Ban hành nhiều văn bản, tổ chức thực hiện việc tiếp công dân, giải quyết KNTC
Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc tiếp công dân, giải quyết KNTC như Kế hoạch số 74-KH/BCSĐ ngày 18/7/2016 thực hiện Kế hoạch số 19-KH/BCĐTW ngày 10/5/2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chương trình hành động số 33-CTr/BCSĐ ngày 22/02/2017 thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó giao Thanh tra Bộ chủ trì đẩy mạnh thanh tra công vụ; thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC, công tác PCTN.
Theo đó, Bộ Nội vụ cũng đã ban hành Thông tư số 01/2016/TT-BNV ngày 13/01/2016 hướng dẫn Nghị định 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, tạo cơ sở thực hiện dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, tổ chức; Kế hoạch tiếp công dân của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Thông báo phân công công chức tiếp công dân theo phương án số 04/PA-TTCP ngày 06/01/2021 của Thanh tra Chính phủ về việc phối hợp xử lý tình huống KNTC đông người, phức tạp trên Trung ương trước, trong và sau thời gian diễn ra Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Ngoài ra, Ban Cán sự đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Nội vụ và các cơ quan đơn vị tiếp tục thực hiện các Thông tư của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiếp công dân; xử lý đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh; thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công KNTC và phòng, chống tham nhũng; quy định quy trình tiếp công dân; quy định quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân; quy định chi tiết danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại Thanh tra Chính phủ và vị trí công tác trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC, phòng, chống tham nhũng tại chính quyền địa phương.
Nhìn chung, trong giai đoạn vừa qua, Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ và lãnh đạo Bộ Nội vụ đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; các văn bản được ban hành đã kịp thời cụ thể hóa chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước để các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nội vụ tổ chức và thực hiện việc tiếp công dân; giải quyết KNTC theo đúng quy định; góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của Bộ Nội vụ trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, một số văn bản được ban hành chưa điều chỉnh hết được các quan hệ phát sinh trong quá trình tiếp dân, giải quyết KNTC, bởi có nhiều vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn thi hành.
Đơn tố cáo hầu hết là nặc danh, mạo danh
Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp công dân đến KNTC, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở cơ quan Bộ và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Nội vụ; tiếp nhận, xử lý và giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh đúng quy định của pháp luật. Trong giai đoạn 5 năm từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021 có một số trường hợp công dân đã được cán bộ tiếp công dân giải thích, hướng dẫn và Bộ Nội vụ đã có văn bản trả lời cụ thể nhưng vẫn thường xuyên đến KNTC mặc dù các nội dung KNTC không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Nội vụ.
Phần lớn nội dung khiếu nại, kiến nghị, phản ánh chủ yếu liên quan đến việc giải quyết đất đai tại các địa phương; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức; tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức (trong đó chủ yếu về tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức); về giải quyết chế độ tiền lương, bảo hiểm; về giải quyết chế độ khen thưởng đối với các đối tượng có thành tích trong kháng chiến nhưng chưa được khen thưởng hoặc đã được khen thưởng nhưng bản thân họ thấy chưa thỏa đáng; khiếu nại của các tổ chức, tín đồ tôn giáo về đất đai, cơ sở thờ tự, tài sản của tôn giáo; khiếu nại về việc phong chức, phong phẩm, khiếu nại các quyết định kỷ luật của các giáo hội đối với chức sắc trong tôn giáo...
Nội dung tố cáo chủ yếu về vi phạm quy chế tuyển dụng công chức, viên chức; sai phạm trong công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức; vi phạm trong việc giải quyết đất đai tại các địa phương; vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức và trù dập người dân; tố cáo người đề nghị khen thưởng thành tích chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được khen thưởng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và huân, huy chương; về sử dụng đất đai trong lĩnh vực tôn giáo và mâu thuẫn giữa các tín đồ tôn giáo. Tuy nhiên, đơn tố cáo hầu hết là nặc danh, mạo danh, gửi nhiều nơi, nhiều lần, vượt cấp, tố cáo xuất phát từ việc khiếu nại không đạt được mục đích, trong đa số các trường hợp, người tố cáo không cung cấp bằng chứng để chứng minh nội dung tố cáo nên không có cơ sở để xem xét, giải quyết.
Trong giai đoạn từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021 Bộ Nội vụ đã tiếp 3.532 lượt cán bộ, công chức, viên chức và công dân đến KNTC, kiến nghị, phản ánh, trong đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã tiếp trên 10 lượt, Bộ trưởng đã ủy quyền lãnh đạo Thanh tra Bộ tiếp 05 lượt; tiếp 07 Đoàn đông người. Trong đó có 10.402 đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh của cán bộ, công chức, viên chức và công dân (1.720 đơn KN, 3.420 đơn TC, 5.262 đơn kiến nghị, phản ánh). Tất cả đơn thư gửi đến Bộ Nội vụ đều được tiếp nhận, xem xét, giải quyết đúng trình tự thủ tục, thẩm quyền và thời hạn theo luật định. Đối với các đơn không đủ điều kiện xử lý và đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết đều được xem xét chuyển đơn đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết hoặc lưu hồ sơ theo quy định. |
Nội dung tiếp công dân chủ yếu trong lĩnh vực đất đai; tuyển dụng, bổ nhiệm ngạch, chuyển ngạch, nâng ngạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý; chế độ tiền lương, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu và quản lý hồ sơ đối với cán bộ, công chức; tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật; về công tác khen thưởng tham gia kháng chiến còn tồn đọng và việc xác nhận huân chương, huy chương do bị thất lạc, hư hỏng.
Phối hợp trong tiếp công dân, giải quyết KNTC
Trong công tác giải quyết KNTC, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân để giải quyết các vụ việc KNTC (phối với Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Quảng Trị, Thanh tra Chính phủ giải quyết khiếu nại của Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 về việc Bộ trưởng Bộ Nội vụ giải thể Hội; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc giải quyết tố cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo...). Nhìn chung, công tác phối hợp giải quyết KNTC chặt chẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết KNTC.
Theo Bộ Nội vụ, hiện tại, chưa có hướng dẫn cụ thể việc từ chối tiếp công dân theo Điều 9 Luật Tiếp công dân (trong trường hợp đã có hướng dẫn trực tiếp nhưng công dân không đồng ý và vẫn đến trụ sở yêu cầu tiếp công dân) và trách nhiệm của cơ quan từ chối tiếp công dân nên vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong công tác tiếp công dân. Bên cạnh đó, hiện nay, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị (trong đó có nhiều việc đột xuất). Do đó, để đảm bảo chất lượng tiếp công dân, đề nghị cân nhắc quy định Thủ trưởng cơ quan chỉ tiếp công dân trong các trường hợp công dân có đề nghị và nội dung thuộc thẩm quyền của cơ quan đó./.