Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục

Thứ năm, 05/09/2024 10:02
(ThanhtraVietNam) – Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo như vậy tại Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 4/9/2024 về việc tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024 – 2025.

Xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo

 Tại Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 4/9/2024 về việc tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024 – 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ và các địa phương rà soát số lượng biên chế giáo viên để đề xuất Trung ương bổ sung biên chế ngành Giáo dục, nhất là giáo viên mầm non năm học 2024 - 2025 theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18 tháng 7 năm 2022 của Bộ Chính trị; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong việc tuyển dụng biên chế giáo viên được cấp có thẩm quyền giao và có giải pháp phù hợp, hiệu quả khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, đôn đốc địa phương thực hiện tuyển dụng giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp" nhưng phải phù hợp thực tiễn địa phương và hiệu quả trong việc bố trí.

Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn ngân sách Trung ương chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nhất là kinh phí hỗ trợ các địa phương thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025, bảo đảm đúng quy định pháp luật.

leftcenterrightdel
Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông . Ảnh chỉ mang tính minh họa: L.A

Đáp ứng nhu cầu học tập 2 buổi/ngày

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát, tổ chức, sắp xếp cơ sở giáo dục, điều chỉnh hợp lý quy mô lớp học, giảm các điểm trường lẻ, tăng các trường bán trú, nội trú gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; hình thành trường phổ thông nhiều cấp học phù hợp điều kiện thực tế địa phương, bảo đảm thuận lợi, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em, học sinh học 2 buổi/ngày; dành quỹ đất xây dựng các cơ sở giáo dục khi quy hoạch khu đô thị mới.

Chú trọng phát triển các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập ở khu vực đông dân cư, khu công nghiệp; tăng số trường bán trú và nội trú, tạo thuận lợi hơn cho học sinh và phụ huynh học sinh nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục thường xuyên, tạo sự chuyển biến rõ nét về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, phổ thông. Rà soát, sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở giáo dục trên địa bàn để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; thực hiện tuyển dụng giáo viên theo số biên chế được cấp có thẩm quyền giao, trường hợp chưa tuyển đủ giáo viên thì bố trí nguồn lực để hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ; nghiên cứu có cơ chế, chính sách để thu hút giáo viên đến công tác và gắn bó lâu dài tại địa phương.

Công khai các khoản thu đầu năm học bảo đảm đúng quy định

Chỉ thị cũng nêu rõ, ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục mầm non và Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phân bổ nguồn lực, thực hiện hiệu quả các tiểu dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến giáo dục, đào tạo; bảo đảm định mức kinh phí chi thường xuyên theo quy định để các cơ sở giáo dục thực hiện hoạt động dạy và học. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư.

Xây dựng và triển khai phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh diện chính sách, diện hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng yếu thế, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục việc thực hiện về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu đầu năm học bảo đảm đúng quy định.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và các cơ quan chức năng tại địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả thiên tai, dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm; tăng cường bảo đảm an toàn trường học; bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho trẻ em, học sinh nội trú, bán trú.

Tăng cường triển khai hiệu quả, mạnh mẽ hơn nữa chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trên địa bàn; chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra các nội dung quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trong phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm, bảo đảm yêu cầu, hiệu lực, hiệu quả./.

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra