Theo Thanh tra tỉnh, trong năm 2024, các cấp, các ngành đã quan tâm thực hiện tốt công tác tiếp dân, nhất là công tác tiếp công dân của người đứng đầu có nhiều chuyển biến tốt so với thời gian trước đây; việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân định kỳ đã đi vào ổn định, có sự thống nhất, trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương. Các cấp, các ngành đã phối hợp tốt trong việc cung cấp thông tin, dự báo tình hình trong việc tiếp và xử lý khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người dân để các cơ quan Nhà nước chủ động có kế hoạch phối hợp tiếp làm việc và xử lý các vụ việc, nhất là các lượt đoàn đông người; chú trọng tiếp công dân tại cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của công dân.
Trong năm 2024, toàn tỉnh đã tiếp 13.638 lượt; số người được tiếp 16.378 người; số vụ việc 14.137. Trong đó, số lượt tiếp lần đầu 13.426 ; số lượt tiếp nhiều lần 764 lượt. Tăng 1.607 lượt, tăng 709 người so với cùng kỳ năm trước. Về công tác giải quyết đơn, số lượng đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị nhận mới là 14.623 đơn, tăng 2.029 đơn so với cùng kỳ, tương đương tăng 16% so với năm trước. Tuy nhiên, đối với đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền tiếp nhận mới là 673 đơn, tăng 483 đơn, tương đương tăng 248 % so với cùng kỳ. Đồi với đơn tố cáo, nhận mới trong kỳ là 101 đơn, tăng 39 đơn, tương đương tăng 64% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, bên cạnh kết qua nêu trên, Thanh tra tỉnh cũng chỉ ra tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Tại một số đơn vị, địa phương vẫn còn hạn chế về số lượt tiếp công dân của thủ trưởng. Bên cạnh đó, vẫn còn trường hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đảm bảo về thời gian do nội dung vụ việc phức tạp phải lấy ý kiến của các cơ quan chức năng; nhất là những trường hợp liên quan đến việc xác minh nguồn gốc đất đai từ đó, ảnh hưởng đến thời gian xử lý, giải quyết vụ việc.
Thanh tra tỉnh cũng dự báo, trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các dự án để phát triển kinh tế của địa phương như dự án Đường ven sông thành phố Biên Hòa, dự án Sân bay Long Thành, dự án cáo tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dự án Vành đai 3 huyện Nhơn Trạch… Đi liền với chủ trương thực hiện dự án là công tác thu hồi đất và thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân có đất bị ảnh hưởng bởi các dự án; trong khi đó, pháp luật về đất đai đang trong thời gian hoàn thiện, chính sách bồi thường, hỗ trợ chưa phù hợp điều kiện thực tế; việc bố trí tái định cư còn chậm. Từ đó, dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới có thể tiếp tục phát sinh và diễn biến phức tạp tại các dự án.
Từ những hạn chế và dự báo tình hình, Thanh tra tỉnh đề nghị các cấp, ngành trong tỉnh tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ sau: Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 29/4/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh.
|
|
Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Nai phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch thanh tra năm 2024 (Ảnh: ĐT) |
Bên cạnh đó, tập trung tham mưu cho lãnh đạo cùng cấp giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật; tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại và kết luận nội dung tố cáo có hiệu lực pháp luật. Thanh tra tỉnh tiếp tục xác minh đơn khiếu nại, đơn tố cáo thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND tỉnh giao.
Tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý, giải quyết các vụ việc theo Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ và Kế hoạch số 237-KH/TU ngày 18/5/2015 của Tỉnh ủy.
Trong thời gian tới, xác định công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Thanh tra tỉnh Đồng Nai đã chủ động đề ra nhiều giải pháp, cụ thể:
Một là, Lãnh đạo các cấp, các ngành phải quan tâm chỉ đạo cơ quan tham mưu chọn những vụ việc phức tạp đề xuất lãnh đạo mời dân để tiếp, nắm bắt nội dung vụ việc để có hướng xử lý dứt điểm vụ việc hoặc xin ý kiến cấp trên nếu trong trường hợp vượt thẩm quyền của mình; gắn công tác tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo để qua đó, giải thích, vận động, thuyết phục người dân thực hiện theo chủ trương Đảng và chính sách của Nhà nước.
Hai là, quá trình giải quyết đơn thư phải có sự tham gia phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành để có sự thống nhất hướng xử lý, giải quyết vụ việc đúng pháp luật, hợp tình hợp lý; nếu có vướng mắc, khó khăn, đơn vị, địa phương phải có văn bản xin ý kiến cơ quan chuyên môn có chức năng tham mưu các lĩnh vực liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo để đảm bảo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, cơ quan chuyên môn phải kịp thời phản hồi, không để kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết đơn của đơn vị, địa phương.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tranh thủ các chức sắc và giáo dân để họ đồng thuận với chủ trương giải quyết của chính quyền, nhất là các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài.
Bốn là, thường xuyên tự giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cơ quan; kịp thời chỉ đạo xử lý các tình huống phát sinh để hạn chế vụ việc phức tạp, kéo dài; siết chặt kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; các vụ việc liên quan đến việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước phải được giải quyết theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định; không để xảy ra vi phạm dẫn đến phát sinh đơn.
Năm là, lựa chọn, bố trí công chức thực hiện tiếp công dân có phẩm chất đạo đức tốt, vững về pháp luật, nghiệp vụ, có khả năng “dân vận tốt”; hướng dẫn, giải thích, thuyết phục để công dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Sáu là, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác này; các cấp các ngành trao thường xuyên đổi kinh nghiệm trong công công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.