Trọng tâm của buổi làm việc là ngăn chặn các vụ việc phức tạp, đông người có nguy cơ trở thành “điểm nóng”, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác tiếp công dân để nâng cao hiệu quả quản lý và giảm bức xúc cho người dân.
Áp lực gia tăng từ đất đai và chính sách
Buổi làm việc diễn ra với sự tham dự của đại diện lãnh đạo tỉnh Cà Mau, do ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì, cùng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Công an tỉnh, đại diện UBND các huyện và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ. Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Minh Phụng đã trình bày báo cáo chi tiết về tình hình tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh trong năm 2024.
Theo báo cáo, năm 2024, các cơ quan hành chính các cấp tại Cà Mau đã tiếp 3.985 lượt công dân, tương ứng với 4.718 người, tăng 768 lượt và 1.174 người so với năm 2023. Đáng chú ý, số đoàn đông người lên đến 31 đoàn với tổng cộng 510 người tham gia, tăng 23 đoàn và 319 người so với năm trước. Nội dung khiếu nại chủ yếu xoay quanh các vấn đề nhạy cảm như tranh chấp đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng và các chính sách an sinh xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân. Đây là những lĩnh vực thường xuyên gây bức xúc, đặc biệt khi liên quan đến quyền sử dụng đất – một trong những tài sản quan trọng nhất của người dân ở vùng nông thôn như Cà Mau.
Về xử lý đơn thư, tổng số đơn phải xử lý trong năm 2024 là 2.227 đơn, tăng 368 đơn (tương ứng 16,52%) so với năm 2023. Trong đó, Văn phòng UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành xử lý 409 đơn, còn lại 1.818 đơn thuộc thẩm quyền của cấp huyện và thành phố Cà Mau. Số đơn đủ điều kiện xử lý là 2.031 đơn, trong khi 196 đơn không đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật. Đối với các đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền, các cơ quan đã thụ lý 135 đơn (133 đơn nhận trong năm, 2 đơn chuyển từ năm trước), tăng 54 đơn (40%) so với năm 2023. Đến nay, 119 đơn đã được giải quyết, đạt tỷ lệ 88,14%, còn 16 đơn vẫn đang trong thời hạn xử lý.
Lãnh đạo các cấp tại Cà Mau cũng tích cực tham gia tiếp công dân. Tổng cộng, Chủ tịch UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, cùng lãnh đạo cấp huyện và xã đã tiếp 1.009 lượt với 1.345 người. Trong đó, có 37 lượt với 171 người được ủy quyền cho cấp phó thực hiện. Điều này cho thấy sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc trực tiếp lắng nghe và giải quyết bức xúc của người dân, dù áp lực từ số lượng đơn thư và người đến khiếu nại ngày càng gia tăng.
Về các sáng kiến mới, ngày 17/12/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định số 2479/QĐ-UBND, phê duyệt Quy chế tiếp công dân trực tuyến và mô hình thí điểm triển khai tại tỉnh. Hiện tại, Thanh tra tỉnh đang phối hợp với Ban Tiếp công dân tỉnh để chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nhân lực và các điều kiện cần thiết nhằm đưa mô hình này vào hoạt động thực tế, hướng tới việc ứng dụng công nghệ số trong công tác tiếp dân.
    |
 |
Đại diện Văn phòng UBND tỉnh giới thiệu đại biểu. |
Đối với các vụ việc có nguy cơ trở thành “điểm nóng”, báo cáo nhấn mạnh rằng Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành thường xuyên phân tích thực tế, tổng hợp tình hình để điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện địa phương. Nhiều vấn đề đã được giải quyết kịp thời, nhưng một số vụ việc vẫn còn tồn tại, đặc biệt là các khiếu nại đông người.
Để phục vụ Đại hội Đảng các cấp, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV, cùng cuộc bầu cử Quốc hội khóa XVI và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 24/7/2024. Kế hoạch này nhấn mạnh việc phối hợp tổ chức tiếp công dân, giải quyết triệt để đơn thư, khiếu nại, tố cáo từ cơ sở, không để các vụ việc phức tạp, kéo dài leo thang. Đặc biệt, tỉnh đặt mục tiêu hạn chế tối đa các đoàn đông người kéo đến Hà Nội và TP.HCM trong các dịp chính trị trọng đại. Ngoài ra, Tổ công tác thường trực tiếp công dân cũng được thành lập theo các Quyết định số 20/QĐ-UBND (05/01/2022), số 1438/QĐ-UBND (22/7/2024) và số 436/QĐ-UBND (11/3/2025), nhằm hỗ trợ Chủ tịch UBND tỉnh đảm bảo an ninh trật tự trong các kỳ họp quan trọng của Trung ương và địa phương.
