Cà Mau: Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều chuyển biến tích cực

Thứ hai, 12/12/2022 20:07
(ThanhtraVietNam) - Thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) nhằm nêu cao vai trò của cán bộ, công chức, thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC.

Xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện và thành phố Cà Mau đã tích cực, nỗ lực tập trung vào công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC nên có nhiều chuyển biến tích cực. Số vụ khiếu nại thuộc thẩm quyền và số đoàn đông người đều giảm so với cùng kỳ năm trước; nội dung khiếu nại, tố cáo tập trung chủ yếu ở lĩnh vực hành chính về đất đai, bồi thường, giải tỏa, tái định cư tại các dự án.

Cụ thể: Về khiếu nại nhận 138 đơn, trong đó thuộc thẩm quyền sở, ban, ngành tỉnh 39 đơn; huyện, thành phố Cà Mau 99 đơn, giảm 65 đơn so cùng kỳ, tương ứng 32%. Nội dung khiếu nại chủ yếu ở lĩnh vực đất đai, như: thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thực hiện các dự án; tranh chấp đất đai trong Nhân dân; quyết định xử phạt hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm 97,35%; khiếu nại liên quan đến chính sách, chế độ công chức, viên chức; lĩnh vực tư pháp và một số lĩnh vực khác chiếm 2,65%.

Về tố cáo nhận 51 đơn thuộc thẩm quyền, trong đó Văn phòng UBND tỉnh 18 đơn; sở, ban, ngành tỉnh 9 đơn; huyện, thành phố Cà Mau 24 đơn, tăng 3 đơn so cùng kỳ, tương ứng 5,88%. Nội dung tố cáo liên quan đến lĩnh vực hành chính chế độ, chính sách; đất đai, nhà cửa, việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, chiếm 82,81% và tố cáo liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước khác tham nhũng; lĩnh vực tư pháp chiếm 17,19%.

leftcenterrightdel

Ông Nguyễn Minh Phụng, Chánh Thanh tra tỉnh thông tin về KNTC 

Nguyên nhân khách quan

Về khiếu nại liên quan nhiều đến đất đai, nguyên nhân là do phát sinh bất đồng về mối quan hệ lợi ích giữa người dân có đất trong vùng quy hoạch xây dựng dự án với nhà nước và nhà đầu tư; công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án chưa đáp ứng yêu cầu, quyền lợi của người dân; nhiều dự án được phân thành các giai đoạn khác nhau nên kéo dài, dẫn đến việc so sánh về giá bồi thường giữa các dự án, từ đó phát sinh khiếu nại. Một số vụ việc khiếu nại về đất đai, nhà ở do lịch sử để lại, trong khi đó chính sách về đất đai có nhiều thay đổi, việc áp dụng pháp luật để giải quyết yêu cầu của người dân từng thời điểm có khác nhau cũng là vấn đề nảy sinh cho người dân khiếu nại. Các quy định, hướng dẫn về đất đai có sự thay đổi, giá đất nhà nước quy định chưa tương xứng giá thị trường, những quy định hiện hành không còn phù hợp, chưa tạo được sự hài hòa, thỏa đáng giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Các vụ khiếu nại liên quan đến chính sách, chế độ công chức, viên chức, lĩnh vực tư pháp và một số lĩnh vực khác do ý chí chủ quan của người khiếu nại cho rằng việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền áp dụng pháp luật chưa đúng, làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.

Về tố cáo, văn bản pháp luật có liên quan đến tố cáo chưa quy định rõ chế tài xử lý đối với người tố cáo sai sự thật, do đó, vẫn còn nhiều trường hợp do mâu thuẫn, bất đồng trong cuộc sống, trong công việc hoặc có thành kiến cá nhân với cơ quan, đơn vị và cá nhân người bị tố cáo, lợi dụng việc tố cáo với mục đích nhằm để hạ uy tín, danh dự của cơ quan, đơn vị và cá nhân người bị tố cáo.

Nguyên nhân chủ quan

Về khiếu nại, công tác quản lý nhà nước về đất đai trước đây ở một số địa bàn trong tỉnh còn hạn chế, dẫn đến tình trạng người dân lấn, chiếm đất và gây cản trở lớn cho công tác giải phóng mặt bằng khi thực hiện thu hồi đất. Trình độ đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xử lý đơn, giải quyết tranh chấp, khiếu kiện có những hạn chế nhất định, thiếu năng động, đề xuất, áp dụng pháp luật vào những vụ việc mới phát sinh. Nhận thức của một bộ phận người dân về chính sách, pháp luật về đất đai còn hạn chế, một số trường hợp người dân mặc dù hiểu rõ các quy định của pháp luật, song cố tình không chấp hành các quyết định đã giải quyết đúng quy định. Một số vụ việc do người khiếu nại không đồng ý với quyết định của cấp có thẩm quyền (thu hồi đất, hỗ trợ, tái định cư; quyết định cưỡng chế thu hồi đất và một số lĩnh vực khác) nhưng việc giải thích, hướng dẫn chưa được rõ ràng, chặt chẽ, từ đó dẫn đến khiếu nại. Người dân cho rằng, giá đền bù quá thấp, không đủ cho người dân làm lại nhà, chưa thực hiện theo nguyên tắc “nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”, hoặc chưa thống nhất với việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, dẫn đến phát sinh khiếu nại. Công tác phối hợp giữa các đơn vị từng lúc chưa chặt chẽ, chưa có sự đồng thuận cao trong việc giải quyết khiếu nại liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dẫn đến việc giải quyết khiếu nại kéo dài.

Về tố cáo, việc thực hiện chủ trương không đầy đủ, kịp thời; giải quyết của cấp có thẩm quyền đôi lúc chưa chặt chẽ; trong quá trình thực thi nhiệm vụ còn có việc áp dụng chưa đúng quy định của pháp luật, vi phạm trình tự, thủ tục; xác minh chưa đầy đủ nội dung vụ việc nhưng đã tham mưu ban hành văn bản giải quyết, từ đó dẫn đến phát sinh tố cáo.

Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền

Về khiếu nại các cơ quan, đơn vị đã tham mưu xử lý và giải quyết đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền 138 đơn (nhận trong kỳ 110 đơn, năm trước chuyển sang 28 đơn), giảm 65 đơn so cùng kỳ. Trong số 110 đơn khiếu nại đã giải quyết xong (93 đơn giải quyết bằng quyết định hành chính, 17 đơn rút khiếu nại): 8 đơn khiếu nại đúng; 74 đơn khiếu nại sai, 11 đơn khiếu nại có đúng, có sai; 17 đơn thông qua giải thích, thuyết phục người khiếu nại đồng ý rút đơn. Việc chấp hành thời gian giải quyết: 106 vụ giải quyết đúng thời hạn, 4 vụ quá hạn. Đã triển khai thực hiện xong 93 quyết định giải quyết khiếu nại. Quá trình giải quyết khiếu nại kiến nghị trả lại quyền lợi cho 5 cá nhân và 01 tổ chức, kiến nghị thu hồi cho nhà nước số tiền 299.362.000 đồng, xử lý 2 cá nhân (trong đó có 01 công chức).

Về giải quyết đơn tố cáo các cơ quan, đơn vị đã tiếp nhận 51 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền, trong đó nhận trong kỳ 43 đơn, năm trước chuyển sang 8 đơn, tăng 3 đơn so với cùng kỳ. Đã giải quyết 46 đơn, đạt 89,13%, còn lại 5 đơn, chiếm 10,87% đang tiếp tục giải quyết. Trong số 46 đơn tố cáo đã được giải quyết: có 17 đơn không đủ điều kiện thụ lý giải quyết (ban hành thông báo không thụ lý), 6 đơn tố cáo đúng, 13 đơn tố cáo sai, 5 đơn tố cáo có đúng, có sai và 5 đơn đình chỉ giải quyết do người tố cáo rút đơn tố cáo. Việc thực hiện thời hạn giải quyết tố cáo đúng theo quy định của pháp luật. Các kết luận giải quyết tố cáo đã được triển khai thực hiện đúng quy định. Quá trình giải quyết tố cáo đã trả lại quyền lợi cho 2 tổ chức và 2 cá nhân, đồng thời kiến nghị xử lý 18 cá nhân (17 người là cán bộ, công chức, viên chức). Đối với các tố cáo sai hiện chưa có quy định chế tài xử lý, nên các cơ quan chức năng chưa có biện pháp gì áp dụng đối với người tố cáo sai.

Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các cấp nêu cao trách nhiệm thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp công dân định kỳ theo quy định; hạn chế và chấm dứt việc ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân. Tổ chức thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức hệ thống cơ quan tiếp công dân, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đối với công chức làm nhiệm vụ, đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác này. Thực hiện có hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông vào hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tổng hợp, báo cáo tham mưu./.

Ngọc Xinh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra