em còn học đại học; tăng cường sự tương tác giữa môi trường học và hành; tăng cường trao đổi kinh nghiệm kỹ năng nghề nghiệp với các nhà báo điều tra có kinh nghiệm với mục đích truyền nghề, truyền cảm hứng cho các thế hệ phóng viên điều tra.

Hai là, tại các cơ quan báo chí nhất là các cơ quan báo chí lớn, tuỳ điều kiện khôi phục lại nhóm/tổ/phòng, ban chuyên về thể loại điều tra; trên các số báo; giao diện; chương trình của các cơ quan báo chí nên duy trì những chuyên mục, mục, chương trình với tên gọi gắn với thể loại nhằm “giữ lửa” cho thể loại và giữ chân độc giả yêu thích thể loại này đồng thời lôi kéo phát triển các nhóm độc giả mới.

Ba là, cần có cơ chế chính sách phù hợp về điều kiện làm việc, thu nhập, nhằm khuyến khích những cây viết lĩnh vực này yên tâm công tác, có thu nhập khá, có sự đảm bảo khi gặp rủi ro, sự cố. Cần thiết có thể thành lập “Quỹ phòng ngừa rủi ro”. Cơ quan báo chí ưu tiên đầu tư về công nghệ phương tiện để hỗ trợ các tác phẩm báo chí không chỉ có chất lượng cao mà còn có hình thức hấp dẫn, tiếp cận nhanh nhất đến độc giả.

Bốn là, Hội nhà báo, Bộ TTTT cần tổ chức những hội thảo khoa học để nhìn nhận toàn diện, khoa học về sự phát triển thể loại báo chí điều tra ở nước ta thời gian qua. Đồng thời, các cơ quan báo chí cũng đưa ra các kiến nghị hợp lý nhằm sửa các quy định của pháp luật theo hướng khi nhà báo tác nghiệp báo chí ở một số mảng, một số lĩnh vực được coi xem như người  “thi hành công vụ”, giúp các nhà báo vững tin lao vào các điểm nóng điểm khó trở thành một mũi nhọn trong cuộc  chiến phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng và Nhà nước đang khởi xướng thực hiện.

Khánh Nghi

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra