Hiện nay, hoạt động của luật sư và tổ chức luật sư thực hiện theo quy định của luật Luật sư năm 2015, ngoài ra còn được quy định cụ thể, chi tiết tại các văn bản luật khác như: Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Bộ luật Dân sự năm 2015; Luật Khiếu nại năm 2011… và các văn bản hướng dẫn dưới luật.
Theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 12 Luật Khiếu nại năm 2021, người khiếu nại có quyền "b) Nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình." Tại khoản 1 Điều 16 Luật Khiếu nại năm 2011, luật sư có các quyền sau: "tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại theo đề nghị của người khiếu nại; thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại khi được ủy quyền; xác minh, thu thập chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại theo yêu cầu của người khiếu nại và cung cấp chứng cứ cho người giải quyết khiếu nại; nghiên cứu hồ sơ vụ việc, sao chụp, sao chép các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật Nhà nước." Như vậy, pháp luật đã đề cao vai trò của luật sư trong quá trình giải quyết khiếu nại, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại; giúp người khiếu nại thực hiện đúng các quy định của pháp luật về khiếu nại.
Luật sư là người hiểu biết pháp luật, có kỹ năng phân tích, đánh giá tài liệu, chứng cứ và đối chiếu với các quy định của pháp luật để định hướng cho người khiếu nại thực hiện quyền khiếu nại của mình theo đúng trọng tâm, trọng điểm và đúng quy định của pháp luật; giúp người khiếu nại thu thập, củng cố chứng cứ và trình bày ngắn gọn, súc tích các nội dung khiếu nại và gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Việc này sẽ góp phần tiết giảm thời gian và chi phí cho người khiếu nại; hạn chế tình trạng chuyển đơn khiếu nại lòng vòng do gửi đơn không đúng địa chỉ, làm ảnh hưởng đến thời hiệu, thời hạn giải quyết khiếu nại.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, luật sư cũng có vai trò hết sức quan trọng trong việc giảm số vụ việc khiếu nại tồn đọng, kéo dài, vượt cấp do người khiếu nại không hiểu biết pháp luật; giúp cơ quan nhà nước giải quyết vụ việc khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, khi hành nghề, luật sư còn là một kênh tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả, vì thông qua hoạt động của mình, luật sư có thể tư vấn, giải thích pháp luật cho các đương sự, giúp họ nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động thực tiễn của mình, các luật sư có thể tham gia góp ý, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, hiện nay, người khiếu nại vẫn chưa chủ động liên hệ đến luật sư để nhờ tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Nguyên nhân là nhiều người khiếu nại vẫn chưa tin tưởng vào đội ngũ luật sư, cho rằng luật sư sẽ không giúp ích được nhiều trong việc khiếu nại; e ngại vì chi phí phải trả cho luật sư cao hoặc lo ngại luật sư có thể thông đồng với cơ quan nhà nước để bác đơn khiếu nại của mình… Sự lo ngại này của người khiếu nại đều xuất phát từ cảm tính; tuy nội dung khiếu nại không đúng pháp luật nhưng người khiếu nại lại quả quyết cho rằng khiếu nại của mình là đúng. Nhưng đối với luật sư, sau khi họ nghiên cứu vụ việc khiếu nại thì họ sẽ tư vấn cho người khiếu nại biết nội dung khiếu nại nào là đúng, nội dung khiếu nại nào là sai. Chính vì vậy, giữa người khiếu nại và luật sư đôi khi vẫn chưa có tiếng nói chung, nên khó có thể cộng tác hoặc ủy nhiệm luật sư tham gia giải quyết khiếu nại.
Để nâng cao trò của luật sư tham gia giải quyết khiếu nại, cần thiết phải hoàn thiện các chế định có liên quan để phát huy vai trò của luật sư trong quá trình tham gia giải quyết khiếu nại; không chỉ dừng lại ở quy định về quyền và nghĩa vụ của luật sư, mà còn quy định cụ thể về trình tự, thủ tục để luật sư có thể thực hiện được quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình tham gia giải quyết khiếu nại; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc phối hợp cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan theo đề nghị của luật sư và phải có các chế tài xử lý nếu có hành vi cản trở, gây khó khăn cho luật sư trong quá trình tham gia giải quyết vụ việc khiếu nại. Bên cạnh đó, đội ngũ luật sư phải thường xuyên học tập, trau dồi kiến thức nghiệp vụ, nâng cao đạo đức hành nghề… để củng cố niềm tin và sự tín nhiệm của người khiếu nại./.