Thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô
Theo đó, Nghị quyết nêu rõ, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, trọng tâm là kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo dõi sát diễn biến tình hình, làm tốt công tác phân tích, dự báo, có phản ứng chính sách kịp thời, không để bị động, bất ngờ; phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, bảo đảm kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2024 dưới 4,5% như đã đề ra.
Nắm chắc tình hình thị trường, cân đối cung cầu, giá cả hàng hóa để có giải pháp kịp thời, phù hợp, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, tăng giá đột biến, nhất là đối với xăng, dầu, lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác. Chủ động đánh giá kỹ tác động đến lạm phát, tính toán, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lộ trình điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý khi có dư địa và điều kiện cho phép, với mức độ, thời điểm phù hợp, không dồn vào cùng một thời điểm. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết, công khai thông tin về giá; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá, thao túng giá…
Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục triệt để cắt giảm chi thường xuyên để dành cho chi đầu tư phát triển và an sinh xã hội, trong đó thực hiện nghiêm yêu cầu tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024; kiên quyết cắt giảm các khoản dự toán chi thường xuyên đã giao nhưng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024 chưa phân bổ theo đúng Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ. Triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng, giảm phí, lệ phí đã được ban hành.
|
|
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát rủi ro nợ xấu. Ảnh minh họa: VGP/Minh Anh |
Nâng cao chất lượng tín dụng
Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát rủi ro nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng và đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhất là đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH, kế hoạch đầu tư công và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển KTXH, kế hoạch đầu tư công, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, trong đó làm rõ các phương án, kịch bản để báo cáo Chính phủ cho ý kiến trước khi báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội; chủ động đánh giá, chuẩn bị các nội dung để xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, bảo đảm chất lượng, tiến độ để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia
Nghị quyết số 122/NQ-CP nêu rõ, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia, tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; khuyến khích đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Cụ thể, các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, các công trình, dự án giao thông quan trọng quốc gia, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh; lấy đầu tư công kích hoạt và dẫn dắt đầu tư tư, thúc đẩy hợp tác công tư. Đẩy nhanh tiến độ thi công hệ thống đường bộ cao tốc, phấn đấu đến năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.000 km.
Lấy Dự án 500 kV mạch 3 làm hình mẫu điển hình về chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thực hiện "5 quyết tâm", "5 đảm bảo" để đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn năm 2024, nhất là đối với các địa phương được giao vốn kế hoạch đầu tư công lớn như TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bắc Ninh… và 33 bộ, 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn cả nước.
Thường xuyên theo dõi sát kế hoạch, mục tiêu giải ngân chi tiết từng dự án để tập trung chỉ đạo; bám sát diễn biến thời tiết, xây dựng phương án phòng chống thiên tai, mưa lũ, tổ chức giải pháp thi công phù hợp, bảo đảm tiến độ được phê duyệt. Kịp thời điều chuyển vốn từ các nhiệm vụ, dự án không đủ điều kiện để giải ngân hoặc giải ngân chậm để bổ sung cho các nhiệm vụ, dự án có khả năng giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định, bảo đảm nguyên tắc trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các dự án cấp bách, dự án đường cao tốc. Khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư các dự án dự kiến khởi công mới cuối năm 2024. Kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình chậm tiến độ giao, thực hiện, giải ngân vốn, tiêu cực, tham nhũng, thất thoát, lãng phí.
Các bộ, cơ quan trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tiếp tục chủ động theo dõi, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, có văn bản trả lời, hướng dẫn cụ thể và đồng gửi 63 địa phương để tham khảo, thực hiện; khẩn trương sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo, tạo điều kiện hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn theo kế hoạch, bảo đảm đúng quy định, phù hợp tình hình thực tiễn.
Các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước triển khai quyết liệt, hiệu quả chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh đã đề ra, thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển, đóng góp tích cực hơn vào bảo đảm các cân đối lớn về điện, xăng dầu, khí đốt và phát triển KTXH năm 2024./.