Hằng năm, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị căn cứ tình hình thực tế, lựa chọn nội dung, xây dựng kế hoạch tổ chức tiếp xúc, đối thoại với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, đồng thời thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp thu góp ý của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp theo quy định.
Thông qua tiếp xúc, đối thoại đã giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị nắm bắt tình hình hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tình hình đoàn viên, hội viên và Nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị, đề xuất chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân cũng như ý kiến tham gia góp ý của Nhân dân đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp.
|
|
Hội nghị tuyên truyền chính sách dân tộc tại huyện Đà Bắc, Hòa Bình (ảnh: Phương Thảo) |
Đồng thời, kịp thời giải quyết những vấn đề đoàn viên, hội viên và Nhân dân quan tâm ngay từ cơ sở, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, chính quyền, tạo đồng thuận cao trong xã hội để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
Cụ thể, trong 05 năm, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đã phối hợp tổ chức được 1.318 cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân theo hình thức hội nghị riêng, trong đó người đứng đầu cấp ủy là 514 cuộc, người đứng đầu chính quyền là 808 cuộc.
Định kỳ hằng quý thường trực cấp ủy giao ban với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tiếp xúc, đối thoại, tiếp công dân theo quy định. Cụ thể, cấp tỉnh: Tổng số 24 cuộc tiếp xúc, đối thoại, trong đó: Bí thư: 05 cuộc; Chủ tịch Ủy ban nhân dân: 19 cuộc. Cấp huyện: Tổng số 187 cuộc tiếp xúc, đối thoại, trong đó: Bí thư: 84 cuộc; Chủ tịch Ủy ban nhân dân: 103 cuộc. Cấp xã: Tổng số 1.111 cuộc tiếp xúc, đối thoại, trong đó: Bí thư: 462 cuộc; Chủ tịch Ủy ban nhân dân: 649 cuộc.
Các cấp ủy, chính quyền đã tiếp nhận 7.255 ý kiến, đề xuất kiến nghị, phản ánh của đoàn viên, hội viên và Nhân dân, trong đó: 6.647 ý kiến đã được xem xét giải quyết. Các ý kiến đề xuất, kiến nghị, phản ánh của cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, người lao động và Nhân dân tại các cuộc tiếp xúc, đối thoại đều được người chủ trì tiếp thu, giải trình, giải quyết ngay tại hội nghị theo thẩm quyền; những nội dung cần xác minh làm rõ hoặc không thuộc thẩm quyền giải quyết đều được tiếp thu, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.
Bên cạnh đó, nội dung các cuộc tiếp xúc, đối thoại được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đoàn thể, những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và Nhân dân, trong đó tập trung chủ yếu liên quan đến việc thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn; việc giải quyết các thủ tục hành chính khi người dân đến trụ sở các cơ quan, đơn vị giao dịch; các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo... và các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất của Nhân dân.
Việc tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân là việc làm thiết thực, hiệu quả, được cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân đồng tình ủng hộ.
Thông qua việc tiếp xúc, đối thoại là dịp để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan nắm bắt, hiểu rõ hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; kịp thời thông tin tới người dân về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, những kết quả đạt được, thuận lợi, khó khăn trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của chính quyền các cấp; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những ý kiến tham gia góp ý của cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân.
Từ đó, tạo điều kiện, cơ chế để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tham gia thực hiện một số nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng tại địa phương, đồng thời giám sát việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao đối với cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên theo quy định, qua đó khẳng định, nâng cao vai trò, vị thế của các tổ chức trong hệ thống chính trị.