    |
 |
Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Minh Phụng đã trình bày báo cáo chi tiết về tình hình tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh trong năm 2024. |
Chuyển đổi số và phối hợp chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi người dân
Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Hồng Điệp, Tổ trưởng Tổ công tác Thanh tra Chính phủ, đánh giá cao nỗ lực của Cà Mau trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ông nhận định tỉnh đã nắm chắc tình hình, thực hiện đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của Trung ương, với tỷ lệ giải quyết đơn đạt yêu cầu. Những năm gần đây, Cà Mau không ghi nhận các vụ việc đông người, phức tạp gây mất an ninh trật tự. Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến đất đai nông, lâm trường đã được giải quyết ổn thỏa, thể hiện thái độ cầu thị của chính quyền địa phương. Việc mời Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương vào đối thoại trực tiếp với người dân góp phần giảm căng thẳng và không để xảy ra các sự cố đáng tiếc.
    |
 |
Đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Cà Mau cho ý kiến. |
Tuy nhiên, ông Điệp cũng đưa ra nhiều định hướng cụ thể để nâng cao hiệu quả trong thời gian tới. Trước hết, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai tiếp công dân trực tuyến theo chủ trương chuyển đổi số của Thủ tướng Chính phủ. Ông đề nghị kết nối trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Tiếp công dân trung ương với UBND tỉnh và Ban Tiếp công dân tỉnh, giúp người dân không phải di chuyển xa để khiếu kiện, từ đó tiết kiệm chi phí và thời gian. Đối với các vụ việc đông người, phức tạp, cần phân loại kỹ lưỡng để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, đồng thời tạo sự đồng thuận trong cộng đồng.
Tổ trưởng Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ cũng lưu ý rằng, trước khi ban hành các quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, tỉnh cần gửi dự thảo đến Trụ sở Tiếp công dân Trung ương để phối hợp chặt chẽ trong quá trình xử lý. Việc ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia cần được đẩy mạnh để quản lý thông tin hiệu quả hơn.
    |
 |
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Tổ trưởng Tổ công tác Thanh tra Chính phủ, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương cho ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc. |
Ngoài ra, ông khuyến nghị Cà Mau cùng các tỉnh trong cả nước đồng thời xây dựng phần mềm tiếp công dân trực tuyến, phấn đấu hoàn thiện vào cuối năm 2025 hoặc muộn nhất là sau Đại hội Đảng, sau đó, thường xuyên nâng cấp để đáp ứng nhu cầu thực tế.
    |
 |
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Tổ trưởng Tổ công tác Thanh tra Chính phủ, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương cho ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc. |
Đáng chú ý, ông Nguyễn Hồng Điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dự báo tình hình, nhất là khiếu nại liên quan tới đất đai nông, lâm trường; tác động từ việc sáp nhập bộ máy hành chính; đánh giá về tác động, sức chịu đựng của người dân về chính sách, thậm chí là phải nắm được tâm tư nguyện vọng của các cán bộ trong địa bàn tỉnh, "các cấp cơ sở như thôn, xã phải nắm lòng dân, không thể khoán trắng cho công an, quân đội", ông nói.
Việc thường xuyên phối hợp với Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, không chỉ về quyết định lần hai mà cả báo cáo rà soát vụ việc. Đặc biệt, cần lưu ý đơn tố cáo xuất phát từ khiếu nại không đạt, hoặc liên quan đến nhân sự, bằng cấp, tài sản, để xử lý kịp thời.
Cuối cùng, ông Điệp gợi ý, trong báo cáo, tỉnh Cà Mau cần có những đề xuất cụ thể để sửa đổi Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Thanh tra. “Càng chi tiết càng tốt, Thanh tra Chính phủ sẽ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, góp phần hoàn thiện khung pháp lý,” ông Điệp khẳng định.
    |
 |
Ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đồng chủ trì buổi làm việc. |
Đáp lại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi cam kết nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổ công tác. Ông đánh giá buổi làm việc đã phản ánh sát thực tế, đồng thời định hướng rõ ràng cho địa phương trong thời gian tới. Ông Lâm Văn Bi cũng bày tỏ mong muốn Thanh tra Chính phủ, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn giải quyết các vụ việc cụ thể, đảm bảo quyền lợi cho người dân và giữ vững ổn định trên địa bàn tỉnh./.