Theo thống kê, trong quý I/2025, đối với công tác tiếp công dân, toàn tỉnh Lâm Đồng đã tiếp 542 lượt/ 554 vụ việc với 637 người được tiếp. Trong đó, có 432 vụ việc tiếp lần đầu và 122 vụ việc tiếp nhiều lần, có 6 đoàn đông người với 57 người.
Cụ thể, tiếp công dân thường xuyên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị là 303 lượt/344 người với 325 vụ việc. Tiếp công dân định kỳ và đột xuất của thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị là 239 lượt/293 người với 239 vụ việc.
Đối với công tác tiếp nhận đơn thư, trong quý I/2025, qua công tác tiếp công dân và nhận đơn từ các nguồn khác chuyển đến, ngành chức năng tỉnh đã tiếp nhận 2.265 đơn. Đến nay, đã xử lý 2.260 đơn (đạt 99,7%) với 1.889 đơn /1.906 vụ việc đủ điều kiện xử lý.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng, Quý I năm 2025, công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến, đạt được nhiều kết quả. Công tác tiếp công dân ngày càng đi vào nề nếp và có hiệu quả, lãnh đạo các địa phương đã chú trọng đến công tác tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân để chủ động nắm bắt tình hình và giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo.
    |
 |
Nhiều kết quả, chuyển biến trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo tại Lâm Đồng |
Bên cạnh việc thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, quá trình tổ chức thực hiện còn gắn với việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ và các cấp có thẩm quyền về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Việc thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo cơ bản đảm bảo đúng quy định của pháp luật, thực hiện tốt công tác đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại; khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài từng bước được hạn chế; tình trạng công dân gửi đơn vượt cấp đến các cơ quan Trung ương và địa phương ngày càng giảm.
Thông qua kết quả thực hiện, đã hướng dẫn, vận động, thuyết phục, giải thích các quy định của pháp luật, một số vụ việc được người dân đồng tình, rút đơn khiếu nại, tố cáo, chấm dứt vụ việc; đã góp phần bảo vệ được lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, hạn chế phát sinh “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vai trò của các cơ quan thanh tra trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường; công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn với UBND các huyện, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng chặt chẽ, góp phần giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh trên địa bàn.
Cùng với những kết quả đã đạt được vẫn còn 1 số tồn tại hạn chế được UBND tỉnh chỉ ra như việc triển khai thực hiện một số quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và các kết luận nội dung tố cáo còn chậm. Chất lượng giải quyết khiếu nại của một số cơ quan, đơn vị còn chưa cao, chưa đảm bảo trình tự, thủ tục giải quyết theo quy định của pháp luật, dẫn đến phải hủy toàn bộ, một phần quyết định giải quyết.
Trong thời gian tới, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm kịp thời, bám sát mục đích, yêu cầu, các nội dung cụ thể về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm thuận lợi, hiệu quả, tránh khó khăn, vướng mắc. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân với nhiều hình thức phù hợp, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân, để từ đó triển khai thực hiện đạt hiệu quả.
Đồng thời tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu Cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Kết luận số 107-KL/TW, ngày 24/12/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài…
Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo kỳ trước chuyển sang và giải quyết các vụ việc mới phát sinh kịp thời, bảo đảm thời hạn quy định, hạn chế thấp nhất đơn thư quá hạn, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo; tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp để giải quyết dứt điểm các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ thành điểm nóng, gây mất an ninh, trật tự, đặc biệt trong thời gian các cấp, các ngành sắp xếp tổ chức, bổ máy theo chỉ đạo của Trung ương; thời gian diễn ra Đại hội Đảng các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031; kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhân sự đại hội…
Cùng với đó phát huy hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy Đảng, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các mặt công tác khác có liên quan đến quyền, lợi ích của người dân.
Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp ủy Đảng, các sở, ban, ngành và các địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra trách nhiệm thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp tục kiện toàn tổ chức, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng trong việc cung cấp thông tin về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo chính xác, kịp thời, trung thực, khách quan.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai sử dụng Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cập nhật kịp thời, đầy đủ thông tin, dữ liệu về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định.