Thành phố Hồ Chí Minh:

Cần sớm xem xét xử lý trách nhiệm và bài học nào từ giải quyết khiếu nại, bồi thường đất đai ở Quận 12?

Thứ sáu, 07/10/2022 12:54
(ThanhtraVietNam) - Từ quyết định thu hồi QSDĐ sai quy định của pháp luật, đã dẫn đến hậu quả, hệ lụy một gia đình 3 thế hệ, gần 10 năm phải đi thuê nhà! Khiếu nại kéo dài, chính quyền “biết sai” mà “chưa thể xử lý”!

Chủ tịch UBND Quận 12 thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) sai quy định, nhưng chưa thể khắc phục.

Gia đình bà V.T.M.N, năm 2003, được UBND quận 12 cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ ở số 768 ngày 05/3/2003, được mua bán chuyển nhượng từ QSDĐ diện tích đất ở 733,6 m2 và nhà ở diện tích 57,6 m2 thuộc thửa đất số 364-2 tờ bản đồ số 4H (Sơ đồ nền) đã được cấp cho gia đình ông Trần Văn Quế và bà Nguyễn Thị Ba trước đó.

leftcenterrightdel
 

 Ngày 06/12/2010, UBND quận 12 ban hành Quyết định số 2859/QĐ-UBND về thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận QSDĐ nêu trên. Sau gần một năm, ngày 26/7/2011, UBND Quận 12 ban hành Quyết định số 1035/QĐ-UBND-BT về bồi thường, hỗ trợ đối với gia đình bà V.T.M.N do nhà nước thu hồi để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu tái định cư và Depot Tham Lương.

Sau gần 10 năm khởi kiện ra Tòa án, từ bản án sơ thẩm đến phúc thẩm. Ngày 22/5/2019, TAND Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm và đã ban hành Bản án số 467/2019/HC-PT ngày 22/5/2019 về việc khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, đã tuyên hủy Quyết định số 2859/QĐ-UBND về việc thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ của gia đình bà V.T.M.N do Chủ tịch UBND quận 12 ban hành, trả lại QSDĐ hợp pháp cho gia đình bà V.T.M.N. Cũng tại Bản án phúc thẩm đã tuyên hủy Quyết định số 1035/QĐ-UBND-BT của Chủ tịch UBND quận 12 về việc bồi thường, hỗ trợ đền bù do Quyết định đền bù không đúng quy định, chỉ bồi thường đất ở với diện tích 52,5m2/tổng số diện tích đất ở 733,6m2 theo giấy chứng nhận QSDĐ là sai quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng cho gia đình bà V.T.M.N, đồng thời xét bố trí căn hộ chung cư trong khu vực tái định cư của Dự án là không phù hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 6 và khoản 1 Điều 8 Nghị định số 197/2004/CP của Chính phủ: “Người bị thu hồi đất đang sử dụng vào mục đích nào thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng”.

Thực hiện bản án, ngày 21/11/2019, UBND quận 12 ban hành Quyết định số 7373/QĐ-UBND về việc thu hồi Quyết định số 2859/QĐ-UBND và Quyết định số 7595/QĐ-UBND-BT ngày 04/12/2019 hủy bỏ Quyết định số 1035/QĐ-UBND-BT về việc bồi thường cho gia đình bà V.T.M.N.  

leftcenterrightdel
 
Điều đáng nói, trong thời điểm gia đình bà V.T.M.N đang gửi đơn khiếu nại lên Chủ tịch quận 12 và đang khởi kiện lên Tòa án hành chính các cấp có thẩm quyền về những sai phạm nêu trên nhưng Chủ tịch UBND quận 12 tiếp tục ban hành Quyết định số 209/QĐ-UBND-BT ngày 28/01/2013 về việc cưỡng chế thi hành Quyết định số 1035/QĐ-UBND-BT ngày 26/07/2011; Quyết định số 279/QĐ-UBND ngày 26/04/2016 về việc cưỡng chế thu hồi đất của gia đình bà V.T.M.N đã được cấp QSDĐ trước đó và Thông báo số 465/TB-UBND-ĐT ngày 27/07/2016 về việc tổ chức thi hành Quyết định cưỡng chế vào lúc 7 giờ 30 ngày 05/08/2016 tại 128, KP5, Phường Tân Thới Nhất, Quận 12, Tp.HCM. Giá trị tài sản hàng trăm triệu duy nhất đang được 3 thế hệ gia đình bà V.T.M.N sinh sống, bị cưỡng chế tháo dỡ mà không có bất cứ biên bản xác nhận thực trạng tài sản. Hiện nay, tài sản thu hồi của gia đình bà V.T.M.N, Chủ tịch UBND quận 12 cũng chưa trả lại và không công bố cho gia đình bà V.T.M.N tài sản đó đang cất giữ ở đâu.

Chính quyền “biết sai”, nhưng nhiều năm vẫn chưa thể giải quyết, 3 thế hệ gia đình phải thuê nhà, tài sản “cưỡng chế” sai không thể trả lại, nhiều hệ lụy người dân phải gánh chịu!

