Từ sau khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2013), hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giám sát đã có nhiều chuyển biến quan trọng. Công tác giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội với việc giải quyết kiến nghị của cử tri và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị có nhiều chuyển biến tích cực.
Ban Dân nguyện là cơ quan chủ trì giúp UBTVQH giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp Quốc hội, chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và các cơ quan, tổ chức có liên quan tổng hợp kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội. Theo báo cáo của Ban Dân nguyên, từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến nay, cơ quan này đã tiếp và phối hợp với các cơ quan tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tiếp 58.033 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về 20.776 vụ việc, có 1335 lượt đoàn đông người. Ban Dân nguyện đã xử lý 117.833 đơn và có 1986 công văn chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, và đã nhận được 1578 văn bản trả lời. Qua tiếp công dân, nghiên cứu hồ sơ, đã đề xuất tổ chức giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các vụ việc phức tạp, kéo đài khi phát hiện có dấu hiệu cơ quan có thẩm quyền giải quyết chưa đúng quy định của pháp luật, lợi ích của người dân bị vi phạm.
Ban Dân nguyện cũng đã giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức các Đoàn giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân tại một số tỉnh, thành phố và các bộ, ngành. Cùng với việc xem xét báo cáo kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ban Dân nguyện đã tổ chức nghiên cứu, đề xuất Đoàn giám sát yêu cầu các địa phương xem xét, giải quyết lại đối với 377 vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể, trong đó có nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết lại. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ban Dân nguyện chủ trì giúp việc tổ chức, tiến hành hoạt động giám sát và xây dựng 07 báo cáo kết quả giám sát để trình Quốc hội. Qua đó, đã có nhiều vụ việc được các địa phương thống nhất rà soát lại việc giải quyết theo kiến nghị của Đoàn giám sát; trong đó có một số vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết lại, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận, phân loại và chuyển 28.790 kiến nghị của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời cử tri theo quy định của pháp luật. Qua đó, việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã được các bộ, ngành quan tâm, tập trung nghiên cứu giải quyết. Nhiều bộ trưởng, trưởng ngành đã quan tâm, nghiên cứu giải quyết, trả lời từng kiến nghị của cử tri, đồng thời đưa ra những giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải pháp đầy đủ về những cấn đề cử tri quan tâm được Đoàn Đại biểu quốc hội đánh giá cao.
Theo Ths. Hoàng Anh Công, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, mặc dù đạt nhiều kết quả, song hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cào, kiến nghị của cử tri vẫn còn có những tồn tại, hạn chế. Đó là công tác phối hợp, tố chức tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân của Quốc hội chưa tổ chức được nhiều cuộc tiếp công dân có sự tham gia của các cơ quan của Quốc hội để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân và tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo. Việc theo dõi, đôn đốc, đánh giá kết quả giải quyết chưa thực hiện được nhiều, chưa thường xuyên, liên tục; hoạt động xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cá nhân đại biểu Quốc hội còn hạn chế, chủ yếu thông qua hoạt động của Đoàn ĐBQH; việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của một số bộ, ngành chưa thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu, chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị. Ngoài ra, về mặt bản chất, hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là hoạt động giám sát thường xuyên, cùng với các nội dung giám sát chuyên đề khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo từng năm. Tuy nhiên, việc tổ chức Đoàn giám sát và tham mưu, phục vụ Đoàn giám sát này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được nhìn nhận đúng với vị trí, vai trò theo quy định, nên ảnh hưởng nhiều đến hiệu lực, hiệu quả thực hiện.
Cũng theo Ths. Hoàng Anh Công, để nâng cao hiệu quả giám sát, thì trước hết một số chính sách lớn cần được sửa đổi, bổ sung như: về nội dung và cách thức tổ chức hoạt động giám sát, về hoạt động sau giám sát cũng như công tác tham mưu, bảo đảm hoạt động giám sát. Bên cạnh đó, cần sửa đổi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HDND; Quy chế tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội; Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nội quy kỳ hợp Quốc hội để làm cơ sở thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát./.