Thực tế, trong thời gian qua, việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Hà Giang được đẩy mạnh, nhiều dự án, công trình đang được triển khai thực hiện và phải thu hồi đất, giải tỏa mặt bằng, san ủi đất phục vụ thi công..., công tác quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng chưa chặt chẽ, có nơi còn buông lỏng công tác quản lý. Công tác kiểm đếm, lập phương án bồi thường có lúc chưa phù hợp với tình hình thực tế dẫn đến những khiếu nại, kiến nghị trong công dân.
Chủ tịch UBND các cấp chú trọng tới công tác tiếp công dân
Trong thời gian từ tháng 8/2022 đến tháng 8/2023, tổng số đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh được các cấp, các ngành toàn tỉnh Hà Giang tiếp nhận và xem xét về điều kiện xử lý là 1.569 đơn (khiếu nại 48 đơn; tố cáo 66 đơn; kiến nghị, phản ánh 1.455 đơn). Nội dung đơn thư KNTC, kiến nghị, phản ánh chủ yếu liên quan đến chế độ, chính sách của người dân, lĩnh vực đất đai, nhà cửa, việc cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý và thực thi công vụ.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành tiếp 1.948 lượt công dân với 2.011 người, gồm 1.935 vụ việc. Trong đó có 07 đoàn đông người (51 người), và cũng là 07 vụ việc tiếp lần đầu. Nổi bật là việc tiếp công dân định kỳ và trực tiếp của Chủ tịch UBND các cấp với 1.277 lượt công dân/8.847 ngày, tăng 1.230 lượt tiếp và 8.585 ngày so với cùng kỳ năm 2022 là do phát sinh thêm số liệu tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND cấp xã), gồm 1.280 vụ việc.
Thông qua việc tiếp công dân của Chủ tịch UBND các cấp; thủ trưởng các cơ quan đã trực tiếp trả lời, hướng dẫn, giải quyết các khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của công dân; đối với các đơn thư kiến nghị, phản ánh, KNTC có tính chất phức tạp liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều nội dung cần phải có thời gian kiểm tra, xác minh đã được Chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các ngành tiếp nhận, giao cho các cơ quan chức năng, bộ phận chuyên môn có thẩm quyền tiến hành xem xét, hướng dẫn, trả lời, thụ lý giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật. Đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh, sau khi có văn bản chỉ đạo các đơn vị, ngành chức năng xem xét giải quyết và giao cho Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc giải quyết thông qua phần mềm giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ do Chủ tịch UBND tỉnh giao.
Nội dung đơn chủ yếu liên quan đến chế độ chính sách, giải quyết tranh chấp đất đai, đề nghị việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, công tác thu hồi bồi thường, giải phóng mặt bằng.... |
Đặc biệt, trong 1 năm qua, toàn tỉnh đã triển khai 30 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và phòng, chống tham nhũng. Từ đó, đã ban hành kết luận 22 cuộc tại 34 đơn vị. Qua thanh tra đã chỉ ra được một số tồn tại, hạn chế để đơn vị chấn chỉnh, khắc phục, như việc ghi chép tiếp công dân chưa đầy đủ, chưa thể hiện rõ việc chủ tịch tham gia tiếp công dân, việc chỉ đạo giải quyết đơn thư KNTC còn chậm, chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến chủ chương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp công dân, KNTC và phòng, chống tham nhũng....
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC
Nhìn chung, UBND tỉnh Hà Giang đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền, nghĩa vụ KNTC theo đúng quy định của phát luật góp phần ổn định an ninh trật tự ở địa phương, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính qua công tác giải quyết KNTC.
Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân của lãnh đạo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục được duy trì và thực hiện nghiêm túc. Việc tiếp nhận, xử lý đơn thư, việc kiểm tra, xác minh nội dung KNTC và các bước trong quá trình thụ lý giải quyết KNTC được thực hiện đảm bảo theo đúng quy trình hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC của công dân cơ bản đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời, nghiêm túc; nhiều vụ việc KNTC của công dân đã được xem xét, giải quyết ngay tại cơ sở theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra điểm nóng, khiếu kiện đông người, vượt cấp. Nội dung văn bản trả lời, giải quyết đơn thư KNTC, kiến nghị, phản ánh tập trung vào nhũng vấn đề trọng tâm mà công dân đã kiến nghị, góp phần giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của Nhân dân trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan nhà nước trong việc chấp hành và thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC được quan tâm nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước của các cơ quan hành chính.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giải quyết KNTC hiệu quả chưa cao. Việc xác định thẩm quyền, phân công cơ quan giải quyết đơn thư một số nội dung còn chưa đảm bảo nên còn xảy ra tình trạng có nhiều văn bản trả lòi, chuyển đơn đến cơ quan khác có thẩm quyền giải quyết. Ngoài ra, một số nội dung, các cấp, các ngành còn quá chú trọng đến việc trả lời đơn thư kiến nghị, phản ánh mà chưa quan tâm đúng mức đến việc giải quyết hoặc xây dựng kế hoạch để giải quyết dứt điểm kiến nghị phản ánh của công dân.
Nguyên nhân một phần là do công tác giải quyết khiếu nại là một trong những công việc khó khăn, đòi hỏi cán bộ phải có trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn nhưng ở một số địa phương, đơn vị lực lượng còn mỏng, thiếu cán bộ hoặc cán bộ chưa có đủ năng lực, kinh nghiệm để tham mưu đề xuất giải quyết các vụ việc có tính phức tạp. Trong quá trình giải quyết một số vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền về lĩnh vực đất đai còn khó khăn trong việc thu thập hồ sơ, tài liệu. Ý thức chấp hành pháp luật cũng như sự hiểu biết về pháp luật của một số công dân còn hạn chế, có trường hợp công dân đi khiếu nại và có những đòi hỏi không đúng pháp luật. Một số trường hợp công dân không thực hiện đúng quy định của pháp luật về KNTC; gửi đơn thư nhiều nơi, vượt cấp, không đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Thực hiện tốt công tác hòa giải ngay từ cơ sở
Trong thời gian tới, tình hình KNTC trên địa bàn tỉnh Hà Giang dự báo còn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp. Bởi vậy, tỉnh sẽ tăng cường chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC bằng cách tiếp tục thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, nhất là Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC; Quy định 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Ban chấp hành Trung ương quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với công dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của công dân.
Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ và Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 05/7/2019 của UBND tỉnh; Kế hoạch số 156/KH-UBND ngày 07/6/2022 của UBND tỉnh Hà Giang về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 24/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cưòng sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác giải quyết KNTC; Kế hoạch số 132/KH-ƯBND ngày 19/4/2023 về việc thực hiện Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 của ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết KNTC.
Đồng thời, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND các cấp phải thực hiện nghiêm việc tiếp công dân theo đúng quy định; tập trung chỉ đạo giải quyết KNTC kịp thời, đúng pháp luật, tiếp tục duy trì tỷ lệ giải quyết đơn đạt trên 90% các vụ việc thuộc thẩm quyền; tổ chức thực hiện nghiêm các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại nhất là ở cấp xã; thực hiện tốt công tác vận động thuyết phục, giải thích, hòa giải ngay từ cơ sở, không để khiếu nại vượt cấp và phát sinh điểm nóng gây phức tạp về an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội./.