Theo đơn kêu cứu và Bản án phúc thẩm có hiệu lực của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, gia đình bà V.T.M.N có “sổ hồng” - xác nhận nhà trên đất và “sổ đỏ” - QSDĐ  đã được cấp nhưng chính quyền thu hồi, cưỡng chế sai quy định. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm phải thuê nhà, Bà liên tục khiếu nại nhưng chính quyền vẫn chưa thể giải quyết. Bà V.T.M.N gửi đơn lên UBND thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết thì được thành phố chuyển xuống Quận 12 để giải quyết theo thẩm quyền; tiếp xúc cử tri bà đã chất vấn trực tiếp “việc chính quyền đã có quyết định thu hồi đất, nhưng chưa có quyết định bồi thường, người dân đã chờ đợi rất lâu” và được đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Võ Trung Trực - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định “ghi nhận và sẽ trao đổi với UBND quận 12 và trả lời chính thức cho bà con thông qua trang web của Hội đồng nhân dân”, sự việc đến nay vẫn lòng vòng, đùn đẩy, hệ lụy cho người dân ngày càng lớn.

leftcenterrightdel
 

 

leftcenterrightdel
Ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở TN&MT cam kết trả lời vấn đề bồi thường cho cử tri 

Bài học nào trong vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch UBND quận 12, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh với việc giải quyết khiếu nại tố cáo? Liệu có tạo sơ hở cho tiêu cực tham nhũng, lợi ích nhóm; vô cảm với sai phạm do mình gây ra?

Một là: về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, đặc biệt là khiếu nại, tố cáo kéo dài phải “phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước” theo đúng tinh thần Chỉ thị 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị.

Chị thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo nêu rõ: “Quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo”; “Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước; lấy hiệu quả của công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo làm tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác”.

Sự việc thu hồi QSDĐ, bồi thường, cưỡng chế sai quy định của pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng cho người dân nhiều thế hệ, xảy ra từ thời kỳ ông Nguyễn Văn Đức làm Phó Chủ tịch và hiện nay là Ủy viên Ban thường vụ Quận ủy, Chủ tịch UBND quận 12. Với sự việc trên, Chủ tịch UBND quận 12 đã thực hiện đúng Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị hay chưa? Công tác tổ chức cán bộ đã thực sự quan tâm đến kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo với vai trò của người đứng đầu cơ quan nhà nước nhằm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân?.

Hai là: Cần tăng cường, kiểm tra, kiểm soát vai trò của người đứng đầu cơ quan nhà nước theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy khác của pháp luật trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo

Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015 quy định tại khoản 3, khoản 8 Điều 29 nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND huyện: “Bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân”. “Tổ chức việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật, tiếp công dân theo quy định của pháp luật”.

Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13 ngày 11/11/2011, tại Điều 6, quy định về những nội dung cấm như: “Thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại; không giải quyết khiếu nại; làm sai lệch các thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc khiếu nại; cố ý giải quyết khiếu nại trái pháp luật”; “ra quyết định giải quyết khiếu nại không bằng hình thức quyết định”; “can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết khiếu nại”;  khoản 1 Điều 18 quy định: “Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình”.

Thông tư số 05/2021/TT-TTCP, ngày 01/10/2021 (trước đây là Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014) của Thanh tra Chính phủ Ban hành quy định về quy trình xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh đã quy định cụ thể về trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu với 9 điều (từ điều 27 đến điều 35).

Qua sự việc cụ thể của gia đình bà V.T.M.N, qua nhiều năm khiếu nại, nhưng Chủ tịch UBND quận 12 không thực hiện việc giải quyết khiếu nại theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền đã dẫn đến hệ lụy cho người dân, tổn thất tài sản, tinh thần gây mất niềm tin cho người dân.

 Ba là: Giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại tố cáo không để tạo sơ hở cho tiêu cực, tham nhũng, không vi phạm các quy định của đảng viên trong việc “không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định của Đảng và pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo và bảo vệ người tố cáo, phê bình, góp ý;.. thờ ơ, vô cảm với các hành vi sai trái trong xã hội”

 Luật Phòng chống tham nhũng số 36/2018/QH14 được Quốc Hội thông qua ngày 20/11/2018, tại Điều 2, quy định các hành vi tham nhũng như: Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi… khoản 5 Điều 3 nêu rõ: Trách nhiệm giải trình là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền làm rõ thông tin, giải thích kịp thời, đầy đủ về quyết định, hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao; Điều 15, quy định về trách nhiệm giải trình: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó. Người thực hiện trách nhiệm giải trình là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị;  trường hợp báo chí đăng tải thông tin về vi phạm pháp luật và có yêu cầu trả lời các vấn đề liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền phải giải trình và công khai nội dung giải trình trên báo chí theo quy định của pháp luật".

Trách nhiệm giải quyết đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân thuộc về Chủ tịch UBND quận 12, hơn 10 năm thực hiện quy hoạch, đến nay đất vẫn bỏ không, người dân mất nhà, nguồn lực đất đai bị lãng phí, nhiều năm giải quyết khiếu nại, bồi thường chưa được thực hiện, hệ lụy nặng nề cho người dân. Chủ tịch UBND quận 12, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo có yếu tố vụ lợi, lợi ích nhóm, thờ ơ vô cảm hay không? Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan quản lý có thẩm quyền liên quan, cần xem xét, sớm làm rõ, nếu sai phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, dẫu đó là nỗi đau như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Không có nổi đau nào bằng tự dùng đá ghè vào chính chân mình”.

 Sự việc thu hồi quyền sử dụng đất của người dân, quyết định bồi thường, cưỡng chế sai quy định của pháp luật, đẩy người dân chịu nhiều hệ lụy trong thời gian dài, Chủ tịch UBND quận 12 xử lý vụ việc thế nào; Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo, xử lý ra sao; bài học nào được rút ra trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo? Tạp chí Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục phản ánh, tổng kết thực tiễn đến bạn đọc./.

Lục Vân Tiên
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra