Bàn về xác định thời hiệu trong giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai

Thứ hai, 12/09/2022 13:50
(ThanhtraVietNam) - Luật Khiếu nại đã có những quy định rất rõ về thời hiệu thực hiện quyền khiếu nại. Nhưng trong thực tế rất nhiều trường hợp các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lại không thể xác định được đã hết thời hiệu để từ chối thụ lý giải quyết, mặc dù về thời gian có những quyết định hành chính bị khiếu nại đã ban hành trên 10 năm.

Cụ thể sau khi Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo có hiệu lực từ ngày 01/7/2012, các ngành, các cấp đã tập trung cao cho công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Do đó, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận góp phần ổn định tình hình để phát triển kinh tế xã hội.

Đối với Hà Tĩnh, mặc dù triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án lớn tại Khu kinh tế Vũng Áng, các dự án mở rộng nâng cấp Quốc lộ 1A và đặc biệt là sự cố môi trường biển năm 2016, nên phát sinh nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo (KNTC). Tuy vậy, bám sát các chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền và nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác giải quyết KNTC, KNPA của người dân, doanh nghiệp, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC để quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường đối thoại trực tiếp với công dân, lắng nghe nguyện vọng của người dân và tích cực giải thích, giải quyết các vụ việc thấu tình, đạt lý. Vì vậy, tình hình KNTC trên địa bàn tỉnh không có diễn biến phức tạp; các vụ việc tồn đọng, kéo dài được chỉ đạo soát xét và cơ bản giải quyết dứt điểm; những vụ việc mới phát sinh được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng chính sách, pháp luật ngay từ khi mới phát sinh.

leftcenterrightdel
Thực tế rất nhiều trường hợp các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lại không thể xác định được đã hết thời hiệu để từ chối thụ lý giải quyết 

Từ năm 2016 - 2021, đã  tiếp nhận  thụ lý giải quyết 1.790 vụ việc/1.879 đơn (tỷ lệ 95 %), trong đó: 48 đơn của cấp tỉnh, 358 đơn cấp sở, ngành, 623 đơn của cấp huyện; 850 đơn của cấp xã. Trong đó 315 đơn đã giải quyết hết thẩm quyền. Đã thụ lý giải quyết 1.264 vụ việc/1.304 đơn tố cáo, trong đó 17 vụ việc tố cáo đúng (tỷ lệ 1,34%); 86 vụ việc tố cáo đúng một phần (tỷ lệ 6,81%); 1.161 vụ việc tố cáo sai toàn bộ (tỷ lệ 91,85%).

Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng quá trình áp dụng Luật Khiếu nại năm 2011 đã bộc lộ một số hạn chế. Trong khuôn khổ bài viết này xin phép được bàn về xác định thời hiệu trong giải quyết khiếu nại về đất đai. Luật Khiếu nại năm 2011, tại Điều 9, quy định: “Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính”.

Như vậy, Luật Khiếu nại đã có những quy định rất rõ về thời hiệu thực hiện quyền khiếu nại. Nhưng trong thực tế rất nhiều trường hợp các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lại không thể xác định được đã hết thời hiệu để từ chối thụ lý giải quyết, mặc dù về thời gian có những quyết định hành chính bị khiếu nại đã ban hành trên 10 năm. Việc không xác định được đã hết thời hiệu là do không thể xác định được mốc (thời điểm) để tính thời hiệu. Lý do các cơ quan Nhà nước không thể xác định được mốc để tính thời hiệu là do mốc để tính thời hiệu là: “kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính”, trong khi đó người khiếu nại lại không được nhận Quyết định hành chính đó nên việc xác định người khiếu nại có biết được Quyết định hành chính đó hay không là rất khó.

Ví dụ: Ngày 01/01/2018, UBND huyện X cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn A, đến ngày 31/12/2020 (sau hai năm), ông Nguyễn Văn B có đơn khiếu nại cho rằng UBND huyện X cấp GCNQSD đất cho ông Nguyễn Văn A trên đất của ông. Trong ví dụ trên UBND huyện X khi ban hành Quyết định cấp GCNQSD đất cho ông Nguyễn Văn A, chỉ gửi cho ông Nguyễn Văn A chứ không gửi cho ông Nguyễn Văn B (ông Nguyễn Văn B có thể biết nhưng ông cho rằng ông không biết và cơ quan có thẩm quyền không có căn cứ chứng minh ông B đã biết thời điểm cấp giấy chứng nhận cho ông A), vì vậy không biết lấy thời điểm nào làm mốc tính để xác định thời hiệu làm cơ sở xác định có thụ lý đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn B hay không (xác định còn thời hiệu giải quyết hay đã hết thời hiệu). Do vậy, trong thực tế giải quyết khiếu nại những trường hợp này phải thụ lý giải quyết, mặc dù có thể tại thời điểm cấp giấy chứng nhận cho ông A, ông B đã biết nhưng không có ý kiến gì và đến thời điểm ông B khiếu nại đã hết thời hiệu khiếu nại.

Từ những phân tích trên, mong rằng trong quá trình sửa Luật Khiếu nại sắp tới, Thanh tra Chính phủ với nhiệm vụ là cơ quan soạn thảo sẽ xem xét để khắc phục các hạn chế, trong đó có nội dung đã nêu trên để đảm bảo quy định về thời hiệu được áp dụng có hiệu quả./.

Trịnh Công Minh – Thanh tra Hà Tĩnh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra