Kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân
Cụ thể, từ kinh nghiệm công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội, hòa giải cơ sở, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị trong hệ thống Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện, phải không ngừng đổi mới công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng. Việc thực hiện nội dung này gắn với việc kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, nhất là những vấn đề mới phát sinh ở từng thời điểm cụ thể, để có những giải pháp phù hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, thống nhất hành động của các giới, tạo sự đồng thuận xã hội trong việc thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Chia sẻ một số giải pháp, kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả công tác giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tố giác của các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tư pháp của HĐND TPHCM, ông Lê Minh Đức, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM nhấn mạnh đến việc tăng cường phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, cơ quan, đơn vị để giải quyết cụ thể từng vụ việc, nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân. Cùng với đó là giám sát việc thực hiện chương trình hành động của ứng cử viên đối với các chức danh do HĐND TP bầu.
Bên cạnh đó, hoạt động tái giám sát kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải được tăng cường thực hiện thông qua việc thường xuyên rà soát, theo dõi việc triển khai, thực hiện các kết luận tiếp dân, kết luận giám sát của HĐND TP, Thường trực HĐND TP đã ban hành; góp phần tích cực trong việc đưa các vụ việc bức xúc của cử tri, công dân được quan tâm giải quyết triệt để.
Theo Chánh Thanh tra TPHCM - Đặng Minh Đạt, các địa phương cần quan tâm công tác đối thoại và giải quyết thấu đáo từ cơ sở, Chánh Thanh tra TPHCM cho rằng, phải giải quyết từ cơ sở, chú ý lắng nghe và đối thoại mới giải quyết được các khiếu nại. Cùng với đó là quan tâm đến năng lực, kỹ năng đội ngũ cán bộ tiếp công dân.
|
|
Chánh Thanh tra TPHCM - Đặng Minh Đạt phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TU.TPHCM) |
Chú trọng công tác đối thoại công khai với người dân
Tại Hội nghị, đại diện các quận ủy, huyện ủy đã chia sẻ những kinh nghiệm trong Chỉ thị số 35 và Quy định số 11. Đại diện Huyện ủy huyện Bình Chánh cho biết, thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị và Quy định số 2405-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Huyện ủy bố trí lịch tiếp đảng viên, công dân vào chiều thứ 6 hàng tuần để lắng nghe, giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân; trực tiếp chỉ đạo, xử lý, giải quyết đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ, đảng viên theo phân cấp quản lý. Đồng thời, quan tâm, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân đảm bảo tiến độ thời gian, theo đúng quy định pháp luật. Huyện ủy huyện Bình Chánh đã thành lập trang Zalo “Cổng tiếp nhận phản ánh của HUBC” để tiếp nhận, tham mưu xử lý các phản ánh, kiến nghị của cán bộ, đảng viên và công dân gửi đến Huyện ủy.
Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Chánh cũng đã chỉ đạo Đảng ủy xã - thị trấn phải luôn công khai lịch tiếp cán bộ, đảng viên và công dân hàng tuần, nghiêm túc thực hiện các quy định về trách nhiệm tiếp công dân, đồng thời tăng cường đi sâu sát cơ sở, trực tiếp tiếp xúc, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân; tổ chức gặp gỡ đối thoại và chỉ đạo giải quyết thấu đáo những phản ảnh, kiến nghị chính đáng và đúng quy định pháp luật.
Từ kết quả triển khai thực hiện các giải pháp thực hiện Chỉ thị số 35, Quy định số 11 của Bộ Chính trị tại Quận ủy quận Bình Thạnh, đại diện Quận ủy quận Bình cho rằng, các cấp ủy đảng cần xác định công tác tiếp công dân và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh trật tự tại địa phương; trong đó, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị là then chốt, có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 35, Quy định số 11 của Bộ Chính trị.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải luôn được thực hiện thường xuyên, sâu sát, nhất là tại địa bàn cơ sở; trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, pháp luật, các quy định về giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Song song đó là tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo; thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về giải quyết đơn, thư, khiếu nại tố cáo, góp phần hạn chế các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, nhạy cảm, kéo dài.
Cũng tại hội nghị, đại diện Quận ủy Quận 6, nhấn mạnh đến việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đánh giá, đôn đốc giải quyết các phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người dân. Bên cạnh đó, quận luôn chú trọng tổ chức đối thoại công khai, dân chủ với người khiếu nại, tố cáo để làm rõ nội dung vụ việc, từ đó có biện pháp giải quyết kịp thời, đảm bảo đúng pháp luật. Ngoài ra, Quận cũng chỉ đạo xử lý đối với những nội dung tồn đọng, kéo dài, kịp thời xử lý đối với những nội dung phát sinh, ngay từ khi xảy ra; nâng cao năng lực dự báo để kịp thời xử lý, ứng phó với những vụ việc có thể phát sinh./.