Bình Thuận:

Chú trọng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ năm, 11/04/2024 20:14
(ThanhtraVietNam) - Xác định, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, do đó, đã được lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận quan tâm, chủ động quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nội dung, yêu cầu đề ra.

Bình Thuận: Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở tạo đồng thuận trong nhân dân

Khiếu nại, tố cáo có chiều hướng giảm

Thời gian qua, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã có sự chuyển biến tích cực và có chiều hướng giảm. Số công dân đăng ký tiếp dân giảm về số lượt, số người và cả tiếp đông người (trong đó: so với năm 2022, thì trong năm 2023 giảm 410 lượt, giảm 471 người; tiếp đông người giảm 8 lượt và 65 người); những trường hợp khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài tiếp tục được các cấp, các ngành chức năng tập trung giải quyết, góp phần ổn định an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đạt được kết quả trên, chính là nhờ các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, nhất là người đứng đầu đã quan tâm thực hiện công tác tiếp công dân theo đúng quy định pháp luật. Thông qua hoạt động này đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp kéo dài, làm mất an ninh trật tự ở địa phương. Công tác tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy theo Quy định số 11-QĐi/TW, thời gian qua đã tiếp 432 cuộc/483 lượt người; trong đó, Bí thư Tỉnh ủy đã tiếp định kỳ 10 cuộc/18 lượt người và 1 cuộc đối thoại với nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc (420 người)…

Nội dung tiếp công dân chủ yếu liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hành vi lấn chiếm đất công, đất hành lang đường bộ, đất mặt tiền; việc hướng dẫn thủ tục cấp quyền sử dụng đất, thủ tục biến động diện tích đất nông nghiệp; chậm giải quyết đơn, thi hành án dân sự, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; việc đòi lại đất cũ; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất…

leftcenterrightdel

Bình Thuận chú trọng thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương cũng đã tập trung xử lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật. Qua giải quyết khiếu nại đã khôi phục quyền lợi hợp pháp một số trường hợp; phát hiện những sai phạm qua giải quyết đơn tố cáo để xử lý theo quy định. Đã tập trung kiểm tra, rà soát giải quyết các vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, công tác công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn gặp những hạn chế, khó khăn. Điển hình như công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện một số quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật có lúc chưa quan tâm thực hiện đầy đủ. Việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại và kết luận, quyết định xử lý tố cáo có hiệu lực pháp luật đối với cá nhân là công dân rất khó thực hiện, nhất là khi phải thu hồi tài sản. Việc công dân gửi đơn vượt cấp, gửi đơn đến nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn xảy ra; một số vụ việc đang giải quyết nhưng công dân vẫn tiếp tục gửi đơn…

Tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm người đứng đầu

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, thời gian tới việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có rất nhiều thời cơ, thuận lợi. Tuy nhiên, việc khởi tố vụ án, bắt tạm giam và kiểm điểm, xử lý một số cán bộ, đảng viên có sai phạm trong công tác điều hành, quản lý trên lĩnh vực đất đai cũng sẽ gây dư luận xấu trong nhân dân, dự kiến tình hình an ninh, trật tự tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

Việc triển khai thực hiện nhiều dự án lớn liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản, môi trường; đầu tư công; tài chính ngân sách, mua sắm tài sản công: lĩnh vực đền bù giải tỏa, tái định cư, y tế... tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nếu không có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời. Công tác cải cách hành chính có mặt còn hạn chế, chưa thật sự quyết liệt, nhất là trong cải cách thủ tục hành chính, làm tăng nguy cơ trễ hẹn, chậm giải quyết hỗ sơ hành chính, dẫn đến phát sinh đơn thư của người dân và doanh nghiệp…

Vì vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thường xuyên rà soát, bổ sung, xây dựng quy định, quy chế liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là công tác trọng tâm, thường xuyên. Đặc biệt, phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của từng cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh thuộc thẩm quyền và của cấp trên giao đúng tiến độ, thời gian quy định. Bên cạnh đó, giữ vững kỷ luật, kỷ cương; tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, như: đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường...

Cần nắm chắc tình hình và tập trung phối hợp giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở và từ khi mới phát sinh khiếu kiện, hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu kiện vượt cấp, đông người, gây phức tạp về an ninh, trật tự; chú trọng công tác đối thoại, giáo dục, thuyết phục người dân trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là các vụ khiếu kiện tập thể. Xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật đối với các trường hợp sai phạm.

Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai nhằm kịp thời phát hiện những sai sót trong việc triển khai thực hiện. Qua đó nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiếp tục thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là công khai quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị theo đúng quy định để tổ chức, công dân theo dõi, giám sát và phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành về giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo.

Khánh Nghi

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra