Có nhiều chuyển biến tích cực
Các cuộc thanh tra trên địa bàn tỉnh được tiến hành theo đúng kế hoạch và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Quá trình xây dựng kế hoạch và tiến hành thanh tra có sự phối hợp chặt chẽ giữa Thanh tra tỉnh và các sở, ngành, địa phương, từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra. Qua thanh tra, đã ghi nhận những ưu điểm trong quản lý nhà nước; đồng thời, phát hiện những hạn chế, yếu kém và kiến nghị các biện pháp chấn chỉnh khắc phục; các hành vi vi phạm được xử lý nghiêm theo quy định; kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách chồng chéo, không còn phù hợp. Việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền được nâng lên. Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên ban hành văn bản để chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành và địa phương kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện đúng quy định pháp luật trong công tác tiếp công dân, xử lý phản ánh, kiến nghị, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, bảo vệ người tố cáo. Từ đó, kết quả thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều tiến bộ, chất lượng không ngừng được nâng lên, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn một số hạn chế: Bộ máy làm công tác thanh tra từng lúc chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; nhân lực ngành Thanh tra tỉnh còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Việc xây dựng kế hoạch thanh tra từng lúc chưa bám sát và đáp ứng yêu cầu lãnh đạo; chưa chủ động tham mưu, đề xuất thanh tra đột xuất để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý cũng như xử lý các hành vi sai phạm. Một số đoàn thanh tra thực hiện chưa đảm bảo về trình tự, thủ tục, thời hạn thanh tra; một số kết luận thanh tra chậm ban hành, tính khả thi chưa cao, dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung. Qua thanh tra, ít phát hiện và đề xuất, kiến nghị sửa đổi những cơ chế, chính sách còn sơ hở, chồng chéo, chưa phù hợp.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn một số hạn chế cần được quan tâm và có biện pháp khắc phục, đó là: Công tác thẩm tra, xác minh một số vụ việc còn chậm; công tác thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ ở một số vụ việc chưa đủ cơ sở, dẫn đến việc áp dụng chính sách, pháp luật chưa phù hợp; một số cơ quan chuyên môn chưa chủ động đề xuất các giải pháp để rút ngắn thời gian trong giải quyết khiếu nại, tố cáo và giảm số lượng đơn thư phát sinh khiếu nại, tố cáo; chất lượng giải quyết khiếu nại lần đầu ở một số đơn vị, địa phương còn thấp, phải sửa đổi, bổ sung hoặc bị hủy sau khi giải quyết khiếu nại lần hai hoặc qua xét xử tại tòa án. Một số quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật còn tồn đọng kéo dài, chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Nâng cao chất lượng thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Để nâng cao chất lượng công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chấp hành và thực hiện đúng, đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU về việc nâng cao chất lượng công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Nội dung Chỉ thị số 21-CT/TU về việc nâng cao chất lượng công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo là yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26 tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18 tháng 02 năm 2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Luật Thanh tra; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, song trùng với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị nói chung, ngành Thanh tra nói riêng, ngang tầm với nhiệm vụ trong tình hình mới, phấn đấu xây dựng ngành Thanh tra theo lời Bác Hồ dạy: “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, “Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”.
Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng kế hoạch và tiến hành thanh tra, đảm bảo bám sát định hướng của Trung ương và chỉ đạo của địa phương. Chấn chỉnh, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, nhất là đối với doanh nghiệp. Tăng cường giám sát hoạt động của đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra, đảm bảo cuộc thanh tra được tiến hành minh bạch, đúng mục đích, yêu cầu, nội dung và trình tự, thủ tục theo quy định. Nâng cao chất lượng các kết luận thanh tra; nội dung kết luận, kiến nghị phải rõ ràng, sát, trúng, đúng; xác định và xử lý trách nhiệm phải thấu đáo, khách quan, đúng quy định pháp luật. Thường xuyên rà soát, thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra đã có hiệu lực pháp luật. Tăng cường thanh tra quản lý nhà nước trên các lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm, dư luận xã hội phản ánh, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo như: Lĩnh vực đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai, quản lý thu, chi tài chính, thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, thanh tra trách nhiệm về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh, nhất là số lượng đơn khiếu nại, tố cáo lần hai hoặc khởi kiện hành chính tại tòa án. Văn bản, quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo phải đảm bảo khách quan, đúng quy định pháp luật, các vụ việc giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo khi giải quyết lần hai hoặc tòa án xét xử phải được công nhận tỷ lệ cao, tránh việc hủy, sửa, thu hồi các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo. Rà soát thực hiện dứt điểm các quyết định, văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Nâng cao chất lượng hoạt động của đoàn công tác liên ngành các cấp; các sở, ngành tỉnh tăng cường phối hợp, hỗ trợ các địa phương có phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo phức tạp.
Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Thanh tra, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh ngang tầm nhiệm vụ; chú trọng phân bổ biên chế cho ngành Thanh tra theo định khung của ngành, quan tâm bổ sung lãnh đạo Thanh tra tỉnh và thanh tra cấp huyện đủ số lượng theo quy định; tăng cường đào tạo, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho công chức làm nhiệm vụ thanh tra, xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo. Khẩn trương sắp xếp, củng cố, điều chuyển, xử lý công chức làm công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo có dấu hiệu suy thoái, vi phạm, có nhiều dư luận, không đủ năng lực, phẩm chất, uy tín hoàn thành nhiệm vụ gắn với chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng; chủ động điều động, biệt phái công chức trong ngành Thanh tra để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh và các địa phương, qua đó tạo điều kiện cho công chức phát triển toàn diện./.