Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở dịch vụ karaoke

Thứ năm, 29/09/2022 17:35
(ThanhtraVietNam) - Quy định pháp luật hiện nay về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy nói chung và trong cơ sở kinh doanh karaoke nói riêng đã tương đối đầy đủ, chặt chẽ. Tuy nhiên, thời gian qua đã liên tiếp xảy ra những vụ cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng về người và của tại Hà Nội, Bình Dương. Thực tế này cho thấy còn tồn tại những lỗ hổng, bất cập trong quản lý nhà nước, do vậy đòi hỏi cần tăng cường thanh tra, kiểm tra về an toàn PCCC trong các cơ sở dịch vụ này.
leftcenterrightdel
Tăng cường thanh tra, kiểm tra khắc phục bất cập trong bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke ở Việt Nam hiện nay - Ảnh: Việt Anh 

Bất cập trong quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở dịch vụ karaoke hiện nay

Theo quy định của pháp luật hiện hành, “dịch vụ karaoke là dịch vụ cung cấp âm thanh, ánh sáng, nhạc, lời bài hát và hình ảnh thể hiện trên màn hình (hoặc hình thức tương tự) phục vụ cho hoạt động ca hát tại các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke theo quy định của Nghị định này” (Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường). Là hình thức kinh doanh dịch vụ giải trí, văn hóa có tác động đáng kể tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội cũng như sức khỏe cộng đồng, dịch vụ karaoke ở Việt Nam nằm trong danh mục ngành, nghề kinh doanh đầu tư có điều kiện theo Luật Đầu tư 2020, và trong thực tiễn cũng chịu sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đã gia tăng trong nhiều nằm trở lại đây, đặt ra nhiều thách thức cho các cấp chính quyền địa phương trong việc quản lý, kiểm soát đối với các vấn đề như: tệ nạn xã hội; quan hệ lao động; vệ sinh, an toàn thực phẩm… Trong đó, điển hình và bất cập nhất hiện nay phải đề cập đến công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) với những vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra trong những năm gần đây. Thực trạng này đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhằm rà soát một cách tổng thể các bất cập, lỗ hổng, từ thể chế, pháp luật đến thực tiễn công tác PCCC trong hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke hiện nay.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã xây dựng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối toàn diện điều chỉnh về vấn đề PCCC, cụ thể bao gồm: (i) Luật chuyên ngành: Luật Phòng cháy và chữa cháy 2021; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng cháy và chữa cháy 2013; (ii) văn bản hướng dẫn luật PCCC: Nghị định 35/2003/NĐ-CP ngày 16/05/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy; Nghị định 46/2012/NĐ-CP ngày 22/05/2012 hướng dẫn Luật phòng cháy và chữa cháy; (iii) các văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính: Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành…Luật PCCC đã liệt kê tương đối đầy đủ các nội dung cơ bản nhất về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, bao quát từ xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; ban hành và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách; thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế và nghiệm thu công trình xây dựng về PCCC; Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo…Luật cũng xác định rõ Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về PCCC, đồng thời quy định các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Bộ Công an với vị trí pháp lý là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về PCCC.

Không chỉ dừng ở các quy định chung, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BCA ngày 17/01/2022 quy định quy trình thực hiện nhiệm vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong Công an nhân dân. Thông tư 06 đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện các nhiệm vụ trong công tác PCCC của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân: Thẩm duyệt thiết kế, kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC; kiểm định, cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC; cấp, cấp đổi, cấp lại Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC, cứu nạn, cứu hộ…Nhận thức được các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, Bộ Công an đã ban hành riêng Thông tư 147/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 quy định biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.

Mặc dù đã có hành lang pháp lý tương đối toàn diện, đầy đủ và có hệ thống như trên, những vụ hỏa hoạn với quy mô lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của thể hiện bất cập lớn trong công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với các cơ sở kinh doanh này. Những bất cập có thể được phân loại vào một trong hai trường hợp sau:

Thứ nhất, cơ sở kinh doanh trên thực tế không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn an toàn về PCCC, tuy nhiên vẫn được cơ quan có thẩm quyền cấp phép và hoạt động hợp pháp. Ví dụ, Hà Nội hiện nay có gần 1400 cơ sở kinh doanh karaoke, tuy nhiên hơn một nửa không đủ điều kiện an toàn PCCC. Tình trạng này có thể được lý giải bởi một trong hai lý do: Một là, cơ quan có thẩm quyền buông lỏng, thiếu trách nhiệm dẫn đến sai sót trong khâu thẩm định, cấp giấy phép hoạt động kinh doanh và các chứng nhận liên quan đến an toàn PCCC. Hai là, các điều kiện PCCC theo quy định pháp luật hiện nay còn thiếu tính thực tiễn. Chủ đầu tư, kinh doanh có thể thiết kế, xây dựng và bố trí cơ sở theo kiểu “tạm bợ”, mang tính chất “cơi nới” để vẫn đủ điều kiện xin giấy phép, nhưng thực tế công trình không có khả năng bảo đảm an toàn PCCC khi sự cố xảy ra. 

