Bà Rịa - Vũng Tàu:

Ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở

Thứ tư, 21/02/2024 08:54
(ThanhtraVietnam) - Vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
leftcenterrightdel
Phường 11, thành phố Vũng Tàu tổ chức hội nghị Ngày thứ 7 lắng nghe dân nói, đối thoại về lĩnh vực môi trường, giải phóng mặt bằng đường A4 - Ảnh: UBMTTQ phường 11 

Theo kế hoạch này, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tạo cơ sở tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải ở cơ sở, cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đi vào thực chất, thống nhất, có trọng tâm trọng điểm. Đa dạng hóa các hình thức PBGDPL; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết chặt chẽ với hoạt động chuyển đổi số, từng bước đổi mới công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đồng bộ, thống nhất trên địa bàn tỉnh; đồng thời đổi mới cách thức tổ chức thực hiện góp phần đưa công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ngày càng hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của người dân và xã hội; tiếp tục phát hiện, nhân rộng các mô hình, cách làm mới có hiệu quả; phát huy tinh thần trách nhiệm tự học tập, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và người dân; nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong xã hội.

Để đạt được các mục tiêu trên, trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề ra các nhóm giải pháp thực hiện gồm:

Thứ nhất, củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL và Tổ Thư ký của Hội đồng; phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của từng thành viên trong tham mưu, chỉ đạo triển khai công tác PBGDPL; tổ chức kiểm tra công tác PBGDPL các cơ quan thành viên Hội đồng.

Thứ hai, là các cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì thực hiện Chương trình, Đề án về PBGDPL có trách nhiệm chủ động tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện năm 2024. Tổ chức hướng dẫn, thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2024;

Thứ ba, là tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; khai thác, vận hành, sử dụng có hiệu quả Trang thông tin điện tử PBGDPL của tỉnh; cập nhật, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật.

Thứ tư, là phổ biến các văn bản, chính sách pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân bằng các hình thức phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, bám sát nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 theo nhiệm vụ công tác trọng tâm; nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của từng sở, ngành, đoàn thể, địa phương;

Thứ năm, là thực hiện công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, trọng tâm là người dân vùng dân tộc thiểu số, vùng biển, hải đảo; trẻ em, người lao động trong doanh nghiệp; nạn nhân bị bạo lực gia đình, người khuyết tật; người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn bằng các hình thức phù hợp.

Thứ sáu, là triển khai công tác PBGDPL trong nhà trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức giảng dạy, học tập môn pháp luật và giáo dục công dân, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy; tổ chức các hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến cho học sinh, sinh viên;

Thứ bảy, là triển khai thực hiện chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ thực hiện công tác PBGDPL; tổ chức biên soạn và cấp phát, đăng tải tài liệu pháp luật nhằm phổ biến rộng rãi quy định pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn tỉnh; tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp, tuyên truyền viên pháp luật.

Thứ tám, là thực hiện kiểm tra, đánh giá hoạt động thuộc lĩnh vực PBGDPL tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trong công tác hòa giải ở cơ sở, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đề ra 4 nhóm giải pháp cụ thể gồm:

Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Hai là, triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở” kéo dài đến hết năm 2030;

Ba là, tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên (ban hành kèm theo Quyết định số 4077/QĐ-BTP ngày 31/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp); rà soát, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, chú trọng thu hút cán bộ, công chức đã công tác trong lĩnh vực pháp luật tham gia công tác hòa giải ở cơ sở;

Bốn là, thực hiện kiểm tra, đánh giá hoạt động xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại các địa phương.

Ngoài ra, trong công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cần tiếp tục hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tiêu chí tiếp cận pháp luật trong đánh giá, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới/nông thôn mới nâng cao. Thực hiện đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật./.

BTV
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra