Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam (gọi tắt là VMSS) là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, được thành lập theo Quyết định số 1099/QĐ-BGTVT ngày 27/5/2011 của Bộ Giao thông vận tải. Vốn điều lệ thời điểm hiện tại của VMSS là 1.806,997 tỷ đồng.
Là một Tổng công ty lớn, nhưng tại đây liên tục có nhiều đơn thư, kể cả đơn tố cáo ông Bùi Thế Hùng - Tổng Giám đốc. Dù được Bộ Giao thông Vận tải tổ chức các buổi làm việc và có các văn bản chỉ đạo nhưng Hội đồng thành viên của Tổng Công ty vẫn lúng túng. Nhiều đơn thư giải quyết chậm, không triệt để, thậm chí thiếu thống nhất, dẫn đến nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết, đơn thư kéo dài, vượt cấp, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình sản xuất kinh doanh và hoạt động điều hành tại Tổng Công ty.
|
|
Phó Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải Lê Văn Doãn chủ trì buổi công bố Quyết định thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại VMSS, tháng 6/2023. Ảnh: mt.gov.vn |
Hội đồng thành viên không thống nhất được nội dung giải quyết đơn
Đó là việc xử lý đơn của ông P. Đ.V. Hội đồng thành viên chưa có sự thống nhất về quy trình giải quyết đơn (Quyết định số 566/QĐ-TCTBĐATHHMN ngày 14/6/2022 có nội dung giao cho Tổ 556; nhưng Nghị quyết số 84/NQ-HĐTV ngày 06/7/2022 lại giao Phòng Thanh tra - Bảo vệ - Quân sự nghiên cứu tham mưu giải quyết) dẫn đến việc chậm xử lý đơn thư.
Đến ngày 28/9/2022, Hội đồng thành viên của VMSS ban hành Nghị quyết số 139/NQ-HĐTV thống nhất trả lời đơn của ông P. Đ. V. Tuy nhiên, kết quả giải quyết đơn có tỷ lệ biểu quyết thống nhất không cao - chỉ 02/04 thành viên (đạt 50% nghiêng về Chủ tịch Hội đồng thành viên).
Đối với việc giải quyết đơn có nội dung tố cáo ông N.Đ.H - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải biển Đông và Hải đảo: Tổng Giám đốc thực hiện báo cáo Hội đồng thành viên kết quả giải quyết đơn chậm (sau hơn 2 tháng bộ phận được giao giải quyết đơn mới có báo cáo kết quả xác minh). Đơn có nội dung tố cáo nhưng VMSS không tiến hành xác minh. Chỉ sau khi Thanh tra Bộ Giao thông vận tải có phiếu chuyển đơn, VMSS mới tổ chức làm việc với cá nhân liên quan.
Liên quan đến việc giải quyết 03 đơn tố cáo do Thanh tra Bộ chuyển về, đã có Văn bản chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải ngày 25/5/2022 về việc tăng cường quản lý đối với VMSS.
|
Điều 30 Luật Tố cáo năm 2018 quy định về Thời hạn giải quyết tố cáo như sau:
1. Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo.
2. Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày.
3. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
4. Người giải quyết tố cáo quyết định bằng văn bản việc gia hạn giải quyết tố cáo và thông báo đến người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
|
Nhưng nến tận ngày 16/01/2023 (sau gần 08 tháng), HĐTV mới ban hành Nghị quyết số 04/NQ-HĐTV thống nhất kết luận các nội dung xác minh theo đơn tố cáo.
Tuy nhiên, Hội đồng thành viên có 04 người thì chỉ có 02 người biểu quyết tán thành (đạt tỷ lệ 50% nghiêng về Chủ tịch Hội đồng thành viên). Có tới 09 nội dung chưa có sự thống nhất cao đủ thấy được sự phức tạp, lùng nhùng, có dấu hiệu mất đoàn kết tại VMSS.
Chính ngay tại Nghị quyết số 04/NQ-HĐTV cũng xác nhận những tồn tại trong kết quả xác minh đơn tố cáo như: Việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quản lý nội bộ về công tác cán bộ còn chậm; việc bổ nhiệm ông V. Đ. D còn sai sót; việc xếp lương của ông B. Đ. Đ còn chưa đúng; việc tuyển dụng ông V. P. T còn sai sót.
Mặc dù vậy, Nghị quyết số 04 nói trên tuyệt nhiên không có nội dung giao các tổ chức, cá nhân liên quan kiểm điểm tồn tại, hạn chế mà Hội đồng thành viên kết luận, khiến lãnh đạo VMSS càng giảm uy tín, đồng thời nội bộ VMSS thêm bất đồng.
Vì thế, sau giải quyết đơn, mặc dù Hội đồng thành viên đã có Nghị quyết thông qua nhưng vẫn còn tình trạng đơn nặc danh, báo cáo của Thành viên Hội đồng thành viên về các nội dung chưa có sự thống nhất cao.
Đến tận khi Đoàn Thanh tra của Bộ Giao thông Vận tải vào cuộc, VMSS vẫn chưa ban hành quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo để phù hợp với nội dung Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Điều lệ tổ chức hoạt động và phù hợp với hoạt động thực tế của VMSS.
Việc này khiến công tác xử lý đơn thư của VMSS liên tục bị chậm, lúng túng “như gà mắc tóc”. Ví dụ như vụ việc xử lý đơn tố cáo nặc danh ghi của tập thể người lao động VMSS liên quan đến ông Bùi Thế Hùng - Tổng Giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam theo Phiếu chuyển đơn số 343/TTr-P4 ngày 23/3/2023 của Thanh tra Bộ Giao thông vận tải.
VMSS đã có báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về kết quả thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, trước thời điểm Hội đồng thành viên ban hành Nghị quyết số 40/NQ- HĐTV giao Phòng Thanh tra - Bảo vệ - Quân sự làm việc với Phòng Tài chính kế toán tham mưu báo cáo. Tuy nhiên, Phòng Thanh tra - Bảo vệ - Quân sự chưa đề xuất nội dung giải quyết đơn theo phân công của Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Vi phạm nghiêm trọng khi tiết lộ họ tên, địa chỉ của người tố cáo
Khi có đơn tố cáo cán bộ phụ trách đấu giá 6 phao sắt tại Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ, Công ty đã ban hành văn bản làm tiết lộ họ tên, địa chỉ của người tố cáo, vi phạm khoản 3, Điều 8, Luật Tố cáo năm 2018 về các hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố cáo.
Nghiêm trọng hơn, bất chấp việc chưa có kết quả giải quyết đơn của VMSS, Công ty vẫn ban hành văn bản tiếp tục tổ chức đấu giá.
Liên quan đến hành vi sai phạm này, tại Điều 22 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo ban hành ngày 10/4/2019 về Xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo quy định như sau:
“2. Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
a) Tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo;
b) Cố ý không thụ lý tố cáo, không ban hành kết luận nội dung tố cáo; không quyết định xử lý tố cáo theo thẩm quyền hoặc không kiến nghị người có thẩm quyền xử lý tố cáo.”
Vậy trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại VMSS ở đâu, khi mà uy tín của Tổng Giám đốc, khả năng quy tụ, thống nhất, đoàn kết nội bộ của Hội đồng thành viên còn là một dấu hỏi?
Việc chấp hành pháp luật, thực hiện nhiệm vụ của VMSS trong các lĩnh vực khác như thế nào, chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập trong các bài báo tiếp theo.