Tại một quán karaoke, mặt trước quán được bịt kín bởi những song sắt trang trí, không có lối thoát hiểm. Mặt sau là 1 cột điện với chằng chịt dây điện, 2 bên sát nhà dân, cầu thang chỉ 1 người đi vừa, 2 người không lọt. Trong các phòng, dây điện khắp nơi. Quán karaoke có 5 tầng, mỗi tầng 60m được chia thành 2 phòng hát. 1 trong những lỗi được cho là cửa thoát hiểm của cơ sở này nhưng mở cánh cửa ra mới thấy mọi thứ đều tạm bợ khi những song sắt chỉ được hàn tạm. Phải rất cẩn thận và bình tĩnh để đóng cánh cửa này lại nhưng nếu trong tâm lý hoảng sợ của người tìm con đường thoát nạn thì đây là một vị trí rất nguy hiểm bởi cầu thang thoát hiểm dựng thẳng đứng dẫn từ tầng 5 xuống dưới đất.

Một địa chỉ khác tại quận Đống Đa có đủ giấy phép hoạt động và được cho là đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Một cánh cửa thoát hiểm bị chắn ngang là bàn âm thanh, hệ thống loa đài và những cuộn dây điện đủ các loại. Trước năm 2018, cơ sở này từng bị đình chỉ hoạt động vì không có cầu thang thoát hiểm. Hiện cầu thang đã được làm với bề rộng chưa đầy 80cm.


Thứ hai, cơ sở kinh doanh chưa được cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh, không có đầy đủ hồ sơ giấy tờ chứng nhận điều kiện bảo đảm an toàn PCCC, tuy nhiên vẫn hoạt động cung cấp dịch vụ karaoke. Ngoài ra, một số chủ cơ sở không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền về việc kinh doanh loại hình dịch vụ karaoke. Cửa hàng không treo biển nhưng cho phép khách hát trong phòng kín. Kiến trúc, nội thất, trang thiết bị và mô hình hoạt động hoàn toàn giống với một cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Nguy cơ xảy ra hỏa hoạn với hậu quả nghiêm trọng là rất lớn. Sự tồn tại của các mô hình kinh doanh karaoke không có giấy phép, kinh doanh “chui” hoặc “núp bóng” loại hình dịch vụ khác như trên cho thấy lỗ hổng lớn trong công tác quản lý, thanh kiểm tra của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. Bởi dịch vụ karaoke có đặc thù là đặt địa điểm tại khu vực đông dân cư, có âm thanh, tiếng ồn lớn. Do vậy theo lý thuyết, các cơ quan chức năng hoàn toàn có khả năng phát hiện, nhận biết và có biện pháp ngăn chặn, đình chỉ cơ sở kinh doanh đang hoạt động bất chấp việc không có đủ điều kiện pháp lý.

Một số kiến nghị về hoạt động thanh tra nhằm khắc phục bất cập bảo đảm an toàn PCCC của cơ sở kinh doanh karaoke

Theo quy định pháp luật, mục đích của hoạt động thanh tra là nhằm “phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật” (Điều 2 Luật Thanh tra 2010). Những bất cập của công tác quản lý nhà nước về PCCC trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke như đã phân tích đặt ra yêu cầu cấp thiết cần tăng cường thanh tra, kiểm tra cả về số lượng, chất lượng nhằm giải quyết triệt để các tồn tại, hạn chế trong thực tiễn, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, sức khỏe, tính mạng của người dân khi tham gia vào loại hình giải trí này.

Thứ nhất, cần quán triệt và nâng cao nhận thức về việc dịch vụ karaoke là loại hình kinh doanh có rủi ro xảy ra cháy nổ cao, hỏa hoạn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Nguyên nhân xuất phát từ thực tế khách quan rằng hầu hết các cơ sở kinh doanh karaoke được thiết kế theo kiểu nhà hộp hoặc dạng nhà ống, không có ban công, mặt ngoài được quây kín bằng các biển hiệu lớn, điều kiện thông gió gần như không có. Ngoài ra, các quán thường sử dụng vật liệu trang trí nội thất, cách âm dễ cháy như: mút, xốp, cao xu, phông rèm... Các vật liệu này khi cháy sẽ tỏa ra nhiệt lượng lớn, khiến tốc độ lan truyền ngọn lửa nhanh trong thời gian ngắn, tạo ra nhiều khói và khí độc. Nếu không sớm phát hiện hỏa hoạn và nhanh chóng thoát ra nơi an toàn, người dân có thể bị nhiễm độc, gây tử vong. Khi tỉ lệ phòng hát được lấp đầy tại cùng một thời điểm, việc sử dụng các thiết bị điện với công suất lớn có thể dẫn đến hiện tượng quá tải, chập cháy. Trong xu thế hiện nay, hoạt động thanh tra, kiểm tra cần được thực hiện trên cơ sở phân tích, đánh giá rủi ro của lĩnh vực, đối tượng thanh tra. Theo logic đó, lĩnh vực có nguy cơ gây ra hậu quả lớn đối với trật tự công, lợi ích công sẽ đòi hỏi cơ chế quản lý nhà nước phải được siết chặt hơn, thể hiện thông qua việc tăng cường công tác kiểm tra. Cũng phải đề cập thêm rằng, ý thức chấp hành quy định pháp luật nói chung và điều kiện bảo đảm an toàn PCCC nói riêng của chủ cơ sở kinh doanh karaoke còn thấp, do vậy các cấp chính quyền cũng cần phải tăng cường kiểm tra thường xuyên để một mặt kịp thời phát hiện sai phạm, mặt khác răn đe và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của chủ cơ sở.

