Cùng với minh bạch và trách nhiệm giải trình, liêm chính được coi là một trong những yếu tố then chốt tạo nên hệ thống quản trị tốt, hướng đến tạo dựng môi trường kinh doanh công bằng. Một môi trường kinh doanh công bằng sẽ hình thành khi mỗi doanh nghiệp không tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, không bất chấp những giới hạn đạo đức của cộng đồng. Xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính là điều kiện không thể thiếu để Việt Nam tiếp tục thu hút các khoản đầu tư có chất lượng.
Với nhiều nỗ lực tăng cường liêm chính trong kinh doanh, năm 2022, Việt Nam đã giới thiệu bộ Chỉ số kinh doanh liêm chính Việt Nam. Đây là công cụ đầu tiên đánh giá mức độ thực hiện liêm chính trong kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam.
    |
 |
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Thanh tra Chính phủ phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Minh Nguyệt) |
Hội thảo “Trách nhiệm của doanh nghiệp về liêm chính trong kinh doanh” là một trong các hoạt động hợp tác về phòng, chống tham nhũng trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và OECD giai đoạn 2022-2026.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đỗ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế nhấn mạnh, Hội thảo nhằm mục đích trao đổi, thảo luận về các chuẩn mực quốc tế, nhất là Công ước OECD về Chống hối lộ nước ngoài, đối chiếu với chính sách, pháp luật hiện hành của Việt Nam về liêm chính trong kinh doanh, trách nhiệm pháp lý của pháp nhân; chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia trong việc thể chế hoá liên quan đến vấn đề này, từ đó đề xuất kiến nghị hướng tới hoàn thiện pháp luật trong nước trong thời gian tới.
“Chúng tôi kỳ vọng Hội thảo là cơ hội quý báu để các bên liên quan cùng thảo luận, chia sẻ về góc nhìn của mỗi bên. Với trọng trách của các cơ quan đồng tổ chức, chúng tôi mong rằng các đại biểu sẽ có những phát biểu, chia sẻ thẳng thắn và đúng vào chủ đề của Hội thảo. Tôi hy vọng với sự tham gia tích cực, chủ động của các quý vị đại biểu, các đồng nghiệp, nhất là các cơ quan hoạch định chính sách, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, chúng ta có thể đi đến thống nhất về các giải pháp, khuyến nghị, góp phần hoàn thiện pháp luật của Việt Nam về liêm chính trong kinh doanh trong thời gian tới”, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế bày tỏ.
    |
 |
Ông William Loo, Ban Tài chính và Quan hệ doanh nghiệp, OECD. (Ảnh: Minh Nguyệt)
|
Phát biểu chào mừng, ông William Loo, Ban Tài chính và Quan hệ doanh nghiệp, OECD cho biết, Việt Nam vẫn chưa là thành viên của OECD và ông hy vọng Việt Nam sớm tham gia và trở thành thành viên của OECD. Bởi tổ chức như OECD sẽ hỗ trợ cho Việt Nam để từ đó tăng cường hơn nữa năng lực của Việt Nam trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới.
Theo ông William Loo, OECD đã có mối quan hệ với Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng, điều này thể hiện qua việc ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và OECD. Việt Nam đã tham gia sáng kiến phòng, chống tham nhũng và là một trong những quốc gia tích cực trong việc tham gia sáng kiến. Bên cạnh đó, OECD cũng có quan hệ hợp tác song phương với một số nước trong khu vực Châu Á.
    |
 |
Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Minh Nguyệt) |
Đại diện Ban Tài chính và Quan hệ doanh nghiệp, OECD nhấn mạnh, Hội thảo là hoạt động nhỏ nhưng quan trọng, nhấn mạnh trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phòng, chống tham nhũng. Qua đó, giới thiệu tiêu chuẩn của OECD; đồng thời lắng nghe ý kiến, kinh nghiệm của Việt Nam; tìm hiểu quan điểm, quan tâm của Việt Nam… Ông William Loo hy vọng đây là bước khởi đầu quan trọng trong hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về 5 nội dung, gồm: Trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp đối với hối lộ nước ngoài theo Công ước Chống hối lộ nước ngoài của OECD; vai trò của kinh doanh liêm chính trong vấn đề trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp đối với hối lộ nước ngoài; việc thực thi trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp đối với hối lộ nước ngoài ở quốc gia cụ thể; trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp trong hối lộ và tham nhũng ở Việt Nam; các khuyến nghị cho tương lai./.