Trong bối cảnh đó, quy định của pháp luật hiện hành “cơ quan công an có trách nhiệm kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ 6 tháng một lần đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar có khối tích từ 5.000m3 trở lên; định kỳ một năm một lần đối các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường cao từ 3 tầng trở lên hoặc khối tích từ 1.000m3 trở lên” không phù hợp với thực tiễn yêu cầu của công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở này. Do vậy cần xem xét điều chỉnh quy định theo hướng tăng tần suất kiểm tra an toàn về PCCC đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trong thời gian tới, cụ thể là định kỳ 3 tháng một lần đối với cơ sở có khối tích từ 5.000m3 trở lên và 6 tháng một lần đối với cơ sở cao từ 3 tầng trở lên hoặc khối ích từ 1.000m3 trở lên. Bên cạnh việc tăng tần suất kiểm tra định kỳ, chính quyền địa phương cũng cần chủ động tăng cường kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở dịch vụ karaoke trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý. Qua các cuộc kiểm tra, lực lượng chức năng nếu phát hiện cơ sở không đảm bảo an toàn hay vi phạm quy định về PCCC phải lập tức đình chỉ, xử phạt và yêu cầu khắc phục. Trường hợp cơ sở không khắc phục, cố tình tiếp tục vi phạm thì cơ quan có thẩm quyền kiên quyết rút giấy phép, tuyệt đối không để diễn ra tình trạng các cơ sở không đủ điều kiện mà vẫn hoạt động.

Tại Hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83 quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC tổ chức sáng 12/9/2022, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã nêu ý kiến: “Cần biên soạn các quy chuẩn, hướng dẫn, quy định để hoàn thiện, như Thủ tướng đã nói, hình như khâu an toàn điện khó kiểm soát, có ở trên giấy nhưng không cơ quan nào kiểm tra được. Phải có quy định về vận hành và kiểm tra…”. Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cũng cho biết pháp luật hiện nay thiếu các quy định về an toàn điện trong khi hành vi sử dụng thiết bị điện, chất lượng thiết bị và chất lượng thi công các hệ thống điện đang là những vấn đề tương đối bất cập hiện nay. 


Thứ hai, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, cá nhân, tổ chức thanh tra cần nghiên cứu để kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn PCCC, đặc biệt là các quy định về điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện PCCC đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đã được quy định tại Thông tư 147/2020/TT-BCA. Hệ thống quy định cần đầy đủ, cụ thể, chi tiết và phù hợp với yêu cầu thực tế của công tác PCCC.

Thứ ba, thực tiễn chứng minh phần lớn các cơ sở kinh doanh karaoke không phải xây dựng mới mà chủ yếu chuyển đổi từ nhà ở sang cơ sở kinh doanh. Do khác nhau về mục đích sử dụng, tất cả các yếu tố từ kiến trúc, vật liệu, nội thất, trang thiết bị bảo đảm an toàn PCCC của nhà ở hoàn toàn không tương thích và không thể đảm bảo an toàn khi chuyển đổi sang khai thác dịch vụ karaoke. Trước bất cập này, cơ quan, tổ chức thanh tra qua quá trình kiểm tra và đánh giá thực tế, cần kiến nghị với cơ quan quản lý về xây dựng để nghiên cứu, rà soát, xem xét lại tính hợp lý, khả thi của các quy định pháp lý cho phép chuyển đổi công năng từ nhà ở sang kinh doanh karaoke.

Thứ tư, cần nghiêm túc tiến hành thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong quản lý về an toàn PCCC của cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Cơ chế kiểm soát về PCCC theo quy định hiện nay được tiến hành theo 03 bước: (i) Thẩm duyệt về thiết kế PCCC, kiểm tra, nghiệm thu trước khi cấp phép xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa; (ii) Kiểm tra giấy chứng nhận bảo đảm an toàn cháy nổ trước khi cấp giấy phép kinh doanh; (iii) kiểm tra định kỳ và kiểm tra an toàn PCCC khi cơ sở đã đi vào hoạt động. Công tác thanh tra hành chính cần làm rõ, nghiêm khắc xử lý theo quy định pháp luật trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong từng giai đoạn trên./.

 
Đinh Lương Minh Anh, giảng viên ĐH Nội Vụ - Việt Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra